Rolf lần đầu tới Việt Nam vào những năm giữa của thập kỷ 1980. Khi ấy, ông là giám đốc của Noske-Käser, công ty con của Blohm+Voss, một tên tuổi lớn trong ngành cơ khí và đóng tàu của Đức.
Sài Gòn những năm đầu đổi mới chứng kiến sự bung phá mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế. Nhanh chóng nắm bắt cơ hội, Rolf thành lập công ty Noske Kaeser tại Việt Nam và giành được nhiều hợp đồng cung cấp máy điều hòa cho thị trường nội địa. Năm 1999, Rolf mở mang công việc ra Hà Nội. Đó là thời điểm tập đoàn Thyssen và Krupp, hai gã khổng lổ trong ngành công nghiệp nặng của Đức vừa sát nhập và mua lại Blohm+Voss.
Sài Gòn là cửa ngõ đón Rolf đến với Việt Nam nhưng Hà Nội lại là nơi níu giữ trái tim ông. Rolf bị hớp hồn bởi không gian thấm đẫm lịch sử và truyền thống của Hà Nội. Ông thích thú khám phá từng ngõ ngách khu phố cổ, viếng thăm từng ngôi chùa, dạo quanh những hồ nước trong xanh.
Vốn là người có sở thích sưu tầm các vật phẩm văn hóa của châu Á, ông dành thời gian đi thăm các bảo tàng, dự triển lãm tranh, làm bạn với các họa sĩ. Trước đó, ông chỉ biết tới Việt Nam qua tên một cuộc chiến. Rolf hào hứng dấn thân vào hành trình khám phá văn hóa và lịch sử Việt Nam. Ông tham gia các cuộc đấu giá, tìm mua các đồ trang trí xưa cũ: trống đồng, tượng, bình hoa, thảm, bát đũa, tranh, bản đồ… Rolf nói nhiều người nước ngoài, nhất là người trẻ hay vứt hoặc mang bán những món đồ cũ của ông bà, bố mẹ mà không hay biết đó là những đồ vật rất quý giá và giàu ý nghĩa. Ông kỳ công mua lại bức tranh các viên tướng Pháp ở Đông Dương cuối thế kỷ 19, bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ 20, những cô búp bê tết tóc, mặc áo dài Sài Gòn những năm 1960, khay trà sơn mài sản xuất ở Hà Nội năm 1970. Nhưng Rolf không mua để giữ chúng cho riêng mình. Cứ mỗi lần sang Việt Nam, ông lại dành tặng các món quà ấy cho bạn bè với mong muốn mọi người hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của dân tộc mình.
Suốt gần 40 năm qua, Việt Nam trở thành nơi chốn để ông đi về. “Tôi rất thích chơi với người nhà quê”, Rolf nói. Ông hào hứng khoe các chuyến đi tới Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định nhưng Hà Nội luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim ông. “Đối với tôi, Hà Nội vẫn giữ được hồn cốt của nó. Đúng là đã có thêm nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên nhưng con người nơi không hề thay đổi. Đó là những con người chăm chỉ, nhiệt thành và hòa đồng”, Rolf nói.
Rolf vui vẻ tiết lộ bí quyết để không bị gọi là “ông Tây” khi ở Việt Nam: “Bạn phải quên tất cả những gì đã hấp thu từ văn hóa của bạn. Khi ở Việt Nam, tôi quên sạch mình là người Đức”. Ở làng Đồng Bèn ngoại thành Hà Nội, nơi ông đang bảo trợ cho các cô gái khởi nghiệp với nghề may, người ta thường thấy “ông cụ” Rolf vui vẻ ngồi nói chuyện với dân làng, uống bia với các thanh niên, thậm chí đôi lúc còn hóm hỉnh gọi một số người già là “bố vợ”. Rolf rất thích ẩm thực của Việt Nam nhưng thích nhất là vịt quay Lạng Sơn, bún đậu mắm tôm và bia hơi Hà Nội. Trong nhà ông ở Hamburg, ngoài tấm thảm của vua Bảo Đại mua được từ một cuộc đấu giá và nhiều đồ cổ, đồ cũ quý giá khác, luôn luôn có cháo ăn liền, tỏi và hành khô của Việt Nam.
Năm 2000, ở tuổi 60, Rolf và vợ ông Gabriele thành lập quỹ Gabriele Francke Stiftung (GFS) tại Hamburg nhằm giúp đỡ trẻ em ở Việt Nam. Ông đã dành tặng gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ mua dụng cụ học tập và các vật dụng sinh hoạt cho trẻ em mồ côi ở Yên Bái. Hình ảnh một ông cụ da trắng, trọ trẹ tiếng Việt len lỏi vào từng ngôi nhà sàn, từng bản làng đường đất đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân địa phương. “Tôi nhớ có lần tới thăm một bé gái tám tuổi ở xã Yên Bình, Yên Bái. Bố mẹ mất sớm, bé đang sống với bà. Ánh mắt cô bé ngây thơ nhưng có phần buồn bã. Khi tôi đến với sách vở và quà, cháu vui vẻ và hoạt bát hẳn lên. Tôi hy vọng với sự động viên nhỏ nhoi của mình, cô bé có thể tiếp tục đi học đều đặn”, Rolf chia sẻ.
Hơn hai chục năm qua, Rolf đều đặn mỗi năm sang Việt Nam ít nhất ba tháng dù sức khỏe đã giảm sút nhiều. Đó là lúc ông được là một ông cụ Việt Nam đích thực, thảnh thơi ngồi ngắm cây cau ngoài vườn, cười với bức tượng Chí Phèo Thị Nở nơi hiên nhà và nhâm nhi ly bia Hà Nội. Rolf tâm sự: “Tôi phải cảm ơn nơi này. Tôi đã tìm thấy những hạnh phúc giản dị nhưng sâu lắng, những tình bạn trở thành tình thân, những sắc màu văn hóa và tâm hồn mới. Tôi sẽ rất tự hào nếu mai kia khi nằm xuống, người ta nhắc tới tôi như là một ông cụ Đức có tâm hồn Việt”.