Bài THƯ VŨ
Mùi hương là cách lưu giữ hồi ức, đồng thời cũng là địa hạt riêng của cảm xúc. Đâu đó, ở ngóc ngách của tâm hồn, ký ức về mùi hương quen thuộc cứ hiện về trong trí nhớ của chúng ta, nhất là vào những ngày cuối năm.
ÔI NHỚ CHIỀU 30 TẾT
Rằm tháng Chạp qua đi, khi chúng ta có thể đếm trọn những ngày cuối năm trên đầu ngón tay, ngoài cái hối hả ngược xuôi, thứ người ta trân quý và chẳng thể quên được chính là mùi hương của Tết. Ấy là mùi của hoa đào, hoa quất, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành và cơm tất niên.
Mùi của Tết còn là hương thơm dễ chịu của lá mùi già đun nóng, ngào ngạt cảm xúc mùa xuân trong mỗi nếp nhà.
Tết có thể thiếu đào, thiếu quất, thiếu mai, thiếu cả xác pháo rơi đầy đường phố hay nồi bánh chưng sôi sục trong đêm xuân giá rét, cũng chẳng sao. Thế nhưng, nếu không có những mùi hương, hẳn phong vị Tết sẽ vô vị lắm. Thiếu đi mùi khói hương ấm áp phảng phất suốt ngày dài, sẽ chẳng hay một năm lại qua đi. Vắng bóng mùi canh măng, gà luộc của bữa cơm chiều cuối năm, chẳng biết mùa đoàn tụ lại về.
Rồi hương hoa bưởi ngọt ngào, mùi cam chanh thanh khiết cũng theo lẽ đó mà trở thành “một mảnh Tết” của người Việt. Đó là những hương luôn hiện hữu trong ký ức ngày Tết, như in sâu vào tiềm thức thuở bé thơ. Dù vậy, hương thơm bình dị của lá mùi già đêm 30 Tết lẩn khuất trong câu chuyện của bố mẹ vẫn cứ lan tỏa cả góc sân. Có lẽ mùi hương khiến chúng ta nhớ đến hương vị Tết nhiều nhất. Độ cuối năm ai cũng bận rộn, nhưng cứ hễ là ngày cuối cùng còn vương vấn sau vòng tuần hoàn 365 ngày, mẹ chẳng bao giờ quên mua nắm lá mùi già trong phiên chợ. Sau bữa cơm tất niên vừa hạ từ bàn thờ cùng mùi nhang trầm quanh quẩn khắp đầu mũi, mẹ lại tất bật đỏ lửa, đun sôi nồi nước lá đã chuẩn bị từ chiều, hương mùi già sôi vừa ấm áp, vừa thanh tao. Khoảnh khắc ấy chính là Tết, hương thơm không thể nhầm lẫn cũng chẳng thể ngụy tạo.
Mùi Tết còn là hương của quế, hồi và mắc khén ngào ngạt trong không khí, mùi của hành phi thơm nồng, giòn rụm ngập trong mỡ lợn, gợi nhớ đến nồi thịt kho của bà trong ngày Tết xưa. Một năm tất bật ngược xuôi dễ đưa ta đến những bữa cơm vội vàng qua quýt, hẳn vậy nên đĩa thịt kho và nắm xôi gấc dịp cuối năm mới mang cảm giác ấm áp và đủ đầy đến thế.
MÙI TẾT CÒN LÀ MÙI ĐOÀN TỤ
Sau hương thơm nồng nàn của lá mùi già chiều 30 Tết, và mâm cơm thịnh soạn đêm tất niên, là sáng mùng một ngắm hoa đào nở rộ trong không khí lành lạnh, âm ẩm và thoang thoảng mùi khói hương. Trên góc phố vắng vẻ tinh tươm, lại thơm tho một mùi tinh khiết mới lạ, xa xa phảng phất mùi nhang sớm, hương trầm thanh tao, khẽ khàng lọt qua khe cửa, hòa cùng sự tươi mới của đất trời làm nên phong vị ngày Tết tràn đầy xúc động.
Ấy là mùi hương của sớm mai đầu xuân, của khởi đầu tràn đầy ước vọng khi giao niên vừa qua. Sau lễ chùa cầu bình an, chúng ta quay về nhà, đánh thức mọi người và thắp nén nhang đầu năm một lần nữa. Giờ đây, mùi hương thắp quyện yêu thương của mùa đoàn viên hòa với dư vị ngọt ngào của kẹo và bánh mứt.
Những mùi thơm quá đỗi thân quen luôn gợi nhắc chúng ta về sự sum họp gia đình, về miền ký ức ấu thơ đầy ấm áp, như chất keo khiến tình thân thêm gắn kết giữa những thăng trầm của cuộc sống xô bồ, khô cằn và nhiều áp lực. Mà đôi khi, nhịp sống vội vã khiến chúng ta buộc phải gói ghém những yêu thương ấy vào góc riêng lòng mình. Mùi của Tết – mùi không có tên trong từ điển tiếng Việt, cũng chẳng thể miêu tả được bằng lời, nhưng dường như ai cũng hiểu. Mùi hương đặc trưng của Tết chính là mùi của sự đoàn viên, sum vầy. Là những thương yêu chẳng mang mùi thơm riêng, nhưng chính là thứ khiến dư vị ngày Tết ấm áp và khó quên nhất.
VÌ TẾT VẪN LUÔN Ở ĐÓ
Giáp Tết, giữa dòng xe ngoài phố, mùi hương thân thuộc về bao mùa Tết đã qua vẫn luôn nhắc chúng ta rằng, Tết chưa bao giờ khác đi. Vẫn là hương thơm rộn rã của đất trời, cùng hơi thở tràn trề nhựa sống của cỏ cây hoa lá đang căng mình đâm chồi nảy lộc. Tiết trời đượm buồn giăng mưa phùn vẫn ở đây, cơn gió mùa xuân vẫn lồng lộng thổi về. Thời gian cứ như mây trắng bay ngang đầu. Phong vị ngày Tết vẫn vậy, vẫn đượm mùi thương yêu trong khoảnh khắc đoàn viên, vẫn ngạt ngào dư vị của sự viên mãn.
Bằng cách cảm nhận vạn vật qua ánh mắt long lanh của một đứa trẻ, chẳng để những lo toan chồng chất níu chân ta như thuở thơ bé, Tết vẫn luôn mang những mùi hương rất riêng mà chẳng dịp nào có được.
Vì Tết vẫn luôn ở đó, dù nhìn nó như chuỗi ngày được tô đỏ trên trang lịch, hay như mùi ký ức dịu ngọt đọng lại trong lòng người suốt bao thế hệ. Vì những thương yêu với Tết vẫn là tình thân, hệt như tình yêu với gia đình vậy. Ta đâu cần lý do và chẳng cần phải chọn lựa, đúng không?