Ngô Quang Minh
Ấn Độ mang trong mình dòng chảy cuồn cuộn của hàng nghìn năm lịch sử, chứng kiến sự thịnh suy của bao nền văn hóa cùng hưng phế của rất nhiều triều đại. Mỗi thời kỳ đi qua lại lưu dấu trong đời sống tâm linh, trong tín ngưỡng dân gian, và đặc biệt là để lại những công trình kỳ vĩ, những đô thành sầm uất rộng lớn; góp vào lịch sử nhân loại không ít giá trị của nền văn minh sông Ấn nhiều sử thi và huyền thoại.
Người ta nói: nếu thành phố tên kết thúc “pur” như Jaipur, Jodhpur, Udaipur, Kuala Lumpur… thì nơi đó do một vị vua Ấn giáo (Hindu) lập nên. Còn nếu tên kết thúc là “abad” như Hyderabad, Islamabad, Adilabad… thì nơi đó do một vị vua Hồi giáo (Muslim) lập nên. Nhắc đến những niềm tự hào của Hindu giáo phải nhắc đến thành phố Hồng (Pink City) Jaipur – thủ phủ bang Rajasthan, nằm ở phía Tây của Tam giác Vàng du lịch Ấn Độ cùng Delhi và Agra. Mỹ danh đó đến từ việc rất nhiều công trình, con đường ở Jaipur được trang trí chủ đạo bằng màu hồng. Nổi tiếng nhất chính là cung điện hồng tráng lệ Hawa Mahal nằm trên đại lộ đông đúc cùng tên. Kiến trúc của Hawa Mahal cực kỳ phô trương, nổi bật với mặt trước màu hồng, xây thành 5 tầng chính với rất nhiều cửa sổ chạm khắc tinh xảo. Nhìn sơ cung điện này phỏng theo cấu trúc của chiếc vương miện cỡ lớn, nhìn kỹ thì như tổ ong nguy nga phơi mình đón gió. Chẳng thế mà nơi này được phong tặng biệt danh là “Cung điện gió”, xây dựng cách đây hơn 200 năm và là nơi các thành viên Hoàng gia Ấn Độ ưa thích lui tới những dịp nghỉ hè. Kiến trúc bên trong Hawa Mahal là tinh hoa kết hợp giữa phong cách Hindu và Hồi giáo Mugha, tinh xảo chi tiết tới từng đường nét và vô cùng rực rỡ. Dường như không ai đi qua con phố này mà không ngoái lại để ngắm sắc màu sa thạch hắt ra ánh sáng ấm nồng từ Hawa Mahal, hay tuyệt vời hơn nữa là dừng chân trong quán cà phê đối diện ngắm cung điện được thắp sáng lung linh khi hoàng hôn buông xuống.
Nhắc đến Jaipur mà chỉ nhắc đến màu hồng thì quả là thiếu sót, bởi khu vực màu hồng chỉ rộng hơn 3 cây số vuông, Jaipur vẫn còn những sắc màu khác nữa! Tôi đặc biệt yêu thích con đường đá chạy bằng xe Jeep qua cổng Mặt trời (Suraj Pol) dẫn lên pháo đài Amber trên đỉnh đồi Đại bàng (Cheel ka Teela). Công trình nguy nga này tọa lạc trên đồi cao, soi bóng xuống hồ Maotha xanh thẳm dưới chân. Bên ngoài pháo đài nhìn đồ sộ với những tháp canh lớn, tường cao hào sâu. Bên trong chia làm 4 tầng và 6 biệt khu rộng lớn lại có rất nhiều góc tĩnh lặng ấm áp đầy nắng gió. Amber Fort còn có nhiều vườn cây xanh kết hợp với phòng vương giả trang trí xa hoa cùng các đền thờ đặc trưng của thời đại Rajput từng thịnh trị nơi đây từ thế kỷ 16, khiến quần thể này không chỉ nổi tiếng linh thiêng mà còn là điểm nhấn văn hóa của toàn bang Rajasthan. Pháo đài Amber vì thế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2013.
Bên cạnh những thứ lớn lao, hoành tráng như thế, Rajasthan còn chắt lọc những viên ngọc nhỏ nhắn tinh xảo mà nếu để ý, người ta sẽ thấy ngạc nhiên thích thú. Đó chính là cảm giác của tôi khi nghỉ chân ven đường trong buổi sớm tinh sương ở đền thờ thần Hanuman vắng lặng cùng đoàn hành hương đang làm lễ tẩy trần trước khi vào đền. Hanuman là tên của thần Khỉ, nhân vật biểu trưng của lòng dũng cảm, và luôn xuất hiện trung tâm trong 2 bộ sử thi Ramayana và Mahabharata vĩ đại của Ấn Độ. Ngôi đền này do đó còn được gọi là đền Khỉ (Monkey Temple), thực tế cũng nuôi rất nhiều khỉ! Điểm nhấn khác là dòng suối lớn phía sau đền, đổ vào 7 bể chứa, tục truyền là dòng nước thiêng mà dòng người mộ đạo nên tắm khi đến lễ. Quần thể nơi này không quá rộng lớn, quy mô khiêm nhường nhưng tổ chức khoa học và được giữ gìn ngăn nắp sạch sẽ. Phong cách Hindu dường như có thể cảm nhận thấy ở từng đường nét nơi rường cột, mái vòm và qua sắc màu trang phục của người bản xứ.
Đi xa hơn một chút nhưng lại tới gần hơn với cuộc sống, nắng gió khô cằn vùng Rajasthan đưa tôi đến với giếng “Mặt trăng” Chand Baori ở làng Abhaneri cách thủ phủ Jaipur hơn 60km đường bộ. Giếng nước này dẫu đã có hơn 1.000 năm tuổi vẫn được bảo tồn vẹn nguyên với lối kiến trúc cực kỳ đặc trưng của một Baori – giếng bậc thang – cùng cung cách xây dựng cầu thang đôi (double flight of steps) ở 3 mặt, mặt còn lại có nhiều cột trụ và các phòng nhỏ để giới quý tộc nghỉ ngơi. Thoạt nhìn người ta choáng ngợp bởi độ sâu như đi vào lòng đất và 3.500 bậc thang được sắp xếp tỉ mỉ zích-zắc từ miệng giếng thu hẹp về đáy. Mê cung này không khác gì một kim tự tháp úp ngược kỳ vĩ, xứng danh là giếng bậc thang cổ nhất nhì Ấn Độ và cũng hiếm có trên toàn thế giới. Tôi tò mò hỏi người gác Chand Baori rằng liệu ông đã từng gặp một mùa mưa lớn khiến nước dâng cao trong lòng giếng chưa? Ông chỉ im lặng mỉm cười thay cho câu trả lời; hẳn ông cũng tự mường tượng ra khung cảnh giếng nước mát trong dâng đầy cùng tấp nập người dân trong vùng lên xuống lấy nước, khi ấy cảnh trí chắc là sinh động đáng yêu lắm!
Ấn Độ là vậy, những gì vĩ đại nằm cạnh những điều nhỏ bé, luôn có sự đối lập nhưng cũng rất dung hòa, phố phường ồn ào hỗn độn nhưng không thiếu những góc nhỏ bình yên. Gấp lại một miền ký ức, trước mắt tôi vẫn là những sắc màu và nét văn hóa đã làm Ấn Độ trở nên Ấn Độ nhất, ghi tạc thuở vàng son của một Rajasthan – xứng danh “Vùng đất của các vị vua”.