Bài: Lý Việt Thắng
Ảnh: SHUTTERSTOCK, FPT
Hàng triệu người chết, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa hoặc phá sản, hàng chục triệu người mất việc làm … đại dịch Covid-19 đã vẽ một bức tranh khổng lồ đầy ảm đảm trên phạm vi toàn cầu. Nhưng nếu phải cố tìm những điểm sáng trên bức tranh u ám đó thì chuyển đổi số chắc chắn sẽ là điểm sáng nhất.
Trong bối cảnh các quốc gia đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội trong các thành phố hay thậm chí là các phạm vi nhỏ, giao thương mạng (E-commerce) đã tăng trưởng bùng nổ gấp nhiều lần các năm trước đó. Các doanh nghiệp muốn tồn tại do đó buộc phải chuyển đổi các hình thức doanh thông thường sang kinh doanh trên nền tảng số hóa. Đương nhiên, chuyển đổi số kéo theo một lượng dữ liệu khổng lồ, khiến cho dịch vụ trung tâm dữ liệu vốn đã khá hot ở các nước phát triển trong các năm qua, trở thành mỏ vàng lộ thiên đối với các nhà đầu tư.
Dữ liệu đã trở thành món hàng giá trị nhất trên thị trường, là động lực chính giúp Facebook, Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet vượt mốc vốn hóa 1.000 tỉ USD. Dữ liệu mang lại cho họ quyền lực ngang bằng với các quốc gia, buộc chính phủ các nước tìm giải pháp hạn chế tầm ảnh hưởng của những gã khổng lồ này.
Dẫu vậy, nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng chỉ một phần rất nhỏ dữ liệu đang được khai thác một cách hiệu quả, bởi việc thu thập, xử lí, quản lí và bảo vệ khối thông tin dữ liệu ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Xù xì nhưng xông xênh
Theo khảo sát của Domo, trong năm 2020, mỗi phút có 404.444 giờ video được xem trên Netflix, 42 triệu tin nhắn được gửi trên WhatsApp, 1 tỷ USD được giao dịch online và khoảng 208.333 người sử dụng ứng dụng Zoom. Người dùng Internet tạo ra khoảng 2,5 tỷ tỷ bytes dữ liệu mỗi ngày.
Để có thể đáp ứng nhu cầu bùng nổ về lưu trữ, quản lý và phân phối dữ liệu, các Data Center đang tăng nhanh đáng kể theo thời gian. Số lượng các trung tâm dữ liệu lớn trên toàn cầu đã tăng gấp đôi, từ 259 lên 541, trong vòng 5 năm qua.
Theo nhà phân tích công nghệ John Dinsdale của Synergy Research Group, các tập đoàn công nghệ đã chi khoảng 38 tỷ USD vào trung tâm dữ liệu cho các dịch vụ của mình trong quý đầu tiên của năm 2021, tập trung ở cả thị trường doanh nghiệp và thị trường người tiêu dùng. Những kẻ chi tiêu mạnh tay nhất vẫn là Amazon với Amazon Web Services, tiếp theo là Microsoft, Google, Facebook, Apple, Alibaba và Tencent.
Họ sẵn sàng vung tiền đầu tư vào các dịch vụ này bởi, ngoài các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không thể tự đầu tư được các trung tâm lưu trữ dữ liệu của riêng mình do vốn đầu tư cao, điều kiện duy trì các trung tâm tốn kém và quan trọng nhất là không phù hợp với bài toán hiệu quả chi phí.
Một hệ thống Data Center hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp cần đảm bảo nhiều tiêu chuẩn khắt khe về nguồn điện, hệ thống Core switch và Network; hệ thống kiểm soát an ninh giám sát 24/24; hệ thống làm lạnh đạt chuẩn, hệ thống tiêu chuẩn của Uptime Institute về các yêu cầu đặc biệt cho việc thiết kế, xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu.
Bên cạnh những khoản đầu tư khổng lồ vào xây dựng và vận hành như quy hoạch, thiết kế, thủ tục pháp lý, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng cháy chữa cháy, đường truyền …, các trung tâm dữ liệu còn phát sinh chi phí lớn về nhân lực vận hành, gồm các chuyên gia về hệ thống, quản trị mạng, hệ thống điện, điều hòa… Việc cập nhật công nghệ mới cũng rất tốn kém.
Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp trên toàn cầu nhưng cũng chính Covid-19 đã khiến các ông lớn đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, thứ đang được coi là “bất động sản mới”.
Tại Mỹ, lợi suất cơ bản từ các trung tâm dữ liệu dao động từ 4 -12%. Ở Nhật, con số này là 4-5%; ở châu Âu là từ 5-7%, Singapore 6-7%, Malaysia 7-7,5% và Trung Quốc 8-12%. Tỷ suất sinh lợi của Data center cao hơn hẳn so với các khoản đầu tư bất động sản truyền thống như văn phòng. Tỷ suất sinh lời của thị trường văn phòng tại Thượng Hải là 5,5%, tại Singapore là 3%.
Doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi lớn
Theo báo cáo Tăng trưởng Trung tâm Dữ liệu và Đám mây ở các thị trường mới nổi giai đoạn 2021-2025, Việt Nam là một trong 10 thị trường mới nổi về hệ thống trung tâm dữ liệu toàn cầu. Giá trị thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2020, tăng 130 triệu USD so với năm 2019. Thị trường dịch vụ dữ liệu (Cloud) năm 2020 có doanh số 105 triệu USD và có thể tăng trưởng với mức 25%/năm cho tới năm 2025, theo một báo cáo của Hiệp hội Internet Việt Nam.
Thực tế, thị phần của các nhà cung cấp Cloud nước ngoài vẫn chiếm ưu thế so với các nhà cung cấp nội địa, hệ sinh thái dịch vụ cho doanh nghiệp chưa thực sự toàn diện khi mảng dịch vụ nền tảng (PaaS) và phần mềm (SaaS) trong nước vẫn chưa đủ năng lực cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài. Trong doanh số năm 2020, các nhà cung cấp nước ngoài (AWS, Google, Azure) kiếm được 79%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang bắt đầu chuyển sang sử dụng các dịch vụ Data Center từ các nhà cung cấp trong nước.
Nền tảng điện toán đám mây trong nước có rất nhiều lợi thế lớn như: chi phí đường truyền rẻ hơn khi kết nối với cloud trong nước thay vì quốc tế; khả năng tư vấn hỗ trợ dịch vụ trong nước nhanh hơn; giảm nỗi lo về pháp lý khi lưu trữ dữ liệu hay thuận lợi hơn về các thủ tục thanh toán.
Các đại gia công nghệ Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh tay vào dịch vụ này. FPT hiện có kế hoạch đưa vào khai thác các Data center với diện tích 10.000m2, tổng vốn đầu tư 177 tỉ đồng tại TP.HCM và tại Hà Nội với vốn đầu tư 213 tỉ đồng. Viettel IDC đã có 5 trung tâm dữ liệu trên cả nước với diện tích 25.000 m2 và sẽ xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội (4 ha) và TP.HCM (3 ha).
Hanoi Telecom, hồi tháng 4/2021, đã đưa Eco Data center đi vào hoạt động tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm dữ liệu này của Hanoi Telecom có tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. CMC Telecom cũng sắp đưa tổ hợp văn phòng và Data center tại khu vực phía Nam thuộc quận 7, TP. HCM đi vào hoạt động. Dự án có diện tích 13.133m2 và tổng mức đầu tư (bao gồm cả Data center) là 1.500 tỷ đồng. Hiện CMC Telecom cũng đang sở hữu 3 Data center tiêu chuẩn Tier III.
Dù mâu thuẫn trong phát biểu khi ai cũng cho mình là dẫn đầu thị trường này nhưng các đại gia công nghệ Việt đều thống nhất về tầm quan trọng của Data centre trong chuyển đổi số và rằng xu hướng tất yếu của thị trường là dịch vụ “đa đám mây” – cho phép kết nối đa điểm tới nhiều nhà cung cấp dịch vụ Cloud khác nhau.
“Các nhà cung cấp trong nước hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, tối ưu chi phí và năng lực hỗ trợ kịp thời. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn tư duy ‘chuộng hàng ngoại’ của các doanh nghiệp khi lựa chọn nhà cung cấp đám mây, mở đường cho xu hướng Local Cloud phát triển,” Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc công ty FPT Smart Cloud, tin tưởng.
“Kế hoạch tương lai của CMC là tiếp tục làm dày một hệ sinh thái phục vụ chuyển đối số cho doanh nghiệp từ SME (vừa và nhỏ) đến các doanh nghiệp lớn. Đây sẽ là hệ sinh thái mở giúp việc chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả cao và an toàn bảo mật”, Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Marketing của CMC Telecom chia sẻ về định hướng để bắt kịp thị trường nhiều tiềm năng này.
“Năm 2022, Viettel IDC đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ quản lý công nghệ thông tin (Managed service provider – MSP), nâng hạng hợp tác với tất cả các nhà cung cấp lớn trên thế giới, để có những sản phẩm hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam chuyển đổi số thuận lợi. Khách hàng sẽ có thể “gạt bỏ” nỗi lo về hạ tầng, ứng dụng và vận hành, chỉ cần tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.- Giám đốc Viettel IDC, Hoàng Văn Ngọc nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, nền kinh tế số đạt mức 14 tỷ USD trong năm 2019 và dự kiến đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. Không có gì nghi ngờ khi Data centre sẽ là những mỏ vàng lộ thiên.