Để được bay tới và tồn tại trong thị trường hàng không Hoa Kỳ là thách thức với tất cả các hãng hàng không thế giới, trong đó một trong những điều kiện tiên quyết là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Heritage trò chuyện với ông Âu Duy Linh, chuyên gia an toàn chất lượng của VNA và là thành viên của Ủy ban An toàn Liên minh Hàng không SkyTeam về vấn đề này.

Ông Âu Duy Linh

VNA đang có kế hoạch mở đường bay Việt Nam – Hoa Kỳ. Ông có thể cho biết công tác chuẩn bị đến nay thế nào rồi?

Mở đường bay thường lệ Việt Nam – Hoa Kỳ cần nhiều tiêu chuẩn khắt khe, nhiều thủ tục pháp lý phức tạp và phải được sự phê chuẩn của nhiều cơ quan liên quan. VNA đang hoàn thiện thủ tục cuối cùng là giấy chứng nhận của Cơ quan An ninh Vận tải Hoa Kỳ (TSA) và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 3/2021. Tuy nhiên, thời điểm mở đường bay còn phụ thuộc vào một số yếu tố như tình hình dịch bệnh Covid-19 và điều kiện của thị trường.

Để bay tới Hoa Kỳ, phải chăng chỉ cần được Bộ GTVT Hoa Kỳ cấp Giấy phép vận chuyển và Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không (CAT 1)?

Được Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ cấp phép và FAA cấp chứng chỉ CAT1 mới chỉ là điều kiện cần. Để mở đường bay tới Hoa Kỳ, một hãng hàng không phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khác và phải được cấp chứng nhận đảm bảo: Quy định an toàn khai thác, trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác phục vụ người khuyết tật theo tiêu chuẩn FAA; Quy định về An ninh hàng không của TSA; Quy định của của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP); Quy định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ (NTSB);… và nhiều chứng nhận khác. Với VNA, hãng đã được cấp đủ các chứng nhận và hiện chỉ còn đợi chứng nhận của TSA nữa thôi.

 Vậy tiêu chuẩn nào là quan trọng nhất để được bay vào Hoa Kỳ?

Tất nhiên, an toàn là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Đường bay Việt Nam – Hoa Kỳ là một trong những đường bay có nhiều thách thức, mang tính kỹ thuật cao nhất thế giới, bao gồm cả về an toàn khai thác bay, bảo dưỡng máy bay, khai thác mặt đất và công tác huấn luyện đào tạo nhân viên. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn này, phải có sự đầu tư, chuẩn bị dài hơi và bài bản cùng với nền tảng chắc chắn, chứ không phải cứ có máy bay to là bay được. 

Hiện những hãng hàng không nào của Việt Nam đủ tiêu chuẩn khai thác đường bay này?

Để bay thường lệ, hãng hàng không phải chứng minh được năng lực và đáp ứng toàn diện mọi tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Chỉ xét riêng về năng lực kỹ thuật (máy bay vận hành) và năng lực khai thác, hãng hàng không nào bay vào Hoa Kỳ cũng cần đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương tối thiểu EDTO 180 phút (khoảng thời gian bay kéo dài thêm bằng một động cơ trong trường hợp một động cơ bị hỏng) – một yêu cầu đòi hỏi hãng khai thác mới cho dù đã có máy bay chuyên bay đường dài cũng cần ít nhất 12 tháng để tích lũy, hoàn thiện kinh nghiệm bay đường dài để có thể đạt được tiêu chuẩn EDTO 180. Tại Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất VNA là hãng hàng không đạt và giữ được tiêu chuẩn này nhiều năm qua.

Trên thực tế, VNA đã thực hiện rất nhiều chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước; hồi hương công dân, vận chuyển chuyên gia giữa Việt Nam – Hoa Kỳ… và các chuyến bay này cũng phải đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu cao nhất của nhà chức trách Hoa Kỳ. VNA cũng là hãng hàng không Việt Nam duy nhất tham gia chương trình phối hợp khẩn nguy toàn cầu của Liên minh hàng không SkyTeam, trong đó có hãng hàng không Hoa Kỳ Delta Airlines cũng là thành viên; được cấp Chứng chỉ vùng khai thác (AOC) tới khu vực Bắc Mỹ (NAM), Bắc Đại Tây Dương (NAT), Châu Á-Thái Bình Dương (PAC); Chứng chỉ bảo dưỡng máy bay FAR-145 của FAA; sở hữu tổ hợp buồng lái máy bay mô phỏng (SIM) để huấn luyện phi công bay xuyên lục địa, vượt đại dương; có trang web và các dịch vụ đặc biệt chăm sóc người khuyết tật… đảm bảo đáp ứng các yêu cầu cao nhất về an toàn khai thác của Hoa Kỳ.

Đủ tiêu chuẩn nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phải nâng cao năng lực của hãng? VNA sẽ tập trung nâng cao các tiêu chuẩn nào?

Đúng vậy. Chúng ta vẫn phải tiếp tục tăng cường năng lực hơn nữa. An toàn là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của VNA với việc duy trì chặt chẽ và nghiêm túc tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn ngành và nhà chức trách hàng không, cũng như các tiêu chuẩn về đào tạo huấn luyện được bổ sung và hoàn thiện hơn. Khái niệm an toàn của VNA giờ đây tiếp tục được mở rộng với phương châm “An toàn, sức khỏe của hành khách và nhân viên VNA là ưu tiên hàng đầu”. An toàn là giá trị cốt lõi không thể đánh đổi trong mọi hoạt động của VNA.

VNA sẽ làm gì để nâng cao tiêu chuẩn này?

Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt và đáp ứng mọi tiêu chuẩn cao nhất thế giới về an toàn, VNA đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý an toàn, thúc đẩy văn hóa an toàn, văn hóa chính trực và đề cao yếu tố con người từ cấp lãnh đạo đến từng cá nhân người lao động. Xét cho cùng, con người là nhân tố quyết định và văn hóa an toàn phải là quá trình bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ, phải được gắn kết với từng cá nhân. Khảo sát văn hóa an toàn năm 2020 cho thấy văn hóa an toàn của VNA đã đạt mức “Chủ động 4.0” (Proactive) một cách vững chắc và chúng tôi đang phấn đấu hướng tới mục tiêu cao nhất là đạt mức “Tiên tiến 5.0” (Generative) trong tương lai gần.

Khai thác đường bay Việt Nam – Hoa Kỳ rất khó khăn và tốn kém, vậy sao VNA vẫn quyết tâm thực hiện bằng được?

Mở đường bay Việt Nam – Hoa Kỳ rất khó khăn, tốn kém bởi lộ trình bay dài và mức cạnh tranh của thị trường này rất khốc liệt. Nhiều hãng hàng không Hoa Kỳ trước đây đã từng khai thác đường bay Việt Nam – Hoa Kỳ nhưng đều phải dừng lại, kể cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc mở đường bay này không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của hơn hai triệu Việt Kiều đang sinh sống tại Hoa Kỳ, góp phần phát triển đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai quốc gia mà còn là cơ hội để VNA hoàn thiện, nâng tầm và tạo sự khác biệt về chất lượng dịch vụ cũng như năng lực đảm bảo an toàn khai thác với các tiêu chuẩn cao nhất thế giới.