Bài: TỬ YẾNG LƯƠNG HOÀI TRỌNG TÍNH
Hình ảnh: NHÂN NGUYỄN, PHẠM ĐỨC ANH

Áo dài, một biểu tượng quen thuộc với người Việt Nam từ xưa đến nay, kể từ thế kỷ XIX cho đến thế kỷ thứ XX, là dạng trang phục được ưa chuộng, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt lúc đó. Về sau, do nhu cầu và quan điểm thẩm mỹ thay đổi, áo dài, nhất là áo dài kiểu xưa, dần khuất mình vào những trang lịch sử.

Trở lại với áo dài, tên gọi chỉ chung cho các dạng thức áo được sử dụng phổ biến ngày trước, để phân biệt với áo vắn (áo ngắn), áo dài là y phục được dùng thường ngày hoặc khi lễ tiết. Đối với dân gian, áo dài có hai dạng phổ biến bao gồm: áo dài thụng, loại áo tay rộng và dài, vạt áo cũng rộng và dày, dùng làm lễ phục hay y phục trang trọng; áo dài chẹt (còn gọi là áo chẽn), tức dạng áo dài hẹp tay, cổ tay áo ôm lấy cổ tay người mặc, tà dài vừa phải thường từ đầu gối trở lên, dạng thức áo dùng để mặc thường ngày trong đời sống. Hai kiểu thức này được may với kiểu ngũ thân: áo chia thành năm thân áo; ngoài ra, sau này còn có dạng thức áo hai thân được may không ráp sống, phổ biến từ những năm giữa và cuối thế kỷ XX nhờ sự tiện lợi, dễ may, ít tốn vải. Những loại áo trên, được dùng trong đời sống, hôn lễ, tang lễ, cho đến những năm 1990-2000 vẫn còn phổ biến tại các vùng quê, nhưng sau đó dần mất đi vị trí nhường chỗ cho các dạng áo dài cách tân. 

 

Áo Thụng và nón Cụ quai tơ. Thiết kế bởi Lương Hoài Trọng Tính

Trong khoảng mười năm trở lại đây, một phong trào tìm về các giá trị truyền thống, trong đó có áo dài xưa, được coi như là một tâm điểm đáng chú ý. Nhiều người trẻ và các câu lạc bộ tích cực khai thác và tạo nên một làn sóng cổ phục nhằm tiếp cận, phát huy giá trị của những món đồ tinh hoa này.

Liệu người trẻ có lãnh đạm với quá khứ, lịch sử hay văn hóa không? Câu trả lời là không! Minh chứng rõ hơn hết là phong trào cổ phục và những sự kiện văn hóa lịch sử được chuẩn bị tỉ mỉ, nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người trẻ. Người trẻ có cái nhìn về lịch sử về văn hóa theo con mắt của riêng họ, họ cảm nhận cái đẹp vật chất, cái tinh túy tinh thần, những câu chuyện xưa, những giá trị được gửi vào cổ phục theo một lăng kính mới hơn, với quy chuẩn hiện đại phù hợp với giai đoạn họ sống.

Áo Thụng và nón Cụ quai tơ. Thiết kế bởi Lương Hoài Trọng Tính

Người trẻ biết được cái đẹp từ những cái áo dài, áo ngũ thân và họ sẽ tìm cách đưa nó về đúng giá trị hòa nhập với cuộc sống hơn là cất vào tủ. Áo dài mang đầy đủ giá trị về tinh thần khi tượng trưng cho lề lối ăn vận xưa, mang triết lý về đối nhân xử thế.  Áo dài ngũ thân với năm nút áo  gợi nhớ đến “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, đến sự mực thước trong sinh hoạt “y phục xứng kỳ đức”; và giá trị vật chất phản ánh được quan điểm thẩm mỹ của người xưa, tạo nên hiện vật gợi nhớ về lịch sử. Có thể nói, trong áo dài tồn tại giá trị nền tảng của văn hóa cổ truyền Việt Nam. 

Biết được những yếu tố trên, việc vận dụng áo dài, đưa nó về cuộc sống hoàn toàn khả thi, hãy giữ lấy nét áo ngũ thân và xem nó như là một loại y phục thường ngày như áo sơ mi, áo vest. Cũng nhờ những suy nghĩ trên mà áo dài dần được tìm lại vị trí cũng như lan rộng hơn trong giới trẻ, những người mang đầy lòng yêu mến văn hóa dân tộc.

Hình ảnh trong sự kiện “Bách Hoa Bộ Hành” tại Hà Nội

Nhờ những bước đi nhẹ nhàng đầy dấu ấn văn hóa của chiếc áo dài ngũ thân, dần đã phát triển thành một phong trào lan rộng từ bắc tới nam. Người trẻ được biết thêm về các dạng y phục xưa, mặc thử, thiết kế, trao đổi, hội diễn, đều là kết quả cho thấy phong trào cổ phục ngày càng sôi động. Từ các trường đại học ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và khắp nơi trên đất nước đã chứng tỏ được sức sống trở lại, phát triển của cổ phục, đâu đó dư âm từ những buổi giới thiệu cổ phục xưa thông qua các buổi nói chuyện về: Đám cưới xưa, Tết miền Nam xưa của Đại Nam Hội quán; ngày hội cổ phục “Tóc xanh vạt áo” tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí minh, ngày hội “Công nghiệp văn hóa – Vietnam Summer Fair 2022” tại Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế… Từ những xúc tác trên, đã tạo nên một con sóng hồi sinh, cũng như chấn hưng cổ phục nói chung. 

Hình ảnh trong sự kiện “Bách Hoa Bộ Hành” tại Hà Nội

Có thể nói, sự nhiệt huyết tuổi trẻ, tấm lòng trân quý giá trị xưa, hòa với ước vọng vươn tầm văn hóa dân tộc, đã giúp những người trẻ gần hơn với các giá trị truyền thống. Từ đường kim mũi chỉ, đến những câu chuyện, những buổi trình diễn nghệ thuật thời trang, và cả những buổi giao lưu nói chuyện đã hun đúc thêm cho thế hệ tiếp nối những ngọn lửa để tôn trọng và yêu thương tinh hoa xưa nói chung và cổ phục nói riêng. Trong khoảng thời gian ngắn, cổ phục dần được chú ý, quan tâm, tìm hiểu cũng như lan tỏa và phát triển trong giới trẻ. Chắc chắn rằng, phong trào này sẽ ngày càng mạnh mẽ, nếu những người trẻ còn say mê với văn hóa dân tộc.