Bài: Mộc Miên
Ảnh: Võ Xuân Hiệp
Tôi vẫn nhớ những đêm thu trăng sáng khi ông tôi rủ cả nhà và các ông bạn thân thiết ra khu vườn ngắm Quỳnh, loài hoa trót mang theo vẻ đẹp phù du, bị gán cho cái tiếng oan là nở muộn. Cái thú thưởng hoa tận “12 giờ đêm” thì có lẽ chỉ có những người có “máu nghệ sĩ” trong người mới có thể theo được. Cũng phải thôi, bởi ông tôi là nghệ nhân vẽ tranh thêu, luôn cầu kì với từng chi tiết và yêu cái đẹp, và cho dù là cái đẹp có ngắn ngủi tầy gang thì nó cũng trót gieo vào trong lòng bao nỗi suy tư. Cây Quỳnh của ông được trồng cạnh cây giao như bao nhiêu đời nay các cụ xưa vẫn nói: “Quỳnh” thì phải đi đôi với “giao” thì hoa mới nở. Đấy là cách sắp đặt bố cục hài hòa, bổ sung thiếu hụt cho hai loài cây thuộc họ xương rồng. Cây Quỳnh thì thân cũng là lá, nên không có cành. Cây giao không có lá, chỉ có cành (thực ra lá của nó giống như cành vậy), nên nếu trồng xen với nhau tạo nên một sự bổ sung hoàn hảo, đủ cành đủ lá…
Hay ở chỗ, bụi Quỳnh được đặt ngay cạnh giếng nước, soi bóng và in xuống làn nước trong vắt, cùng với ánh trăng đêm thu dịu nhẹ. Không hiểu vì cái “hữu ý” cho “Quỳnh” soi gương không mà năm nào cây cũng nở hoa, có đợt nở một bông, có lần Quỳnh nở dăm bông, chục bông như là một cuộc hẹn với những cố nhân xưa. Quỳnh thường nở từ khoảng 9, 10 giờ đêm và cũng nhanh chóng tàn trong khoảng 3 đến 4 tiếng. Do cái sự nở tàn chóng vánh như vậy mà hoa Quỳnh được người phương Tây đặt cho ý nghĩa “sắc đẹp phù du”. Về mặt khoa học, cây Quỳnh là loài hoa chịu khô hạn tốt, hoa nở vào buổi tối là để tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời. Việc hoa nở rồi lại tàn ngay âu cũng là đặc tính thích nghi với điều kiện sống chứ không phải là một điều gì kì lạ mà dân gian vẫn thường hay thêu dệt. Điều thú vị là, bên cạnh Quỳnh hương chuyên nở ban đêm, người Việt còn lai tạo Quỳnh hương với thanh long tạo ra một loài hoa mới với tên gọi là nhật quỳnh. Nhật quỳnh có màu sắc rực rỡ, nở nhiều ngày không tàn. Tuy nhiên điều đó không làm giảm đi thú chơi “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” của những người trót yêu Quỳnh hương.
Thú thưởng Quỳnh khác với các thú chơi khác ở chỗ thông thường chơi hoa thì người chơi thường chọn loại hoa chơi lâu, chơi bền để thỏa cái chí ngắm nghía, để hưởng đã hết cả phần hương và phần sắc. Thế nhưng Quỳnh thì lại không là loại hoa chơi lâu, chơi bền. Thưởng Quỳnh đòi hỏi người thưởng thức một đức tính là kiên nhẫn. Bởi trong đêm khuya tĩnh lặng, loài hoa này sẽ bung từng cánh hoa mỏng như lụa, màu trắng ngà, rồi sau đó dần buông những lớp áo để hé lộ nhị màu vàng lộng lẫy. Đẹp như vẻ ngoài, hương Quỳnh thơm ngát, nhẹ nhàng, thanh tao khiến cho người thưởng thức hoa không chỉ đã mắt mà còn thấy lâng lâng vì hương thơm tinh khiết đánh thức khứu giác. Và trong cái màn đêm bao phủ đấy, Quỳnh đúng là một “nữ hoàng” không ngai, làm bừng sáng cả không gian đêm thu nơi mà những chiếc bàn tre của ông đặt đó với ấm trà nghi ngút. Khoảnh khắc ngắm Quỳnh nở trong khu vườn của ông, với những chén trà đặc khiến cho đứa bé là tôi nhớ mãi không thể nào quên, không chỉ bởi vẻ đẹp của đêm trăng, mà còn bởi vẻ đẹp hữu hạn nhưng rực rỡ đến khó tả của Quỳnh.
Và mỗi khi nhớ về hoa Quỳnh, triết lý nhân sinh quan ở đời lại càng thấy thấm thía. Người đời kể cũng lạ, luôn chỉ yêu chiều hoa, mong giữ lấy cái vô hạn của tự nhiên mà ở đây là mong hoa tươi mãi, đẹp mãi mà đâu biết rằng “đời hoa” kể cũng như đời người, là vô thường. Người ta thiên vị, yêu chiều các loài hoa lâu tàn mà đâu biết rằng cái sự chóng tàn của Quỳnh cũng là một lẽ thuận tự nhiên. Điều đó khiến cho những ai đã trót yêu hoa Quỳnh lại càng thương hoa hơn, loài hoa sống hết mình, đẹp hết mình cho một khoảnh khắc ngắn ngủi quý giá trên cõi trần gian.