GS. Trịnh Sinh
Lợn là một trong những loài vật gần gũi nhất với nhà nông. Trong kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hình tượng của lợn thể hiện đậm nét trong ca dao, tục ngữ. Đám cưới là sự kiện quan trọng nhất của đời người, qua câu ca dao: “Em về thưa với mẹ cha/ Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo”. Có lẽ trong đám cưới làng quê ngày xưa, không thể thiếu được heo (lợn), để làm cỗ mời họ hàng, làng xóm. Ngay cả đám giỗ cũng vậy, dẫu nghèo đến mấy, cũng phải có mâm cỗ “cúng đầu heo”. Con lợn cứ “tự nhiên” gắn với đoạn trường của vòng đời là vậy.
Lợn trong thế giới ẩm thực của người Việt là những món ngon như chả, giò, nem, lòng lợn, bóng bì, các loại nhân bánh chưng, bánh cuốn, bánh giò… Các món thịt lợn cũng xuất hiện trong các câu tục ngữ “Nhất thủ, nhì vĩ”, hay “Bàu dục không đến bàn thứ tám, cám không đến mõm lợn xề”, thể hiện đẳng cấp trong làng xã xưa, ý là chỉ có chức sắc mới được ăn bàu dục, chứ mõ làng ở bàn thứ tám thì làm sao được ăn.
Đôi khi lợn lại được người đời tôn vinh, được gọi là “Ông Lợn hay Ông Ỉn”. Đó là trong bối cảnh rước lợn ra đình để cúng Thành Hoàng ở làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội vào dịp 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Các “Ông Lợn” được tuyển chọn khắt khe từ 10 xóm trong làng. Lợn được nuôi và chăm sóc chu đáo, ăn cám gạo trộn với ngô xay hay gạo nếp nấu chín, được tắm rửa sạch sẽ. Những ngày gần tới lễ hội, lại nấu cháo hoa cho các Ông ăn, mắc màn cho các Ông ngủ.
Có những năm làng tuyển được 17 con lợn, có con nặng gần 2 tạ. Người được chọn nuôi lợn phải có đức, có tài, phải có cả con trai và con gái. Sau khi mổ thịt, lợn được trang trí đẹp bằng giấy màu, hoa tươi và đặc biệt làm một tấm “áo choàng” cho lợn bằng một lớp mỡ chài của chính con lợn đó rồi rước kiệu ra đình. Theo truyền thuyết, lễ hội rước lợn này có từ thời vua Hùng thứ sáu. Thông qua lễ hội, người dân mong cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Lễ hội này phản ánh nghi thức hiến sinh có từ thời văn hóa Đông Sơn.
Hình tượng con lợn còn in dấu trong tâm thức người Việt. Theo quan niệm xưa, vòng luân hồi của vũ trụ theo hệ lịch pháp mà thập nhị chi gồm 12 con vật gồm Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn). Trong đó, con lợn được tượng trưng cho một năm. Hình ảnh của 12 con vật, trong đó có lợn, đã được khắc họa trên trống đồng Heger IV, được vẽ trong tranh dân gian làng Sình (Huế) và được nhà Nguyễn cho tạc tượng trong bộ tượng 12 con giáp bằng đá ngọc.
Hình tượng lợn còn được thể hiện trong điêu khắc đình và chùa trong thời Lê Trung Hưng. Đó là bức chạm gỗ cảnh người mẹ vừa cho con bú, vừa cho lợn ăn ở đình Phất Lộc (Thái Bình). Chú lợn được tả thực, có cả mắt, mõm, tai vểnh, bụng xệ. Cùng đề tài này, người ta lại bắt gặp trên mảng chạm gỗ ở chùa Cự Trữ (Nam Định) hay ở trên bệ thờ ở đình Tam Đà (Ba Vì, Hà Nội) có cảnh chú lợn đang ăn cây khoai môn. Rõ ràng hình tượng chú lợn đã có mặt trong các đình, chùa như một yếu tố dân dã đã bắt đầu lấn lướt yếu tố cung đình. Con lợn dân dã đã có mặt ở những nơi vốn chỉ dành cho con rồng, biểu tượng của vương quyền.
Lợn có mặt nhiều hơn trong các dòng tranh dân gian. Thậm chí, nhắc đến tranh Đông Hồ là người ta lại nhớ đến một dòng tranh lợn gà như câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Hình tượng con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ biểu tượng cho sự sung mãn, hạnh phúc. Đối với nhà nông, không gì bằng cuộc sống no đủ và bình yên, quanh ngôi nhà tranh vách đất, con lợn kiếm ăn quanh quẩn trong vườn (như tranh “Lợn ăn lá ráy”). Con lợn còn thể hiện sự phồn thực, con đàn cháu đống (như tranh “Đàn lợn”). Tranh vẽ con lợn khá siêu thực, thân lợn được tả theo góc nhìn ngang, nhưng mõm lợn lại theo góc nhìn thẳng. Sự phối màu rực rỡ từ những màu gốc chế từ nguyên liệu dân gian dễ kiếm là đặc trưng độc đáo của dòng tranh này. Đôi khi, lợn lại được in màu đen đơn giản để khi cúng lễ đốt đi với ý nghĩa tâm linh là gửi xuống âm phủ cho người thân khuất núi.
Lợn còn có mặt trên các tượng tròn. Có khối tượng lợn bằng đồng có cả mắt, tai, mõm, bốn chân và đuôi cong, trên mình được trang trí hoa văn Đông Sơn hình răng cưa, vòng tròn đồng tâm. Trên lưng được đặt một chiếc trống đồng đặt ngửa có quai, hoa văn vòng tròn đồng tâm. Một dòng tượng lợn phổ biến nữa, được chế tạo từ đất nung, xẻ rãnh để đút tiền tiết kiệm của trẻ nhỏ khi được người lớn mừng tuổi và còn có một loại đồ chơi dân gian gọi là “tò he” có tạo hình lợn, được nặn từ bột nếp.
Lợn là loài động vật mà người Việt đã biết đến từ cách đây hàng vạn năm. Trong hang động đã tìm thấy xương lợn rừng. Trong mái đá làng Vành, hang làng Nèo, hang Đắng, họ đã lấy răng nanh lợn rừng và các răng thú khác để dùi xuyên lỗ làm bùa thiêng đeo cổ. Cách đây khoảng 6 ngàn năm, người cổ ở Mai Pha đã biết chăn nuôi lợn. Từ bấy giờ, con lợn luôn luôn đồng hành và có mặt trong kho tàng di sản văn hóa của người Việt.