Bài: Quang Thng

nh: Andrew Le, Lê Trng

Khác với trong tự nhiên, các ngân hàng đang hợp tác với những “kẻ xâm chiếm địa bàn” của mình là các fintech (công nghệ tài chính) để đẩy nhanh quá trình số hóa, xây dựng hệ thống và phát triển mạnh hơn.

5 năm sau khi hợp tác với fintech, DBS trở thành ngân hàng tốt nhất thế giới theo bình chọn của Euromoney

Năm 1998, DBS đã được coi là ngân hàng lớn nhất Singapore với hơn 700 điểm ATM trong một đất nước chỉ có hơn 3 triệu dân. Nhưng trước năm 2014, ngân hàng này lại có số điểm đánh giá hài lòng thấp nhất do hệ thống giao dịch chậm.

Năm 2014, lãnh đạo DBS phải thay đổi toàn bộ chiến lược phát triển bằng việc “bắt tay” cùng các fintech để thực hiện chuyển đổi số. Nhà băng chọn phát triển toàn bộ dịch vụ ngân hàng tập trung vào thiết bị di động và cắt giảm gần như toàn bộ chi nhánh, phòng giao dịch. Từ đây, mọi giao dịch ngân hàng của DBS từ mở tài khoản, gửi tiết kiệm, cho vay, chuyển khoản… đều được tích hợp trên di động của khách hàng thông qua ứng dụng ngân hàng với các chức năng thanh toán hóa đơn như của các công ty fintech.

Nhờ vậy, chỉ sau 5 năm, DBS trở thành ngân hàng có độ hài lòng cao nhất ở Singapore và là ngân hàng tốt nhất trên thế giới theo bình chọn của Euromoney năm 2019.

Đây cũng là cách nhiều ngân hàng Việt đang triển khai để bước đầu thực hiện số hóa dịch vụ tài chính.

Các ví điện tử đang ngày một phát triển

App Mobile: Bước đầu hợp tác

Nhiều ngân hàng hiện chọn hợp tác với các ví điện tử, công ty fintech để tích hợp những tính năng thanh toán trên ví điện tử vào các ứng dụng ebank trên di động. Nhờ đó, thay vì chỉ xoay quanh các giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm, truy vấn số dư… các app mobile đã có thể thực hiện chức năng thanh toán như ví điện tử gồm QR code, mua vé máy bay, tàu xe, thanh toán hóa đơn, vé xem phim đến phí bệnh viện online…

Đại diện một ngân hàng tư nhân lớn tại Việt Nam cho biết, việc bắt tay với các fintech là bước đi đầu tiên để phát triển hệ sinh thái của ứng dụng ngân hàng. Đây là một trong các chiến lược xây dựng ngân hàng số khi phần lớn khách hàng hiện đều giao dịch online và qua smartphone.

“Khách hàng từ lâu đã có thể gửi tiết kiệm online. Cái chúng tôi đang làm là nâng cao trải nghiệm của khách hàng với dịch vụ thanh toán, sau đó sẽ còn mở tài khoản, cho vay, thậm chí là ủy thác đầu tư, mà không cần phải tới chi nhánh, phòng giao dịch đăng ký”, vị này cho hay.

Ông Nguyễn Đình Thắng, cựu Chủ tịch LienVietPostBank, kể rằng các công ty fintech từng được coi là “đối thủ đe dọa hoạt động của ngân hàng”, nhưng việc hợp tác giữa hai bên là “tất yếu”.

Ông ví dụ, ngay việc liên kết ví điện tử với thẻ ngân hàng cũng là một cách hợp tác giữa hai bên và cơ bản nhất để phát triển ví điện tử cũng như hoạt động thanh toán ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc phát triển ứng dụng trên di động của các ngân hàng Việt hiện nay mới là “bước đầu trong việc chuyển đổi số”.

“Ngân hàng số phải thực hiện được toàn bộ chức năng của ngân hàng vật lý từ mở thẻ, đổi thẻ, huy động vốn, cho vay, ủy thác đầu tư… Còn nếu vẫn phải làm hồ sơ tín dụng, mang CMND ra quầy giao dịch mới có thể vay vốn thì vẫn chưa gọi là ngân hàng số thực thụ được”, ông Thắng khẳng định.

Ông cho rằng sẽ cần nhiều hơn nữa sự hợp tác giữa các bên, không chỉ dừng lại ở việc bắt tay làm app mobile trong lĩnh vực thanh toán, mà còn là đánh giá hồ sơ cho vay online, chấm điểm tín dụng, nghiên cứu đầu tư tài chính và nhiều dịch vụ khác.

Sẽ còn hợp tác sâu hơn

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank nói ngân hàng này đang bắt tay với các ví điện tử để tích hợp nhiều chức năng thanh toán dịch vụ trên app mobile ngân hàng với mục đích tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Ngân hàng hiện có hơn 14 triệu khách hàng, số lượng rất lớn và việc tập trung phát triển ứng dụng mobile banking là bước đầu để cải thiện trải nghiệm của khách hàng”, bà Phượng nói.

Theo bà, với lượng khách hàng rất lớn, Agribank không thể chuyển đổi số ngay lập tức mà phải thực hiện theo từng giai đoạn và yêu cầu hiện tại là tối ưu trải nghiệm của khách hàng. Đây cũng là xu hướng chung của ngành ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần như Vietcombank, BIDV, OCB hay VIB.

Thực tế, việc bắt tay giữa ngân hàng và VNPay từng tạo ra làn sóng bùng nổ thanh toán QR Code. Vì vậy, sự hợp tác giữa ngân hàng và ví điện tử, các công ty fintech như Momo, Viettel Pay, Zalo Pay… cũng được kỳ vọng sẽ thay đổi trải nghiệm của khách hàng trong hoạt động thanh toán.

Tiềm năng ngân hàng số tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn khi tỷ lệ sử dụng smartphone lớn, dân số trẻ phát triển đến 2030 cao hơn các nền kinh tế trong khu vực và giới trẻ nhanh nhạy với công nghệ. Nếu tận dụng tốt, việc hợp tác với các fintech sẽ giúp các ngân hàng thay đổi kênh phân phối sản phẩm, tiếp cận nhiều khách hàng hơn; dễ dàng phân tích hành vi khách hàng; cắt giảm lao động giúp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; giảm rủi ro sai sót và nhiều lợi ích khác.

“Các công ty fintech hiện nay giống như ngân hàng nhiều năm trước trong việc mở rộng mạng lưới. Khi đó, các ngân hàng cạnh tranh bằng cách bỏ tiền của, công sức để giữ khách hàng. Nhưng chỉ sau khi có sự chia sẻ trong hoạt động của các ngân hàng, thị trường mới ghi nhận tốc độ tăng trưởng 30-40%, có mảng tăng trưởng 100%. Do đó, xu thế tất yếu của các công ty fintech và ngành Ngân hàng là hợp tác và chia sẻ”, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) chia sẻ tại hội nghị ngân hàng năm 2019.

Ông Nguyên cũng cho rằng, trong vòng 10 năm tới, ngân hàng vẫn khó có thể bị lấn sân ở những mảng chủ chốt, đặc thù riêng như huy động vốn, cho vay.

Đối với các fintech, việc các app ngân hàng có thể thay thế mọi chức năng của ví điện tử hiện cũng đang là chuyện đau đầu. Tuy vậy, những công ty fintech tiềm năng nhất hiện chính là những công ty đang hợp tác với các ngân hàng.