Bài: Hiếu Nguyễn

Trong khi các thành phố lớn ngày càng đông đúc, ồn ào, thiếu không gian mở và ô nhiễm, có một phong trào sống xanh, trở về với thiên nhiên đang âm thầm, khiêm nhường róc rách dưới mạch phát triển chung của xã hội.

VŨ ĐIỆU THIÊN NHIÊN DÀNH CHO TRẺ EM

Tại Đà Nẵng, năm 2018, lần đầu tiên một trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên được hình thành với mục đích tổ chức miễn phí những buổi học tập, tìm hiểu thế giới động, thực vật phong phú của bán đảo Sơn Trà qua mô hình. Tại trung tâm Vũ điệu Thiên nhiên – Nature Dance, từ học sinh mầm non tới nghiên cứu sinh, nhiếp ảnh gia, du khách nước ngoài đều được đáp ứng nhu cầu vui chơi, tìm hiểu, khám phá và hành động vì thiên nhiên. Niềm tin vào bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục thiên nhiên cho tất cả trẻ em của chị Nguyễn Thị Tịnh, giám đốc Nature Dance, khiến chị và nhóm của mình miệt mài làm việc cho cả những trẻ em thiệt thòi nhất. Tới cuối năm 2019, hơn 300 học sinh khuyết tật, mồ côi trên địa bàn Đà Nẵng được tham gia những hoạt động trong không gian nguyên sinh của rừng Sơn Trà. Với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ít có cơ hội tiếp xúc với các trải nghiệm đa dạng, việc rời 4 bức tường lớp học và nhà bán trú để lên rừng sử dụng kính viễn vọng ngắm loài voọc chà vá chân nâu, truy tìm dấu vết động vật hoang dã, làm đồ chơi, vẽ tranh từ vật liệu thiên nhiên hay kinh ngạc trước những cây cổ thụ khổng lồ trong rừng sâu có thể để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí các em. Đối với những đứa trẻ yếu thế ấy, cơ hội được học tập, khám phá thiên nhiên hoang dã trước giờ không nhiều bởi ít ai nghĩ đến việc đặt lên vai các em sứ mệnh bảo vệ môi trường. Chị Tịnh và nhóm của mình đã và đang làm điều tưởng chừng giản đơn ấy.

Xây dựng nhà bằng đất vừa tiết kiệm năng lượng, vừa thuận tiện cho cuộc sống hiện đại

KẾT NỐI LẠI VỚI THIÊN NHIÊN

Ở dự án khác có tên Barefoot in the Woods (BITW) – Chân đất trong rừng, một nhóm bạn trẻ tự mày mò, nghiên cứu và tổ chức những buổi trị liệu thiên nhiên được truyền cảm hứng từ phương pháp tắm rừng (shinrin-yoku) của người Nhật đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước phát triển. Đi chân đất, ngửi hương rừng, mân mê vân gỗ, phỏng vấn đá, ôm cây là một số hoạt động của BITW mới nghe qua thì khá kỳ lạ. Nhưng những giây phút ngại ngùng và e dè lúc đầu của người tham gia, sớm trở thành những giây phút của sự tái khám phá niềm vui trẻ thơ, của một thời rong chơi vô sự và đắm chìm hoàn toàn trong thiên nhiên. “Trị liệu thiên nhiên giúp con người yêu và được thiên nhiên yêu lại. Và khi sự kết nối hai chiều này trở nên sâu sắc, con người ta sẽ tự khắc muốn bảo vệ thiên nhiên”, Trần Mai Ly, đồng sáng lập dự án BITW chia sẻ.Tuy cách tiếp cận ở mỗi dự án là khác nhau, những nhà sáng lập và các thành viên đều hiểu rằng khi nhận thức và hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng về việc bảo vệ môi trường thay đổi tích cực hơn thì môi trường sống của chúng ta sẽ được bảo vệ.

Học và chơi trong thiên nhiên đem lại cơ hội phát triển tâm lý độc đáo

KHU RỪNG CHO NÔNG NGHIỆP THUẬN TỰ NHIÊN

Trong một rừng nhỏ tại huyện Nho Quan, Ninh Bình, có một nhóm những người trẻ đang cần mẫn xây dựng một cộng đồng sống hài hòa với thiên nhiên bằng vật liệu thân thuộc: Đất. Họ thuộc Trung tâm Lá Library, nơi trao đổi kiến thức, thử nghiệm, nghiên cứu và thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên và xây dựng tự nhiên. Nơi đây sử dụng đất sét làm vật liệu xây dựng nhà cửa hiện đại, vốn là một kỹ thuật lâu đời của hầu hết các nền văn minh trên trái đất, đang được hồi sinh và ứng dụng ngày một mạnh mẽ trong phong trào Làng sinh thái (ecovillage) ở nhiều nơi. Cho rằng nông nghiệp và lối sống “bê tông hóa” đã tàn phá hệ sinh thái cực kỳ nghiêm trọng, anh Vũ Nguyễn, người sáng lập Lá Library, nghỉ công việc ở nước ngoài, thuê lại một mảnh đất xuống cấp cách xa trung tâm Hà Nội và chọn con đường sống hòa hợp với thiên nhiên. Chấm dứt sử dụng thuốc trừ sâu, nương vào nguồn nước chảy tự nhiên thay vì bơm tưới công nghiệp, tự chế nước tẩy rửa và phân bón hữu cơ, xây nhà bằng đất, Lá Library đang dần chứng minh cho cộng đồng địa phương thấy có một cách thực hành nông nghiệp mà ở đó, nông dân và thiên nhiên cùng đem lại lợi ích cho nhau thay vì khai thác đất đai một chiều. Đối với các bạn trẻ khao khát một con đường thoát cho sự mất cân bằng sinh thái hiện nay, đến làm việc tại cộng đồng Lá Library là một sự minh chứng: Viễn cảnh con người và thiên nhiên chung sống hòa hợp là hoàn toàn có thể.