Bài: Huỳnh Phương
Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện

Thành ngữ dân gian nói đến “Rừng vàng, biển bạc”, ca ngợi Việt Nam giàu tài nguyên rừng và biển. Hãy cùng Tạp chí Heritage “lặn” biển Việt Nam, khám phá những cánh rừng ngoạn mục, không phải rừng cây cối mà là rừng san hô qua bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện – người đam mê nhiếp ảnh dưới nước.

Thợ lặn dò tìm vị trí cổng tò vò cổ đại dưới đáy biển khu vực đảo Bé - Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Rạn san hô – “thành phố thu nhỏ”

San hô là các sinh vật biển tồn tại dưới dạng các thể polyp nhỏ, vỏ đá vôi do chúng tạo nên dính kết với nhau tạo thành những dải san hô lớn, có nhiều hình dạng từ san hô cứng trông giống vỏ não, hình cành cây cho đến san hô mềm có hình quạt, bút biển. Những bãi, rạn san hô này như “thủy cung thu nhỏ”, môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật biển như cá, sứa, sao biển… tô nên vẻ đẹp mê hoặc. Việt Nam sở hữu lợi thế 3.260km đường bờ biển trải dài Bắc – Nam, có nhiều hòn đảo “thiên đường” và có khoảng trên 1.100 km2 rạn san hô nên du lịch biển đảo và lặn biển thỏa thích 4 mùa. Đặc biệt, từ tháng 4 đến tháng 8 là mùa lặn biển ngắm san hô đẹp nhất trong năm ở khu vực biển miền Trung. Khi lặn và chụp ảnh dưới biển, du khách nên tham gia các khóa học về lặn biển tại các trung tâm đào tạo uy tín để được trang bị đẩy đủ kiến thức lặn và thực hành, gồm lặn bình khí và lặn tự do. Ngoài ra, cần đầu tư thiết bị chụp ảnh dưới nước và quan trọng nhất vẫn là cảm quan, góc nhìn và ý tưởng của người chụp.

Một góc san hô cứng độc đáo ở hòn Yến, tỉnh Phú Yên

Vườn đá nở hoa” ở Hòn Yến

Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, là một đảo đá thuộc quần thể Hòn Yến được công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 2018. “Đặc sản tự nhiên” Hòn Yến là rạn san hô nước nông ven bờ, tựa như “vườn đá nở hoa”, lộ thiên đúng vào dịp những ngày đầu tháng hoặc giữa tháng âm lịch, điểm xuyết những con sao biển nổi bật trên mặt nước lung linh. Du khách khi đi bộ quan sát cần nhón chân trần nhè nhẹ “nâng niu” bảo vệ san hô. Vào những ngày triều dâng cao khoảng 3 đến 5m, có thể bơi phía trên và ngắm san hô bên dưới thông qua kính lặn và ống thở. Những bức ảnh san hô trở nên nghệ thuật hơn khi chụp sóng biển phân tách góc nhìn cảnh quan giữa hai thế giới – trên mặt nước và dưới mặt nước. Ngoài rạn san hô cạn, bên dưới mặt nước phía đông Hòn Yến là các khối san hô trù phú. Khu vực biển này khá tối và nhiệt độ nước cũng lạnh hơn hẳn mặt phía tây, phía dưới có dòng nước di chuyển liên tục tác động đến người bơi lặn nên ít nhất có hai người cùng hỗ trợ nhau khi lặn. Nếu thấy trong dòng nước có nhiều sứa nên tránh xa, không tiếp xúc với chất nhầy dập dìu giữa dòng, có thể gây những nốt đỏ, bỏng hoặc rát da. 

Du khách khám phá hệ sinh thái san hô mềm dưới vùng biển Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định

Phiêu lặn” bên rạn san hô Cù Lao Xanh

Du lịch biển đảo Bình Định không thể bỏ qua Cù Lao Xanh, địa danh gắn liền với những câu ca dao đi vào lòng người:

“Bình Định có núi Vọng Phu

Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh

Em về Bình Định cùng anh

Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa”

Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Câu) nằm án ngữ giữa hai vịnh lớn của miền Trung, là vịnh Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Vịnh Quy Nhơn có khoảng 152ha rạn san hô phân bố ven bờ và các đảo, chủ yếu là san hô cứng. Các bãi san hô tráng lệ Cù Lao Xanh còn hoang sơ tại độ sâu từ 4 đến 10m, có tiềm năng phát triển dịch vụ lặn biển. Các cô gái có thể hóa trang thành những “nàng tiên cá” trong bộ trang phục lặn họa tiết đẹp mắt, vũ điệu “phiêu lặn” hòa lẫn vào rừng san hô và đàn cá bơi lội xung quanh mang đến bức tranh tổng thể tuyệt đẹp.

Cảnh quan kỳ vĩ và huyền bí của vòm đá cổ đại dưới đáy biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Cổng Tò Vò kỳ ảo dưới biển Lý Sơn

Các điểm lặn biển Việt Nam có nhiều tuyệt tác của tự nhiên mang vẻ đẹp khác nhau, riêng khu bảo tồn biển Lý Sơn tạo ra sự khác biệt nhờ có cổng Tò Vò dưới nước thuộc đảo Bé (xã đảo An Bình). Đó là vòm đá trầm tích nằm ở độ sâu khoảng 13 đến 17m được hình thành trong quá trình phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Cổng Tò Vò này có chiều dài đến 20m, chiều cao vòm nơi cao nhất khoảng 5m và được tô điểm bởi san hô bám trên vòm. Thợ lặn chuyên nghiệp tạo dáng trên mái vòm này thật kỳ ảo và huyền bí, tựa như “cánh cổng thủy cung” để bước vào một thế giới lộng lẫy trong lòng đại dương. Bơi lặn xung quanh vòm đá có thể chiêm ngưỡng các loài cá và san hô chuyển mình trong làn nước xanh màu ngọc bích. Còn đối với du khách chưa biết lặn được hướng dẫn cách ngậm ống thở và kỹ năng thở cơ bản lặn bằng bình khí, việc còn lại là thợ lặn theo sát du khách xuống độ sâu khoảng 8 đến 10m đủ để ngắm cổng Tò Vò. Ngoài ra, bên dưới đảo Bé có những bãi cát trắng mịn được tạo bởi xương san hô, các rãnh nứt gãy do quá trình vận động của núi lửa xưa kia tạo nên những con đường cát tự nhiên trải dài như vô tận dưới đáy biển.

Du khách lặn xuyên qua vòm đá ở độ sâu

Có thể nói, vẻ đẹp của “rừng dưới biển” Việt Nam, vùng biển miền Trung nói riêng là “biển bạc” vô giá của đất nước, trải qua một thời gian lâu dài mới lan rộng và đẹp như ngày nay. Mùa lặn biển miền Trung đang đẹp, du khách hãy lên ý tưởng cho các hành trình thú vị vào mùa hè này.