Bài: Vân Anh
Ảnh: Josh Couch, Riccardo Gazzin, Chris Curry, Fred Nassar

Trong thế giới điện ảnh, thành phố tình yêu không chỉ gọi tên Paris mà còn nhiều không gian khác. Tại đây, những mối tình xuất hiện từ những bối cảnh ly kỳ và xúc cảm đặc biệt.

Vienna – Before Sunrise

Một mối tình không giống với bất kỳ mối tình nào khác từng xuất hiện trên màn ảnh rộng. Mối tình trong Before Sunrise (tạm dịch: Trước lúc bình minh) của đạo diễn người Mỹ Richard Linklater chẳng cần biết đến một “happy ending” (kết thúc có hậu), tất cả là những đoạn hội thoại kéo dài xuyên màn đêm và những khoảnh khắc hai nhân vật chính chỉ có một lần trong đời.

Jesse (Ethan Hawke thủ vai) và Céline (Julie Delpy thủ vai) tình cờ gặp gỡ trên chuyến tàu xuyên qua lòng châu Âu, họ quyết định xuống tàu ở Vienna – Áo và cùng nhau dành một đêm ở thủ đô này trước khi tiếp tục đường ai nấy đi. Họ nhảy lên một chuyến tàu điện, dừng chân ở cây cầu Reichsbrücke, đến một cửa hàng đĩa để cùng nhau nghe nhạc Kath Bloom, rồi họ có nụ hôn đầu tiên ở một trong những địa điểm nổi tiếng nhất Vienna Wiener Riesenrad, họ ngồi bên ngoài hàng hiên một quán café kiểu Áo kinh điển và gặp gỡ những công dân thành Vienna khi không gian đã lên đèn…

Cách kể chuyện phim mang tính tối giản, dựa hoàn toàn vào đoạn hội thoại tự nhiên của hai nhân vật trên tấm phông nền của một thành phố mộng mơ đang say ngủ giữa lòng châu Âu.

New York – Breakfast at Tiffany’s

Truman Capote hẳn phải rất yêu New York, nếu không, ông đã chẳng làm một bộ phim như lá thư tình gửi đến thành phố kỳ diệu này. Khởi đầu từ một truyện dài của chính đạo diễn, ông khăng khăng Audrey Hepburn đích thị là cô nàng Molly ranh mãnh, nhiều bí ẩn và mê đắm cửa hiệu trang sức Tiffany ở Manhattan – Mỹ. Molly thoắt ẩn thoắt hiện như con mèo của cô, sẽ cùng gã hàng xóm Paul Varjak (George Peppard thủ vai) khám phá New York theo cách chẳng giống ai.

Buổi sáng ở New York với Molly là thả mình trong chiếc váy đen, một cốc cafe và một chiếc bánh croissant trước cửa hàng Tiffany. Buổi trưa ở New York với họ là ngồi ở bệ cửa sổ, một người chơi đàn guitar, người kia lặng lẽ nghe. Buổi tối với họ là những bữa tiệc bất tận với đủ mọi tầng lớp thị dân New York. Cuộc sống lặp đi lặp lại với sự vô lo, vô định, không có quá khứ, và tương lai cũng chỉ là một ý niệm mù mờ. Như đâu đó, còn có một New York khác của ái tình mập mờ và kìm nén giữa hai nhân vật chính. Sau Breakfast at Tiffany’s (tạm dịch: Bữa sáng tại Tiffany) người ta chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa: New York cũng có thể là thành phố của tình yêu!

Berlin – Posthumous

Posthumous (tạm dịch: Di cảo) không phải một bộ phim nổi tiếng đại chúng, nhưng lại là bộ phim ai cũng nên xem nếu họ trót phải lòng Berlin. Cuốn phim đầu tay của nữ đạo diễn người Mỹ gốc Hoa Lulu Wang tái hiện bầu không khí Berlin quá đỗi chân thực, tại thành phố này, cô gái trẻ người Mỹ McKenzie Grain (Brit Marling thủ vai) cùng anh chàng nghệ sĩ hành tung bí ẩn Liam Price khám phá.

Chuyện phim khởi đầu ở một phòng tranh đương đại, diễn biến trên những ngóc hẻm vừa duyên dáng vừa bụi bặm của Berlin, trên nền nhạc sôi động và trong một cuộc xâm nhập thế giới nghệ thuật đương đại đầy những tình huống dở khóc dở cười. Nếu để miêu tả về Berlin, đó có lẽ cũng sẽ là một miêu tả cô đọng nhất về “thủ đô văn hóa mới của thế giới” này. Cũng như bất cứ bộ phim hài lãng mạn về tình yêu nào, hai nhân vật chính tìm thấy điểm kết nối bằng chính những trải nghiệm ở Berlin của mình, lãng mạn có mà điên rồ cũng có. Mỗi cuộc trò chuyện là một khung cảnh mới, và họ cũng chỉ là một trong số rất nhiều những cặp đôi tìm thấy tình yêu trên tấm phông nền của văn hóa, nghệ thuật, và nhịp sống phóng khoáng mà chỉ Berlin mới có thể mang lại.

Tokyo – Lost in Translation

Nữ đạo diễn Sofia Coppola bắt đầu viết kịch bản cho bộ phim Lost in Translation (tạm dịch: Lạc lối ở Tokyo) từ chính tình yêu của mình với thành phố nổi tiếng nước Nhật, và có lẽ vì thế, tình yêu cũng trở thành điểm sáng trong cuốn phim này. Bộ phim kể về nam diễn viên hết thời Bob Harris (Bill Murray thủ vai) khi ông đến Tokyo để quảng bá cho một nhãn hiệu rượu. Ở đó, ông kết bạn với cô gái trẻ người Mỹ Charlotte (Scarlett Johansson thủ vai) và cùng cô khám phá thành phố chẳng giống chút nào với nước Mỹ của họ. Tokyo hiện lên trong màn đêm cùng với tất cả những gì sống động và lấp lánh nhất, nhưng cũng bởi lẽ đó, sự cô đơn và lạc lõng của hai con người ở hai thế hệ khác nhau lại càng hiển hiện. Họ gắn kết cũng từ đó, trong lòng Tokyo và giữa những con người lạ mặt.

Giới phê bình nhận định Lost in Translation là một trong những bộ phim hiếm hoi mang đến cái nhìn và cách thể hiện mới về sự lãng mạn. Tình yêu không nhất thiết đến từ những va chạm vật lý, cứ nhìn cách hai nhân vật chính tìm thấy sự kết nối từ những im lặng và mẩu hội thoại đứt gãy, người xem hẳn sẽ nhận ra vẫn còn rất nhiều những sắc thái và giao diện khác của tình yêu.