Mai Hương

Bảo tàng Công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam mới được khánh thành năm 2020

Say sưa trong câu chuyện về CNTT, TS Công cho rằng: “Người Việt Nam mình không hề thua kém ai. Cái gì thế giới làm được là mình làm được!” Đó cũng là lời nhắn nhủ mà ông muốn truyền lại cho thế hệ trẻ.

Bảo tàng Công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam mới được khánh thành năm 2020.

Có lẽ không nhiều người biết rằng bảo tàng Công nghệ thông tin (CNTT) đầu tiên của Việt Nam vừa được khánh thành dịp Tết Canh Tý 2020 vừa qua tại Hà Nội. Ngạc nhiên hơn nữa khi biết đây là bảo tàng của tư nhân, do Tiến sỹ (TS) Nguyễn Chí Công, người đã gắn bó với ngành tin học Việt Nam trong suốt gần nửa thế kỷ gây dựng nên và đặt ngay tại tư gia của mình.

Máy tính Mac Plus - kỉ vật vô giá từ một người bạn Mỹ chưa biết tên

Hơn 300 hiện vật về ngành tin học được trưng bày một cách khoa học trong căn phòng lớn tầng trệt của ngôi nhà 4 tầng, phía trước có khoảng sân rộng lát gạch đỏ tươi. Trải khắp bức tường bên trái là hình ảnh và chú dẫn tóm tắt về lịch sử phát triển CNTT thế giới. Thật ngạc nhiên khi biết rằng ý tưởng chế tạo máy tính đã manh nha từ thế kỷ 16 với bản thiết kế của Leonardo Da Vinci. Rất nhiều hiện vật gồm máy tính cổ từ những năm 1980, các bản mạch, bộ vi xử lý, sách vở… được sắp đặt ngăn nắp theo mốc thời gian và có hệ thống đèn chiếu sáng.

Câu chuyện về ngành CNTT của Việt Nam được bắt đầu từ những năm 1960, khi Giáo sư Tạ Quang Bửu lập kế hoạch xây dựng ngành. Toàn bộ lịch sử tin học Việt Nam trong đó có các mốc thời gian, những con người chủ chốt được trình bày bằng hình ảnh và chú dẫn chạy dọc theo bức tường bên phải.

TS Công cho biết bảo tàng mới xong giai đoạn một. Giai đoạn hai sẽ trưng bày các hiện vật và lịch sử phát triển tin học từ năm 2000 đến năm 2020. Kế hoạch đã có, nhiều hiện vật đã sẵn sàng, trong năm 2020 này sẽ triển khai tiếp để có thể ra mắt vào năm 2021.

Oscilloscope - công cụ đo tín hiệu khi làm máy vi tính những năm 1976 - 1986
Những cuốn sách tiếng Việt đầu tiên về tin học và ứng dụng

Bảo tàng sống

Vốn là người ham mê chơi đồ cổ, sưu tầm tranh, chơi tem nên TS Công đem cả đam mê đó vào công việc của mình. Bước chân vào ngành CNTT ngay từ những năm 1970, ông nhận ra tin học sẽ làm thay đổi cuộc sống của con người. Theo thời gian, những chiếc máy tính, các giáo trình, những phần mềm sẽ trở nên lỗi thời nhưng chúng chính là những chứng nhân cho một giai đoạn phát triển của ngành tin học nước nhà. Bởi vậy, ông đã có ý thức sưu tầm các “đồ cổ” này từ rất sớm. Mỗi khi cơ quan bán thanh lý máy tính hết hạn sử dụng, ông bỏ tiền túi ra mua. Những sách vở, giáo trình, phim ảnh liên quan đến tin học được ông lưu giữ. Bảng mạch chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam mà ông là một trong những người tham gia chế tạo năm 1978 nhờ thế nay trở thành kỷ vật vô cùng quý hiếm của bảo tàng. Dù đã qua tuổi thất thập với sức khỏe không tốt nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc, tham gia nhiều dự án trong đó có việc biên soạn “Bách khoa toàn thư tin học. Với gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề, ông chính là một bảo tàng sống của ngành tin học Việt Nam.

Đĩa chứa những phần mềm đầu tiên của Việt Nam và nước ngoài

Món quà đặc biệt

Những năm 80, khi Việt Nam còn bị cấm vận, máy tính Apple ở Việt Nam vô cùng quý hiếm, cả thành phố Hà Nội chỉ có vài chiếc. Thông qua một số dự án quốc tế, một nhà báo Mỹ biết đến các kỹ sư tin học của Việt Nam và đến Hà Nội để tìm hiểu, phỏng vấn họ, trong đó có TS Công. Vô cùng ngạc nhiên và khâm phục, nhà báo này đã viết bài kể về một thế hệ kỹ sư tin học giỏi, đam mê công việc ở một đất nước xa xôi tận bên kia bán cầu.

Sau một thời gian ngắn, TS Công nhận được hộp quà là một chiếc máy tính Macintosh Plus rất có giá trị thời đó do một bạn đọc Mỹ quà đến Hà Nội trao tặng mà không để lại danh tính. Chiếc máy tính đó giờ đã cũ nhưng vẫn được ông nâng niu như một kỷ niệm đẹp về lòng người và đang được trưng bày trong bảo tàng. TS Công tâm sự, biết đâu, nhờ bảo tàng này mà ông sẽ có cơ duyên gặp lại người Mỹ vô danh ấy để nói lời cảm tạ.

Giấc mơ về bảo tàng ảo

Trong tương lai, TS Công có kế hoạch số hóa bảo tàng, để bất kỳ ai, bất cứ lúc nào cũng có thể đến thăm bảo tàng trực tuyến. Có cả núi khổng lồ công việc phải hoàn thành: chụp ảnh từng hiện vật rồi số hóa; dựng trong không gian ba chiều kèm theo lời thuyết minh… Không chỉ thế, ông còn mơ ước làm sống lại dàn máy tính cổ. Đã có nhiều nhà hảo tâm đam mê tin học tự nguyện đóng góp, chung sức cùng ông trong giai đoạn sắp tới làm ông thêm vững tâm thực hiện công trình để lại cho đời sau. Mong rằng, tới đây sẽ có thêm nhiều người nữa, thêm thế hệ trẻ cùng chung tay để biến giấc mơ của ông thành hiện thực.

Bảo tàng CNTT mở cửa miễn phí, ưu tiên cho các trường học. Liên hệ trước qua số điện thoại +84 373228465. Địa chỉ: Số nhà 89 ngõ 41, Đông Tác, Hà Nội. TS Nguyễn Chí Công thành thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Tiệp. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Khoa học & Công nghệ.