Bài: Ngô Chuyên 
Ảnh: Minh Quân

Nguồn gốc của phở vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi, nhưng ai cũng công nhận một điều rằng, Hà Nội chính là “sân khấu” sôi nổi và thành công nhất của phở Việt Nam. Phở phát triển, thăng hoa và đi cùng những thăng trầm trong cuộc sống của con người nơi đây. Chính vì vậy, phở không chỉ hấp dẫn đối với người Hà Nội mà còn gây thương nhớ cho nhiều thực khách đã từng một lần thưởng thức.

5 “bước” – 5 quán phở đại diện cho hàng trăm quán phở ở Thủ đô hi vọng mang tới một hành trình nhỏ thú vị, khám phá “con đường phở” Hà Nội ngay trong mùa xuân này. Và với “Phở Hà Nội du ký” – Tạp chí Heritage xin được ra mắt bạn đọc chuyên mục “Heritage Guide” với những hướng dẫn du lịch thực tế, thú vị và giàu cảm hứng.

1. Phở Tư Lùn 34 Ấu Triệu

Giờ bán: 6h30-10h. Nghỉ Tết: Từ khoảng 28 đến mùng 8 Tết.

Nằm trên con phố sát bên hông Nhà thờ Lớn, đây là một trong ba quán phở của một gia đình có truyền thống nấu phở lâu đời bậc nhất Hà Nội. Phở Tư Lùn nổi tiếng với nước dùng đục, đậm đà, béo ngậy. Và thứ nước dùng không lẫn đâu được này vẫn được giữ nguyên như những ngày đầu quán còn là gánh phở rong trên phố Hà Nội hơn 80 năm trước. Thưởng thức một bát phở mang hương vị thời gian bên cạnh không gian của một trong những di tích đại diện cho Hà Nội thuở phở ra đời hẳn sẽ là một khởi đầu tuyệt vời cho một hành trình khám phá phở Hà Nội.

2. Phở cụ Chiêu 48 Hàng Đồng

Giờ bán: 6h  -22h. Nghỉ Tết: Từ khoảng 27 đến hết mùng 7 Tết.

Đây là quán phở của các con, cháu cụ Cồ Như Chiêu – một trong những nghệ nhân phở nổi danh bậc nhất Hà Nội. Phở cụ Chiêu nổi tiếng với nước dùng trong, thơm, ngọt sâu đi cùng với thịt bò thái tay mỏng và rất đều. Một đặc trưng khác của phở cụ Chiêu là không dùng chanh, chỉ dùng giấm tỏi. Những quán phở cụ Chiêu kiên trì thực hiện điều này vì cho rằng giấm giúp giữ cho bát phở bò của họ trọn vị hơn.

3. Phở Thìn Bờ Hồ 61 Đinh Tiên Hoàng

Giờ bán: 6h30 – 13h và 17h30 – 22h Nghỉ Tết: Từ khoảng 27 đến hết mùng 2 Tết.

Phở Thìn Bờ Hồ là quán phở gần 70 năm tuổi, có nước phở trong, thơm, không quá béo ngậy. Phở bò “tái đập” với thịt bò được thái mỏng, ướp hạt tiêu, nước mắm, đập và miết trên thớt trước khi chan nước dùng nóng hổi là món “đinh” của quán. Điều đặc biệt là từ 1955, thời điểm quán ra đời, tới nay, quán chưa bao giờ chuyển chỗ.

4. Phở Gà Lâm 7 Nam Ngư

Giờ bán: 6h30 – 22h. Nghỉ Tết: Từ khoảng 27 đến hết mùng 5 Tết

Ra đời khi phở bò đã giành được trái tim của người Hà Nội, phở gà đã vấp phải không ít sự hoài nghi khi sử dụng một loại nguyên liệu hoàn toàn mới. Nhưng sự thanh, ngọt của thịt gà và nước dùng từ xương gà đã nhanh chóng chiếm được thịnh tình của giới mộ điệu. Phở gà dần trở thành một trong những dòng phở được rất nhiều người Hà Nội ưa thích. Phở gà Lâm là một hàng phở đã có tuổi đời 50 năm. Nhiều người thích phở gà Lâm vì bên cạnh nước dùng ngọt, thanh, nhẹ đặc trưng của phở gà, thì còn là những miếng thịt gà ngọt, mềm đầy hấp dẫn của quán.

5. Phở Gánh Hàng Chiếu 56A Nguyễn Siêu

Giờ bán: 4h30 – 10h. Nghỉ Tết: Từ khoảng 30 đến hết mùng 3 Tết

Phở bò sốt vang là một biến tấu được khá nhiều người ưa thích của phở bò. Tương truyền, phở sốt vang ra đời sau phở gà ít lâu trong một lần “giao ngộ tình cờ” của phở và sốt vang. Những miếng thịt bò nâu mềm, thơm hương rượu vang lại hòa hợp lạ kỳ với phở. Một trong những địa chỉ có tiếng mà ta có thể tìm thấy một bát phở sốt vang như ý là Phở gánh Hàng Chiếu. Tiền thân của quán là một gánh phở đêm nổi tiếng ở Hà Nội. Tuy hiện quán đã điều chỉnh giờ bán, nhưng nếu đi ăn sớm, ngoài phở ngon, ta vẫn có thể được thưởng ngoạn thêm hương vị phở đêm Hà Nội.