Hương Quỳnh
Cuối năm 2020, công chúng yêu di sản văn hoá Việt Nam đã có dịp trải nghiệm kiến trúc thời Lý qua công nghệ thực tế ảo VR3D trong một sự kiện do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng nhóm Sen Heritage giới thiệu. Chỉ cần đeo một chiếc kính ảo lên mắt, du khách có thể “chạm vào vàng son” thời Lý trong một không gian lịch sử với những hiện vật tinh hoa, đặc biệt là công trình chùa Một Cột – Diên Hựu với những trang trí họa tiết rồng tinh vi. Ít ai biết rằng, đây là thành quả của quá trình 10 năm “góp nhặt” tư liệu, ứng dụng công nghệ của những người sáng lập ra Sen Heritage – nhóm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nhà thiết kế 3D và những bạn trẻ yêu văn hoá cổ truyền Việt Nam.
Hãy cùng Tạp chí Heritage gặp gỡ PGS.TS Trần Trọng Dương – một trong ba sáng lập viên của Sen Heritage với hơn 30 thành viên để biết thêm về quá trình “xây lắp” những mảnh ghép từ quá khứ.
Anh có thể kể về hành trình từ ý tưởng tới sản phẩm đầu tiên gây tiếng vang với công chúng là bản mô phỏng chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ VR3D?
Văn hoá nghệ thuật, trong đó văn hoá Phật giáo và văn hóa cung đình thời Lý là đối tượng quan tâm, nghiên cứu của tôi cũng như các thành viên trong nhóm. Từ kết quả nghiên cứu chúng tôi mới sử dụng các nền tảng cứ liệu của khảo cổ học, mĩ thuật học, kiến trúc học lịch sử để từ đó tái lập các giả thuyết bằng công nghệ (chủ yếu là công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo – VR, và thực tế tăng cường- AR). Việc ngẫu nhiên là năm 2011, trong chuyến điền dã của nhóm nghiên cứu cột đá chùa Dạm (di tích thời Lý tại Bắc Ninh), tôi đã nghiêng về giả thuyết cho rằng đây là phế tích kiến trúc của loại hình tháp một cột trong Phật giáo thời Lý chứ không phải là một bộ linga- yoni của văn hoá Champa như nhiều người mặc nhận.
Cuối năm đó, sư trụ trì chùa Một Cột (cũng là một di tích được xây dựng từ thời Lý tại Hà Nội) kêu cứu vì tình trạng dột nát của chùa. Lúc ấy, tôi thực sự tò mò và đọc lại văn bia Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm 1121) để mong có thể giúp ích cho sư thầy. Cuối cùng, tôi lại mải miết đi theo những thông tin mà văn bia ghi chép. Nó mở ra cho tôi một chân trời sử liệu, cho thấy quá khứ của chùa Một Cột thời Lý khác quá xa so với ngày nay. Từ đó, tôi đã nghiên cứu và công bố nhiều bài viết, cho rằng: chùa Một Cột không phải là chùa mà là một tháp Phật, cột đá chùa Dạm không phải là linga mà là phế tích tháp Một Cột duy nhất thời Lý hiện còn. Từ cứ liệu khảo cổ và bia ký ấy, sau 10 năm nghiền ngẫm, thử nghiệm, cuối cùng, tôi cùng đồng sự trong Sen Heritage đã hiện thực hóa giấc mơ, biến giả thuyết khoa học của tôi trở thành một sản phẩm “số hóa di sản”, hay một phỏng dựng về chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo.
Heritage quan tâm tới 2 nhóm tiếp cận sản phẩm này, một là giới nghiên cứu khoa học, hai là công chúng trẻ, anh hãy chia sẻ về điều này?
Các nhà khoa học nhìn nhận sản phẩm của Sen Heritage rất khác nhau, do mỗi người có một cách tiếp nhận riêng. Người phản đối, bất đồng có, người ủng hộ, khuyến khích cũng nhiều. Nhưng điều đáng mừng là các nhà khoa học có tên tuổi như Nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS Nguyễn Văn Huy (nguyên GĐ bảo tàng Dân tộc học), GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (nguyên GĐ bảo tàng Nhân học), Kiến trúc sư Lý Trực Dũng… đều đánh giá rằng đây là nỗ lực lớn để đưa di sản trở về với xã hội. Nếu tính tỉ mỉ, chi tiết, thì không thể yêu cầu chính xác tuyệt đối. Điều quan trọng là nhóm đã cùng lúc sử dụng nghiên cứu liên ngành, kết hợp với công nghệ, để làm sinh động hóa, hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu khô khan, khiến cho các hình ảnh trực quan sinh động, gần gũi với công chúng.
Còn giới trẻ (đặc biệt là các bạn trẻ yêu văn hóa) tiếp nhận và phản biện các sản phẩm của Sen Heritage tương đối văn minh và trí tuệ. Thông thường các bạn trẻ bị cho là vốn văn hóa ít, hiểu biết không nhiều. Thực tế không phải vậy. Khoảng hơn chục năm qua, với sự bùng nổ của khoa học và công nghệ, các bạn trẻ đã tự trang bị rất nhiều tri thức nền tảng, đặc biệt các bạn có khả năng tự đọc, tự học, tự nghiên cứu. Và từ những không gian mạng, cộng đồng các diễn đàn văn hóa như Đại Việt Cổ Phong, Ỷ Vân Hiên, Chùa Việt, Lịch sử Việt Nam, Việt Nam Center… lớp trẻ đã tạo nên trào lưu nghiên cứu về văn hóa Việt Nam truyền thống. Chính các bạn đã giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi cả bằng tình yêu, sức lực, thời gian, trí tuệ, tuổi trẻ nhiệt huyết trên con đường vạn dặm tái lập di sản văn hóa Đại Việt.
Để di sản đến gần hơn với công chúng, Sen Heritage đã làm gì và dự định sẽ làm gì?
Từ dự án khởi đầu là bản phỏng dựng chùa Diên Hựu, cho đến việc phục dựng Tu Di đài và Tu Di đăng thời Lý, đó đều là những công việc mong muốn tái lập lịch sử văn hóa Đại Việt thông qua những hiện vật, các công trình kiến trúc cụ thể. Bởi nghệ thuật thời Lý, theo chúng tôi, là đỉnh cao của văn hóa Đại Việt và Đông Á vào giai đoạn đó. Nghệ thuật thời Lý tinh mỹ về chi tiết, thống nhất về tư tưởng, giàu có về nội hàm, hùng tráng về quy mô. Đó là một nền văn hóa đã phai tàn, đến mức người Việt hiện nay đa phần xa lạ với nó. Vì thế, Sen Heritage mới lấy chủ trương tái lập văn minh Đại Việt, nhằm để lan tỏa các nét đẹp văn hóa thời Lý đến với xã hội ngày nay.
Để di sản đến gần hơn với xã hội, Sen Heritage đã thực hiện các bản số hóa di sản, số hóa các công trình kiến trúc và đặt ở chế độ mở, để có thể truy cập miễn phí dù ở bất kỳ đâu. Các sản phẩm này có thể sử dụng cho giáo dục lịch sử, văn hóa trong nhà trường, xây dựng bảo tàng thực tế ảo (Virtual Museum), triển lãm thực tế ảo (Virtual Exhibition), showroom ảo về di sản văn hóa (virtual showroom of Vietnam Traditional heritage), trải nghiệm du lịch thực tế ảo…
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghĩ đến việc nâng cấp các sản phẩm mới với dự án xây dựng phim trường ảo, game lịch sử văn hóa, các dự án để người thưởng lãm không chỉ được bước trong di sản, mà còn có thể chạm vào lịch sử, thông qua công nghệ VR-AR, dữ liệu lớn…
Cảm ơn anh!