Mùa hè 2015 là một mùa không thể nào quên với người dân Bắc Giang, bởi với sự trợ giúp nhiệt tình của Vietnam Airlines, những trái vải ngọt thơm của xứ này đã hiện diện tại khá nhiều quốc gia trên thế giới. Mỹ, Úc, Pháp, Malaysia…là các quốc gia mà trái vải đến từ Lục Ngạn, Bắc Giang đã xuất hiện để chinh phục người tiêu dùng, tính từ khi thu hoạch tới khi bày bán chỉ hơn một ngày, quả vải còn giữ nguyên vẹn vị ngọt, độ tươi mát. Không chỉ là nhà vận chuyển, Vietnam Airlines còn đưa vải vào các phòng chờ để hành khách mua làm quà, đưa vải vào suất ăn hành khách, giúp cho dịch vụ trên những chuyến bay càng thêm khác biệt.
Ngay từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước, trái vải thiều với tên chữ Hán là “lệ chi” đã nằm trong danh mục các sản vật trân quý của nước Việt, chuyên dùng cho các bậc quyền quý trong cung đình và làm quà tặng chính thức trong công cuộc bang giao với các nước lân cận. Mỗi mùa hè, khắp các nẻo đường, trên những khu chợ của cả nước lại rực lên sắc đỏ của trái vải. Loại trái cây này có vị ngọt thanh tao, giàu chất dinh dưỡng, rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt còn được sử dụng trong một số bài thuốc. Song, vải thiều với đặc tính chín rộ vào thời gian ngắn và khó bảo quản lâu dài nên luôn gặp khó khăn trong việc xuất khẩu.
Cho tới nay, vùng nguyên liệu chủ đạo của vải thiều là huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Với diện tích trên 35.000ha trồng và cho sản lượng trung bình 200.000 tấn mỗi năm, vải thiều được các công ty thương mại, thương lái tự do đưa đi tiêu thụ trên khắp các vùng trong cả nước và tập trung xuất khẩu ra nước ngoài. Về lý thuyết, vải thiều có thể chế biến bằng cách sấy khô, đóng hộp, chế biến thành thạch, nước siro, rượu vang… nhưng điều đáng nói là cho tới nay công nghệ đó tại Việt Nam còn hạn chế. Đồng thời, tiêu chuẩn an toàn chất lượng thực phẩm của các nước tiên tiến đòi hỏi mỗi trái vải khi nhập vào Úc, Mỹ, Đức… đều phải được chiếu xạ diệt mầm bệnh mà khâu xử lý này chỉ thực hiện được ở miền Nam. Đó là các nguyên nhân chính khiến trái vải thiều tuy nổi tiếng nhưng vẫn chưa thể sánh vai cùng Kiwi Newzeland, chuối Mexico hay sầu riêng Thailand trên thị trường quốc tế.
Rất đáng mừng là ngay những ngày đầu mùa hè 2015, việc tiêu thụ vải thiều đã được lên kế hoạch, tránh tình trạng rớt giá và bị ứ đọng tại biên giới phía Bắc. Không khó để đọc được các tin, bài về việc vải thiều đã xuất hiện tại thị trường Pháp, Mỹ trong những tháng hè 2015. Trước đây, người tiêu dùng châu Âu chỉ biết tới quả vải Thailand, Nam Phi hay Madagascar, nay rất thích thú được nếm hương vị ngọt ngào của vải thiều Việt Nam. Cũng trong mùa hè 2015, những chuyến bay Vietnam Airlines đã nhanh chóng đưa hàng tấn vải thiều từ Bắc Giang vào thẳng TP.Hồ Chí Minh để chiếu xạ, sau đó chuyển sang Mỹ tiêu thụ. Đây là một nỗ lực đáng khâm phục của UBND huyện Lục Ngạn, kết hợp với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho trái cây quý của mình.
Tuy nhiên, trong tương lai, cần xem xét việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn giữa hộ nông dân trồng vải với công ty tiêu thụ và nhà máy chế biến thực phẩm. Chỉ có thể đa dạng hóa sản phẩm ngay trên đất nước thì việc tìm đầu ra cho vải thiều mới vượt qua khó khăn của vấn đề tiêu thụ số lượng lớn trong thời gian ngắn. Cũng cần xem xét tới việc biến quê hương vải thiều trở thành điểm du lịch, đưa vườn vải thiều và các hộ nông dân của vùng nguyên liệu trở thành “những sản phẩm du lịch” thú vị. Các quốc gia khác đã rất thành công khi tổ chức festival chuối, cà chua, ớt, lễ hội bia…, và đây là một gợi ý đầy thách thức cho quê hương của trái vải thiều, từ đó mở đường cho hương vị ngọt ngào được lan tỏa khắp bốn phương trời.