Thanh Tùng
Hát bội – nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại.
Hát bội (hay còn gọi là hát tuồng) là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của người Việt. Cùng với quá trình khai hoang mở cõi, hát bội đi từ cái nôi miền Trung vào phương Nam với những biến tấu cho phù hợp với cuộc sống và tâm hồn người dân vùng đất mới.
Một điều đặc biệt thú vị, giữa thành phố Sài Gòn hiện đại, hát bội truyền thống vẫn diễn ra và thu hút sự quan tâm của người dân, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và tinh thần của người dân đất phương Nam qua các nghi lễ cúng bái và các vở diễn tuồng sinh động, nhiều âm thanh và màu sắc.
Khác với việc sử dụng mặt nạ trong kinh kịch Trung Quốc, nghệ sĩ hát bội vẽ thẳng nét hóa trang lên mặt. Hát bội là loại hình nghệ thuật mang đậm tính tượng trưng ước lệ khi mọi dạng tính cách, hành động của nhân vật đều được thể hiện qua cách hóa trang, vẽ mặt và vũ đạo mà người nghệ sĩ phải nắm vững trong từng vai diễn. Diễn viên thủ vai gì sẽ cảm nhận vai diễn ngay từ những đường nét hóa trang trên chính gương mặt mình. Thần thái gương mặt cũng phản ánh thần thái của nhân vật.
Hát bội miền Nam còn gây ấn tượng ở cách người diễn viên tự hóa trang cho vai diễn của mình. Đây là phần quan trọng nhất trong các khâu chuẩn bị cho vở diễn. Cách trang điểm, tô vẽ trên gương mặt, từ hình dáng đến màu sắc, trang phục, điệu bộ, cử chỉ… đều được quy định rõ ràng cho từng nhân vật. Từ đó chỉ cần nhìn vào nhân vật, người xem có thể biết được diễn viên diễn vai gì.