Hải Âu

Khái niệm organic đang rất được ưa chuộng trong mọi lĩnh vực thực phẩm nay được áp dụng vào cà phê với nhiều hàm nghĩa.

Cà phê gắn bó với đời sống Hà Nội kể từ khi người Pháp mang cà phê vào Việt Nam. Món đồ uống lạ lùng ấy bỗng dần được Việt hóa và ngày nay nghiễm nhiên cùng với bánh mỳ vốn có nguồn gốc nước ngoài đã trở thành đồ ăn, thức uống quen thuộc trong đời sống. Dù nắng, dù mưa, các quán cà phê ở Hà Nội luôn mở rộng cửa chào đón khách và bản thân giới trẻ cũng thường coi cà phê là cánh cửa kinh doanh đầy tiềm năng cho bước đầu lập nghiệp.Mở quán cà phê, thành ngữ này đã trở thành quen thuộc trong đời sống bởi rất nhiều bạn trẻ sau khi ra trường liền dấn bước vào con đường vừa lãng mạn, vừa cạnh tranh khốc liệt này. Chỉ là một khái niệm phổ quát, bởi mở quán cà phê còn có nghĩa là bán cả các loại đồ uống khác nữa, nhưng quan trọng nhất là tìm ra được triết lý kinh doanh cho riêng mình. Cách đây khoảng 10 năm, tại Hà Nội xuất hiện mô hình cà phê sách rất thú vị. Những không gian đẹp nằm ở phố yên tĩnh, trên kệ sách xếp từ chân lên sát trần nhà, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ở đó người ta có thể trầm ngâm cả buổi với trang sách trong hương cà phê thơm ngát. Triết lý của cà phê Văn Việt đó rất hay nhưng đáng tiếc văn hóa đọc đã bị các dòng điện thoại thông minh và thói quen lướt web của giới trẻ thay thế nên mô hình này đành ngậm ngùi rút khỏi cuộc chơi. Cũng độc đáo không kém là cà phê pet – anh chàng Nghĩa khi mới mở mô hình nuôi bò sát khổng lồ để khách ngắm chơi đã tạo nên cơn sốt cho giới trẻ. Mô hình cà phê kỳ nhông này cùng với những quán cà phê mèo vốn nổi đình nổi đám một thời, tiếc thay cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn

Cà phê organic được các bạn trẻ mày mò tìm hiểu

Cũng thật thú vị khi tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, hiện đã có các trung tâm dạy về rang xay theo tiêu chuẩn của tổ chức SCA – Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới.

Không nản lòng, giới trẻ Hà Nội đã lập tức chuyển hướng sang cà phê sạch. Khái niệm organic đang rất được ưa chuộng trong mọi lĩnh vực thực phẩm nay được áp dụng vào cà phê với nhiều hàm nghĩa. Thứ nhất là sạch ở nguyên liệu, sử dụng cà phê mộc, không tẩm ướp hóa chất hương liệu, lại ra vị cà phê thuần khiết. Mà vốn người uống cà phê Hà Nội bao năm nay đã trót đắm đuối với cà phê có vị đắng ngọt, sánh đậm, thơm phức. Theo các chuyên gia sành sỏi, tất cả hiệu ứng đó đều xuất phát từ hương liệu mà ra, do đó muốn thay đổi gu của người tiêu dùng không thể trong một sớm một chiều. Từ đó mà người phố lúc đầu thấy lạ, sau quen thuộc với chiếc xe đạp bán cà phê mộc với tên gọi Reng Reng. Sau nhiều năm, Reng Reng đã trụ lại ở một góc phố cổ với triết lý kinh doanh khá lạ đời, không wifi, không phục vụ bất kỳ món gì khác ngoài cà phê Arabica rang mộc. Mà dòng cà phê không tẩm ướp này rất kén người uống nhưng đã quen thì không thể không yêu.Mang theo triết lý đó, nhiều bạn trẻ hăm hở lao vào con đường chinh phục khách hàng bằng chất lượng cà phê tiêu chuẩn. Mà muốn tạo ra những tách cà phê thơm phức không chỉ đơn giản là mua hạt mộc, rang lên rồi xay. Với thế giới phương Tây, rang hạt đã trở thành một môn học cầu kỳ, không khác với kỹ nghệ ủ nho làm rượu vang là mấy. Cũng thật thú vị khi tại Hà Nội và TP.HCM, hiện đã có các trung tâm dạy về rang xay theo tiêu chuẩn của tổ chức SCA – Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới. Tại đó, các học viên sẽ được học về quy trình chế biến ở tất cả các công đoạn trong quá trình từ khi còn là hạt cà phê cho tới khâu cuối cùng là trao cho người tiêu dùng một tách cà phê thơm ngon. Nói thì đơn giản, nhưng để tạo ra được loại cà phê bột đạt chuẩn mang hương chocolate, vị ngọt hậu như anh Phạm Thế Sơn đang cố gắng chinh phục thị trường bằng cái tên Cà phê Đằng, đòi hỏi rất nhiều công sức, từ lựa nguyên liệu đầu vào tới quy trình rang xay không tẩm hương liệu.

Người trẻ thành phố về vùng Tây Nguyên tìm hiểu về cà phê

 Khái niệm organic còn được một số bạn nâng tầm lên thành triết lý kinh doanh. Tại TP.HCM, cái tên cà phê Azan đang được quan tâm không chỉ bởi chất lượng mà còn câu chuyện văn hóa đi kèm. Với mỗi túi 200gr cà phê bột, anh Hồ Thế Sơn đã cho in một mã QR ở bao bì, khi đọc bằng điện thoại sẽ ra một câu chuyện về các thắng cảnh trong nước. Huyền thoại Hạ Long, đèn lồng đêm phố Hội, sông nước miền Tây… là những chuyện mà anh Sơn gửi qua hương cà phê tới bạn bè thế giới. Cũng mang câu chuyện văn hóa nhưng ở khía cạnh khác là bạn trẻ Lê Tùng Bách, người đang say mê với mô hình hợp tác mà ở đó anh ước ao có sự gắn kết giữa người trồng, nhà chế biến, nhà phân phối và cửa hàng. Trao đổi về lĩnh vực này, anh tỏ ra rất tâm đắc với hình thái sinh hoạt của loài ong, bởi trong tổ ong không có khái niệm tư hữu, mỗi con ong thợ, ong trinh sát, ong lính, ong chúa… đều chuyên tâm vào lĩnh vực của mình để cuối cùng tạo thành xã hội rất hài hòa. Cộng đồng cà phê sạch United mà Bách đang xây dựng sẽ gắn kết từ vườn cà phê, nhà sấy kính trên Đà Lạt, xưởng chế biến ở TP.HCM và những cửa hàng cà phê trên khắp cả nước, mỗi khâu đều tuân thủ theo tiểu chuẩn của SCA và thú vị nhất là lợi nhuận sẽ được trích ra nhằm làm từ thiện cho đồng bào miền núi và để trồng cây. Khái niệm sạch ở đây đã được nâng cấp lên tầm cao hơn, hướng tới tiêu chí lành mạnh hóa môi trường xã hội chứ không chỉ đơn giản là những tách cà phê không hóa chất.