Bài: Đỗ Thị Thắm – Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tạp chí Heritage có một cộng tác viên ảnh lâu năm, chuyên cung cấp ảnh nhân vật, chân dung các văn nghệ sĩ đời thường và trong các hoạt động nghệ thuật. Ông là Nguyễn Đình Toán
Làm việc, cộng tác với nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán đã đến cả chục năm, nhưng bây giờ Heritage mới có dịp giới thiệu về ông. Bởi khi cần bất cứ chân dung văn nghệ sĩ Việt nào, chỉ cần nhấc máy điện thoại là ngay lập tức tòa soạn sẽ nhận được bộ ảnh nhân vật dầy dặn, đầy đủ nhất. nhưng khi được hỏi về bản thân, về sự nghiệp cầm máy, thì ông lại thường ngại ngần từ chối. Nguyễn Đình Toán là vậy, một người làm nghề nghiêm túc, nhiệt tình, chân thành, và luôn lặng lẽ đứng lùi lại để quan sát và ghi vào ống kính những khoảnh khắc giá trị, ý nghĩa của anh em bạn hữu.
Nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, người bạn chí thân của Nguyễn Đình toán đã gọi ông là “Thống đốc ngân hàng ảnh nghệ sĩ Việt”, bởi trong kho ảnh suốt 30 năm cầm máy của ông, có gần như đầy đủ các khuôn mặt văn nghệ sĩ trong giới, từ những tên tuổi lẫy lừng đã đi vào lịch sử thơ ca Việt Nam như Văn Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Học Phi, Nguyễn Đình Nghi, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, Huy Du, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Ma Văn Kháng… đến những gương mặt của những người làm nghề còn rất trẻ. Bản thân ông cũng không kiểm, đếm hết được số lượng ảnh, nhân vật mà ông đã chụp. chỉ biết những người được ông chụp là những người được ông yêu quý. Mà chính họ cũng không biết mình đang được chụp, và chỉ sau khi những tấm chân dung được gửi tặng cho chính chủ, lúc ấy mỗi người mới ồ à thú vị nhận thấy đây đích thực là mình.
Riêng với tạp chí Heritage, Nguyễn Đình Toán không chỉ là người cung cấp ảnh nhân vật, mà còn là người tư vấn, giới thiệu những nhân vật đặc biệt cho Ban biên tập. Còn nhớ có lần Heritage đã làm một bài viết rất hay, tựa đề là “Một Hà Nội lặng thầm”, giới thiệu về “một cao thủ nhiếp ảnh” của Hà Nội xưa, cụ Nguyệt Diệu, chủ hiệu ảnh Nắng Vàng. Chính Nguyễn Đình Toán là người kể về cụ, nhân vật lẫy lừng mà “dân làm ảnh không ai không biết” ở cái thời của ông. Chính ông dẫn tác giả Vũ Lâm lần mò leo lên căn gác con con ở 62 Lương Văn Can để trò chuyện với cụ Nguyệt Diệu, và cho ra đời một bài báo ấn tượng cả về câu chuyện lẫn hình ảnh. Lần khác, Nguyễn Đình Toán lại rủ rỉ nói về “ông trùm tiền cổ” Nguyễn Bá Đạm, một trong những nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng cùng thời với những ông Bổng “Hàng Buồm” (nhà sưu tập tranh nghệ thuật), ông dương “Hàng Trống” (nhà sưu tập tiền cổ), nhà sưu tập Đức Minh. Thế là phóng viên của Heritage lại rong ruổi cùng ông xuống tận nhà cụ Đạm ở làng Nhân Chính, để trò chuyện với cụ cả buổi. trong suốt buổi phỏng vấn thú vị ấy, Nguyễn Đình Toán vẫn lặng lẽ đi xung quanh bàn trà, và bấm máy. Cuối buổi ông khoe một serie ảnh chụp cụ Đạm, tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” (hơn 90 tuổi), nhưng vẫn giữ được những nét tinh anh của một người am hiểu về văn hóa nghệ thuật. Do hiểu kỹ về cụ Đạm, biết cụ là bạn thân với các họa sĩ Đông Dương nổi tiếng, từng được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tới 242 bức chân dung, nên Nguyễn Đình Toán chụp được cụ Đạm với những góc máy rất đắt, như lúc mặt cụ đang hướng lên và tương đồng với 3 họa chân dung đang treo trên tường, do Bùi Xuân Phái trực họa cụ, hoặc bắt được ánh mắt long lanh của cụ Đạm khi cụ kể về những mối thâm giao với những nghệ sĩ, nhà sưu tập nghệ thuật cùng thời của mình. Gần đây Nguyễn Đình Toán lại cung cấp cho Heritage bộ ảnh về ca sĩ Lộc Vàng, người đam mê và sống chết cả đời mình cho nhạc tiền chiến.
Hơn 60 tuổi, có trong tay hàng ngàn hàng vạn tấm ảnh quý, vậy mà Nguyễn Đình Toán mới chỉ trình làng một triển lãm ảnh đầu tiên vào năm 2013, về nhạc sĩ Văn Cao, người nghệ sĩ mà ông yêu quý, kính trọng nhất, và ông chụp nhiều nhất. Nhưng từ lâu, ông đã được thừa nhận như là một giá trị sống, giá trị lao động và cống hiến đích thực cho nghệ thuật trong lòng bạn bè, những người quý mến ông. Đọc những lời nhắn gửi của bạn bè, và cả những người không quen biết gửi cho Nguyễn Đình Toán trên blog ảnh cá nhân của ông mới thấy tình cảm của mọi người dành cho ông trìu mến, trân trọng biết bao. “Ảnh đẹp và rất vui vẻ bác ạ. Cảm ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán về những tấm ảnh hôm ở Đại hội Nhà văn Việt Nam. Kính chúc bác và gia đình dồi dào sức khỏe hạnh phúc! Em Lại Hữu Kim”; “Vào nhà bác Toán, thấy ảnh đẹp ngay. Chúc mừng bác luôn giữ được những giây phút xuất thần” (Phùng Phương Quý); “Những hình ảnh rất vui tươi sống động, ghi nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt để lưu mãi về sau” (Đinh Khắc dũng); “Hôm nay vào nhà anh” thấy rất “hoành tráng” và “sang trọng”, nhất là các ảnh chân dung của văn nghệ sĩ, tuyệt lắm” (Trần Hoàng Vy); “Cảm ơn bác Toán đã cho cháu có cơ hội được thấy nhà thơ Du Tử Lê. Trước đây cháu chỉ được đọc thơ và nghe những ca khúc được phổ nhạc của ông, thực sự cháu hâm mộ đã rất lâu. Không có gì để nói ngoài câu Bác chụp hình “thật tuyệt” (Đỗ Cường); “Chào Anh Nguyễn Đình Toán, tôi thường vào “nhà” Anh để xem ảnh/ Ôi, những tấm ảnh đẹp/ Lại là tư liệu quí! Rất cám ơn Anh đã cho xem nhiều ảnh nghệ thuật tuyệt vời! Xin chúc mừng Anh!” (Mang Viên Long); “Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán ơi, cho mình xin mấy tấm ảnh diễn viên Thu Hiền về trang trí nhà cho nó oách có được không? Ngắm mấy tấm ảnh Thu Hiền thấy cuộc đời ấm lại” (Dương Hướng); “Bác phải cho lên blog nay mỗi tuần một trang ảnh, mới đã con mắt. Ảnh hoàng cầm chụp ngược sáng quá đẹp. Ngô Minh xin chúc mừng và trân trọng”…