Trần Huyền

Phụ nữ thời nào cũng thích làm đẹp và họ luôn chọn những món trang sức tuyệt mỹ để làm đẹp cho mình. Thế nên, đôi khi người ta không chỉ mê đắm nhan sắc của mỹ nhân mà còn bị mê hoặc bởi những món trang sức mà mỹ nhân trang điểm cho mình. Bộ trang sức trưng bày tại bảo tàng lịch sử quốc gia việt nam là một minh chứng.

Bác sơn bằng vàng trang trí trên mũ của vương phi

Bộ trang sức này – vốn thuộc sở hữu của ông Vũ Kim Lộc, thợ kim hoàn đồng thời là nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật danh tiếng ở Sài Gòn – gồm một chiếc trâm phượng, 12 chiếc trâm hoa, hai chiếc vòng tay và một chiếc bác sơn để gắn lên mũ mão của các bậc vua chúa. Tất cả đều làm bằng vàng và bạc, gắn đá quý, rất tinh xảo và sang trọng.

Hiện vật tuyệt mỹ nhất trong bộ trang sức này là chiếc trâm trang trí hình chim phượng, hoàn toàn làm bằng vàng. Trâm dài 14,25cm, nặng 15g. Phần đầu trâm thể hiện hình chim phượng đang ngậm chiếc lồng đèn rất tinh xảo. Thân trâm cũng chính là thân và đuôi của chim phượng, được tạo thành hai nhánh và hơi cong xuống ở phần đuôi. Đầu chim phượng được thể hiện rất sắc sảo, với mỏ quặp, mắt và đuôi mắt dài, có bờm ở trên đầu, dưới cằm và sau cổ. Mỏ chim phượng ngậm chiếc lồng đèn có tán che bên trên, khánh treo bên dưới và những chùm hoa văn treo xung quanh. Phượng là loài chim cao quý, thuộc nhóm tứ linh (long, lân, quy, phượng), được coi là biểu tượng của hoàng hậu, vương phi.

Hình chim phượng bằng vàng gắn trên bác sơn

Bộ trâm hoa gồm 12 chiếc, dài từ 9,4cm đến 12cm, tạo dáng như những cánh hoa. Phần đầu những chiếc trâm là những cụm hoa lá bằng vàng, được tô điểm bởi những viên đá quý màu ngọc bích. Có bốn loài hoa được thể hiện trên bộ trâm, trong đó có hai loài hoa được nhận diện là hoa mai và hoa cúc. Phần chuôi để cài vào mái tóc của 12 chiếc trâm hoa này được làm bằng bạc.

Bộ vòng tay bằng vàng gồm hai chiếc, một chiếc có đường kính 6,18cm, nặng 20,17g, chiếc kia có đường kính 6,41cm, nặng 20,36g. Thân vòng đúc rỗng, mặt ngoài có 16 lỗ tròn, nổi trên nền hoa văn hình cánh hoa liên hoàn.

Đồ án hoa mai và chuồn chuồn bằng vàng trang trí trên đầu trâm

 Những lỗ tròn này là nơi gắn các viên đá quý nhằm tăng thêm giá trị của chiếc vòng. Phần khóa của chiếc vòng là một đồ án trang trí hình hai con rồng chầu một hạt châu hoặc đá quý, nay đã bị thất lạc.

Cuối cùng là bác sơn, là một dải trang sức làm bằng quý kim, được chạm trổ công phu, trang trí cầu kỳ, để gắn lên mũ của vua, hoàng hậu, quan lại, quý tộc thời xưa. Bác sơn trong bộ trang sức này dài 18,5cm, nặng 42g, được làm từ một miếng vàng mỏng, chạm lộng hình tản vân và văn thủy ba, làm nền cho các đồ án trang trí đính kèm gồm 3 hình chim phượng và 3 cụm hoa lá. Nhìn vào bố cục trang trí của các đồ án đính kèm, có thể nhận thấy số cụm hoa lá lẽ ra phải là 4, nhưng có lẽ cụm hoa lá ở ngoài cùng bên phải bác sơn đã bị thất lạc. Trên bác sơn còn có một hàng lỗ nhỏ, là nơi đã từng gắn các viên đá quý hoặc trân châu nhưng đã bị mất. Vì đồ án trang trí chủ đạo trên bác sơn là hình chim phượng, nên theo điển chế ngày xưa, đây là bác sơn trên chiếc mũ của hoàng hậu, vương phi.

Đồ án hoa cúc và chuồn chuồn bằng vàng trang trí trên đầu trâm

Theo quy định trong bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn, chỉ phụ nữ hoàng tộc mới được sử dụng mũ mão gắn hình chim phượng, cài trâm phượng và trâm hoa làm bằng vàng. Sách này còn cho biết trên mão của hoàng hậu có gắn 3 chim phượng, sử dụng 8 trâm phượng và 12 trâm hoa.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của một người có thâm niên trong nghề kim hoàn và là một nhà nghiên cứu, chuyên phục chế cổ vật trang phục và trang sức cung đình thời chúa Nguyễn và thời Nguyễn, ông Vũ Kim Lộc nhận thấy hoa văn hình mây ở bác sơn được thực hiện bằng các phương pháp chạm lún, nổi, thủng, rất điêu luyện, mang đậm dấu ấn kỹ thuật của người Chăm, không phải là kỹ thuật sở trường của người Việt và người Hoa đương thời. Ngoài ra, kỹ thuật cán vàng thành lá mỏng để chạm trổ thành chiếc lồng đèn ở chiếc trâm hình chim phượng, và kỹ thuật mài giác viên pha lê gắn ở chiếc vòng tay, chính là dấu vết của sự tiếp thu kỹ thuật kim hoàn của người châu Âu, du nhập vào Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn, đã được Lê Quý Đôn miêu tả rất kỹ trong sách Phủ biên tạp lục biên soạn vào thế kỷ 18.

Đồ án chim phượng ngậm kim chung và kim khánh trên đầu trâm

Kết hợp với những khảo cứu và đối chứng rất cẩn trọng với các loại hình trang sức thời chúa Nguyễn, ông Vũ Kim Lộc khẳng định: Bộ trang sức này đã được chế tác vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 – 1765) trị vì Đàng Trong và chủ nhân của bộ trang sức này là một vương phi.

Với tôi, đây là những món trang sức cổ độc đáo nhất và quý hiếm nhất của thời chúa Nguyễn mà tôi từng chiêm ngưỡng trong hơn 30 năm “đắm chìm” trong thế giới cổ ngoạn.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: