Giang Lê
Triển lãm đồng hồ lớn nhất của Patek Philippe vừa qua tại Singapore đã đưa công chúng đến “vương quốc” kỳ diệu của những cỗ máy thời gian và kỹ nghệ đồng hồ tinh xảo.
NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ HIẾM CÓ
Là một trong những “ông lớn” trong ngành đồng hồ, tên tuổi của Patek Philippe gần như gắn liền với đẳng cấp, độ hiếm, chất lượng tuyệt hảo, những cải tiến kỹ thuật và cả những kỹ nghệ chế tác đồng hồ thủ công truyền thống mà bạn rất khó có thể chiêm ngưỡng ngoài đời. Triển lãm Watch Art Grand Exhibition lần thứ 5 diễn ra từ 28/9 đến 13/10 tại nhà hát Marina Bay Sands, Singapore (mở cửa tự do cho công chúng) là một trong những cơ hội hiếm hoi để làm được điều đó.
Tôi cảm thấy thật may mắn khi được tham dự triển lãm đồng hồ lớn nhất tại Đông Nam Á này. Triển lãm gồm 10 phòng với chủ đề khác nhau. Công chúng và những người hâm mộ kỹ nghệ đồng hồ được đắm mình trong thế giới của Patek Philippe như thể đang trực tiếp ghé thăm salon của hãng, nhà máy ở Plan-les-Ouates hay bảo tàng Patek Philippe ở Geneva.
Những kho báu đồng hồ đẹp nhất từ bảo tàng Patek Philippe đã xuất hiện trong phòng Bảo tàng của sự kiện. Giữa vô số những “kiệt tác” đồng hồ lâu đời, không ai có thể bỏ qua hai chiếc đồng hồ của Nữ hoàng Anh Victoria (No.4536 và No.4719). Nữ hoàng Victoria đã mua chúng tại một cuộc triển lãm ở London năm 1851. Thời điểm đó Jean Adrien Philippe vẫn chỉ là một cái tên non trẻ trong làng đồng hồ nhưng đã ra mắt những chiếc đồng hồ vặn dây cót đầu tiên. Tôi đã đứng ngắm rất lâu chiếc đồng hồ của Nữ hoàng Anh với bộ vỏ được trang trí hình bó hồng đính kim cương nổi bật trên lớp men xanh dương mê hoặc.
Trong phòng Bảo tàng, tôi còn “gặp gỡ” một huyền thoại khác: chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên của Patek Philippe: Chiếc đồng hồ đeo tay của nữ Bá tước Hungary Koscowiz. Chiếc đồng hồ ra đời năm 1868, và giống như một món trang sức lộng lẫy với lớp bảo vệ mặt số được đính những viên kim cương lớn. Đặc biệt hơn cả là chiếc đồng hồ Calibre 89 với 33 chức năng được hoàn thành năm 1989 nhân kỷ niệm Patek Philippe tròn 150 tuổi cũng xuất hiện trang trọng trong sự kiện.
CẦU NỐI ĐẾN ĐÔNG NAM Á
Riêng với tôi, bộ sưu tập ấn tượng nhất lại là những chiếc đồng hồ để bàn trong phòng Trưng bày những tác phẩm thủ công hiếm. Những chiếc đồng hồ để bàn lấy cảm hứng từ các thành phố: Singapore, Kuala Lumpur, Manila, Jakarta, Bangkok và Hà Nội. Lớp mặt của đồng hồ để bàn được tráng men điêu luyện: bằng kỹ thuật Flinque – màu men được tô lên mặt số đều và mịn như một bức tranh và kỹ thuật tráng men cloisonné – sử dụng những sợi vàng uốn cong thật mỏng giúp phân chia các mảng màu trên mặt số.
Trùng với kỷ niệm 200 năm lịch sử của đảo quốc Singapore, sự kiện năm nay có một căn phòng đặc biệt: phòng Singapore và các nước Đông Nam Á. Một loạt các đồng hồ lấy cảm hứng từ một Singapore đa văn hóa, sắc tộc cũng như khu vực Đông Nam Á giàu truyền thống thủ công.
Những đồng hồ để bàn mái vòm được trưng bày trong phòng Singapore và các nước Đông Nam Á đã thể hiện rõ cảm hứng văn hóa từ mảnh đất Đông Nam Á. Chiếc đồng hồ “Peranakan Culture” tôn vinh những người nhập cư Trung Quốc đầu tiên định cư ở Malacca, Penang và Singapore, được trang trí bằng phương pháp tráng men cloisonné; hoặc có thể là chiếc đồng hồ mang họa tiết hoa lá độc đáo của vùng Đông Nam Á “Farquahar Collection”. Chiếc đồng hồ mái vòm “hút” khách nhất chính là “The Esplanade-Singapore”. Toàn cảnh hiện đại của thành phố, cận cảnh là dòng sông Singapore và kiến trúc độc đáo được thể hiện qua chiếc đồng hồ mái vòm này.
Tò mò về những kỹ thuật tráng men trên đồng hồ mái vòm của nghệ nhân Patek Philippe, tôi bước vào phòng Nghệ nhân chế tác đồng hồ để tìm hiểu lí do tại sao các kỹ thuật ra đời 400 năm trước vẫn được giữ gìn.
TIẾP TỤC NGUỒN CẢM HỨNG
Không có cách nào tốt hơn việc giữ gìn các kỹ năng của nghệ thuật thủ công truyền thống của Geneva bằng cách thực hành nó. Tuy vậy, những kỹ năng này chỉ “nằm” trong tay một số ít nghệ nhân đồng hồ. Để tôn vinh họ, Patek Philippe đã có riêng phòng Nghệ nhân chế tác đồng hồ và phòng Trưng bày tác phẩm thủ công hiếm, nơi công chúng sẽ được xem các nghệ nhân chế tác đồng hồ làm việc và cảm nhận tâm huyết họ dành cho mỗi chiếc đồng hồ.
Triển lãm đồng hồ lần này còn có “Ngày Gia đình” để trẻ em được vui chơi và tạo ra chiếc đồng hồ của riêng mình. Khuyến khích người trẻ tìm hiểu và yêu thích thế giới kỹ nghệ đồng hồ thủ công cũng nằm trong thông điệp của chủ tịch Patek Philippe – Thierry Stern trong bài phát biểu khai mạc sự kiện.
Khi thấy rất nhiều người trẻ xuất hiện trong hôm đầu tiên triển lãm mở cửa, trong đó có cả người con trai trẻ của Stern, tôi bỗng chợt nhớ đến slogan của hãng “Bạn không thật sự sở hữu một chiếc Patek Philippe. Bạn chỉ đơn giản gìn giữ nó cho các thế hệ sau”.