Bài: Thủy Phạm
Ảnh: Thủy Phạm, Nguyễn Quang Ngọc
Một mùa hè đổ lửa theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đang phủ lên châu Âu khiến cả thế giới lo ngại. Nước Anh lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận nhiệt độ lên tới trên 40oC. Các rặng núi tuyết ở Thuỵ Sĩ tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng thấy… Trong hai thập kỷ trở lại đây, hiện tượng thời tiết cực đoan trở lại dày hơn và ở mức độ ngày càng kỷ lục hơn do biến đổi khí hậu.
Friederike Otto – giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, nói với Reuters rằng chỉ riêng các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng tần suất gấp 100 lần hoặc hơn, do hành động của con người trong việc phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Cuộc khủng hoảng nhiệt độ chỉ là báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng năng lượng mới. Tại châu Âu và Mỹ, nơi tiêu thụ lượng xăng dầu lớn nhất thế giới, giá xăng đã lên mức kỷ lục nhất trong lịch sử (hơn 50.000VNĐ/lít); việc sử dụng xe hơi trở nên quá đắt đỏ, buộc nhiều người dân ở các thành phố châu Âu đi bộ nhiều hơn và tài xế taxi phải thay đổi thói quen: Đợi khách tìm tới thay vì chạy xe tìm khách.
Vài thập niên trước, việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch đang cạn kiệt và gây phát thải nhà kính lớn, thay thế dần bằng nguồn năng lượng xanh hơn mới chỉ được đề cập tới trong câu chuyện của các nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường, nhưng nay là chuyện nóng trên bàn nghị sự quốc gia và trên cả bàn ăn của mỗi gia đình. Là một trong những nguồn phát thải lớn khí nhà kính, chủ yếu là carbon dioxit, và hoạt động phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, ngành công nghiệp ô tô bị gọi tên đầu tiên. Cựu Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel từng khẳng định: “Ngành công nghiệp ô tô không chỉ là một phần của vấn đề khí hậu, mà trên hết ngành này là phần trọng tâm của giải pháp về khí hậu”.
Theo thoả thuận, 27 nước châu Âu sẽ chấm dứt hoàn toàn việc bán ô tô mới chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035. Một số quốc gia thậm chí còn có kế hoạch đi trước: 2025 là thời gian ngừng bán ô tô chạy xăng/diesel tại Na Uy trong khi Anh, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan có kế hoạch tương tự cho năm 2030.
Gần như toàn bộ các nhà sản xuất ô tô lớn, kể cả siêu xe và xe thể thao, đang tăng tốc trong cuộc cách mạng nhiên liệu này. Ở châu Á, cả các hãng sản xuất ô tô hàng đầu là Toyota và Lexus cũng mới tuyên bố sẽ chi mạnh tay cho kế hoạch loại bỏ ô tô sử dụng nhiên liệu hoá thạch vào năm 2040. Và ô tô điện với khả năng phát thải Carbon dioxide (CO2) bằng 0 được xem là đích đến mới.
Sản xuất ô tô điện đơn giản hơn sản xuất xe chạy xăng hoặc dầu. Một ví dụ cụ thể là động cơ 8 xi-lanh của xe chạy xăng có 1.200 bộ phận phải được lắp ráp, trong khi động cơ điện chỉ có 17 bộ phận. Tuy nhiên, ngay cả khi xe điện đã biến “người tí hon” Tesla thành khổng lồ về giá trị vốn hoá và việc sản xuất ô tô điện ngày càng dễ dàng thì việc phổ cập ô tô thuần điện với người tiêu dùng lại không đơn giản như thế.
Với công nghệ hiện nay, việc chế tạo xe điện (chủ yếu là pin) tiêu tốn kim loại hiếm như đồng, coban, mangan và lithium nhiều gấp 6 lần so với xe truyền thống. Theo Hiệp hội Năng lượng Quốc tế, giá lithium đã tăng vọt 700% chỉ trong vòng một năm, mang đến tin xấu cho người tiêu dùng là giá xe điện sẽ ngày càng đắt đỏ.
Xe điện cần có một hệ thống hạ tầng khá tốn kém với các trạm sạc điện chuyên dụng và mất nhiều thời gian để sạc đầy pin cho từng xe. Điều này đúng ở phạm vi toàn cầu. Ở trạm sạc cấp 1 đặt tại nhà riêng, pin xe điện cần 11 – 16 giờ để sạc đầy; ở trạm cấp 2 đặt tại các nơi công cộng, thời gian cần sạc là 4 – 8 giờ nhưng chi phí lắp đặt đầu sạc là 5.000USD và một trạm sạc điện cấp 3 chỉ cần 15 – 30 phút để sạc đầy đến 80% pin nhưng giá thành xây dựng lên tới hơn 50.000USD cho một đầu sạc. Nghịch lý lại nằm ở chỗ, sạc càng nhanh thì tuổi thọ của pin càng giảm, trong khi chi phí thay thế pin chiếm tới 20% giá xe mới. Bối cảnh đó đã khiến một dòng xe xuất hiện từ hơn hai thập niên trước bất ngờ lên ngôi. Xe hybrid – sử dụng kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện – trở thành lựa chọn đắt giá cho một thời kỳ xe xăng thì quá tốn, phát thải quá nhiều, trong khi xe điện thì chưa có hạ tầng phù hợp để thay thế xe xăng. Thị trường ô tô quan trọng nhất thế giới là Mỹ đã ghi nhận doanh số bán xe hybrid tăng 142% trong năm 2021, theo dữ liệu của Wards Intelligence.
Ưu điểm lớn nhất của xe hybrid là hiệu suất nhiên liệu được cải thiện khi nó sử dụng ít nhiên liệu hơn 30% mỗi dặm so với các loại xe chạy bằng xăng truyền thống, khiến cho việc sử dụng xe bớt đắt đỏ và lượng khí thải giảm thiểu đáng kể. Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, cứ mỗi 100.000 dặm, xe hybrid tiết kiệm được khoảng 1.000 gallon (tương đương 4.500 lít) xăng và ngăn chặn được việc thải ra khoảng 9,8 tấn khí nhà kính carbon dioxide. Hàng trăm nghìn xe hybrid được bán ra trong năm 2021 có thể khiến lượng khí thải giảm đi hàng triệu tấn trong riêng vòng đời chúng. Xe hybrid không giúp giảm phát thải về 0 như xe điện, song nó cũng không đòi hỏi thêm một cơ sở hạ tầng mới nào và cũng không gây lo ngại cho người sử dụng về nguy cơ “đang đi thì hết điện”.
Theo Ken Gillingham, giáo sư kinh tế môi trường tại Đại học Yale, “khi những chiếc xe lai (hybrid) lần đầu tiên xuất hiện, chúng được xem như là một sự kỳ quặc, song giờ đây, chúng đang là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn chuyển đổi này”. Nhà sản xuất tiên phong cho “sự kỳ quặc đang trở thành xu hướng” ấy chính là Toyota với chiếc xe hybrid thương mại đầu tiên và hiện vẫn làchiếc hybrid được tiêu thụ nhiều nhất thế giới Prius. Chiếc xe hybrid phổ thông đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam cũng đến từ Toyota: Corolla Cross. Tuy nhiên, thương hiệu thực sự mở đầu cho dòng chảy hybrid tại Việt Nam lại là Lexus với mẫu sedan đỉnh cao LS 500h vào năm 2017.
Tới nay, người tiêu dùng Việt Nam có thể lựa chọn phiên bản hybrid trên hầu hết tất cả các mẫu xe Lexus đang được phân phối chính hãng: IS 300h, ES 300h, LS 500h, NX 350h và RX 450h. Trên các mẫu xe này, công nghệ hybrid đã được nâng cấp tới thế hệ thứ 4. Với công nghệ multistage hybrid mới nhất trên LS 500h, ngoài 2 động cơ xăng điện còn có thêm 1 pin điện tự sạc (năng lượng được nạp khi xe phanh giảm tốc) dùng để khởi động xe, khởi động động cơ xăng và dẫn động bánh xe. Sự kết hợp 3 trong 1 này đảm bảo cho những chiếc Lexus giữ nguyên được cảm giác lái phấn khích mạnh mẽ, trong khi lại tiết kiệm nhiên liệu tối ưu, giảm thiểu một lượng phát thải không nhỏ và triệt tiêu cả tiếng ồn. Và kế hoạch trong tương lai, Lexus Việt Nam có thể phân phối phiên bản hybrid trên tất cả các mẫu xe còn lại.
“Mọi người càng cảm thấy thoải mái hơn với xe hybrid, thì họ càng cảm thấy thoải mái hơn với xe điện trong tương lai. Điều đó mang lại cho tôi sự lạc quan” – Ken Gillingham bày tỏ trên tờ WashingtonPost. Đó có lẽ là một vai trò thêm nữa của xe hybrid: Khiến người tiêu dùng quen dần với xe điện.