Nhật Nam

Dần hồi phục sản xuất sau Tết Nhâm Dần, các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân lực cần thiết.

Giữa tháng 2, Tổng giám đốc một công ty dệt may có nhà máy tại Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết họ mới chỉ tuyển dụng được 10% lao động theo kế hoạch trước Tết. “Nếu không đủ người, tiến độ đơn hàng sẽ bị ảnh hưởng và doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị phạt hợp đồng”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Tại Bình Dương, các doanh nghiệp đồng loạt “tìm người”, biến tuyển dụng thành nhiệm vụ kinh doanh quan trọng nhất trong thời gian sau Tết. Pano, áp phích dán dọc mọi con đường dẫn vào khu công nghiệp; tờ rơi tuyển dụng được rải như bươm bướm. Đa số các doanh nghiệp cần tuyển khoảng 300 – 500 người/công ty, trong khi nhu cầu này tăng lên mức hàng nghìn ở nhiều nhà máy sản xuất. Dòng người đăng ký tuyển dụng không khả quan khiến các doanh nghiệp phải lao vào cạnh tranh trên hành trình tìm nhân lực.

Các doanh nghiệp chưa thể phục hồi sản xuất như mong đợi do còn thiếu công nhân

Theo đó, nhiều nhà máy tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương … đã phải thu hút công nhân bằng việc đảm bảo thu nhập, tặng thêm thưởng hay tiền lì xì Tết. Công nhân giới thiệu người tuyển dụng được thưởng khoảng 2 triệu đồng/người; cá biệt, có doanh nghiệp nâng mức thưởng này tới 4 triệu đồng/người. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cuộc sống công nhân như lo nhà hay hỗ trợ tiền đi lại, tiền thuê nhà trong 3-6 tháng cho công nhân đến từ các tỉnh thành xa.

Bà Trần Thuỳ Trâm, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai nhận xét: “Lao động phổ thông đang bị cạnh tranh rất gay gắt, có thời điểm khan hiếm, rất khó tuyển. Do đó, các nhà máy đã phải tạo ra nhiều chính sách thưởng để thu hút người mới”.

Số liệu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố tại Hội nghị về giải pháp phục hồi thị trường lao động đầu tháng 3 này cho thấy, khoảng 95% người lao động trên cả nước đi làm trở lại. 95% cũng là con số nhân công trở lại làm việc tại các tỉnh phía Nam, tuy nhiên đây là con số so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thực tế, trong quý 3 và 4 năm 2021, hàng triệu lao động ngoại tỉnh đã rời các tỉnh phía Nam trong một đợt di cư chưa từng có vì lý do dịch bệnh bùng phát mạnh tại Tp.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. Do đó, khi sản xuất phục hồi, các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam thiếu lao động trầm trọng.

Ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, một bộ phận người lao động ở miền Bắc, miền Trung chưa trở lại nhà máy phía Nam vì đã tìm được việc làm mới tại quê nhà. Một phần không nhỏ trong số chưa quay lại là do sợ lây nhiễm Covid-19, nhất là với người đang nuôi con nhỏ hoặc có người thân lớn tuổi.

Ngoài ra, do giá cả thị trường leo thang, nhiều người lao động đánh giá mức lương không đủ trang trải cuộc sống đắt đỏ ở các tỉnh miền Nam nên chuyển sang các khu vực thuộc vùng lương cao hơn, hoặc tìm việc mới tạo ra sự mất cân bằng về lao động. 

Hiện thu nhập ở những tỉnh, thành lớn như Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai dao động quanh mức 7 triệu đồng/tháng/người. Mức thu nhập này được cho là “không đủ cho sinh hoạt phí, tiền gửi con đi nhà trẻ hay gửi về gia đình”. Trong khi đó, nếu ở lại quê tìm việc, thu nhập dù chỉ còn 4 – 5 triệu đồng/tháng/người, công nhân giảm được nhiều khoản chi tiêu do không phải sống xa nhà, xa người thân. Đây được xem là lý do chính khiến người lao động, nhất là những người đến từ những địa phương bắt đầu có khu công nghiệp mới, có xu hướng không quay trở lại các khu công nghiệp trọng điểm phía Nam. 

Thu nhập cũng là vũ khí được sử dụng trong cuộc chiến cạnh tranh lao động giữa các địa phương và là điểm mấu chốt thu hút người lao động do đại đa số người xa quê đều xem việc tới các tỉnh, thành phố khác làm việc như một chuyến “đi kiếm tiền về quê”. Hiện lương công nhân may có tay nghề ở Đắk Lắk đang cao hơn ở Tp.Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy nhu cầu nhân lực ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm miền Nam đang không ngừng gia tăng do các dự án được mở rộng quy mô. Ví dụ, Bình Dương hiện cần 90.000 lao động, Long An cần 51.000 người, Tây Ninh khoảng 46.000 người, Cà Mau khoảng 35.000 người, trong khi Tp.Hồ Chí Minh năm nay dự kiến cần tuyển khoảng 380.000 lao động.

Thực tế, thiếu lao động sau Tết từ lâu là chuyện “thường niên” nhưng vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2022 như là một “di chứng của đại dịch Covid-19”. Thiếu lao động không chỉ là vấn đề của riêng từng doanh nghiệp mà rộng hơn, nó có thể làm đứt gãy hoạt động sản xuất trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thiếu lao động cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu hút đầu tư vào các tỉnh công nghiệp trọng điểm phía Nam.

Để giải bài toán này, nhiều lãnh đạo công đoàn tỉnh đang đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo cấp cơ sở tại các địa phương có nguồn lao động dồi dào tổ chức ngày hội việc làm nhằm kết nối cung – cầu nhân lực. Họ cũng cho rằng, về lâu dài, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh lại lương tối thiểu vùng, khuyến khích doanh nghiệp tăng lương, phúc lợi, đồng thời có các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư như xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân thuê, mua tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Các khu công nghiệp phía Nam gặp khó với bài toán lao động

Trước mắt, các doanh nghiệp cho hay, họ vẫn đang tìm cách “tự cứu” thông qua việc tích cực kết nối tuyển dụng với các chính sách cạnh tranh. Họ cũng đang tổ chức lại hoạt động sản xuất, tăng ca và tăng cường đào tạo để giúp một nhân sự có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí nhằm phần nào bù đắp lượng nhân lực đang thiếu hụt.

Với những doanh nghiệp có điều kiện, họ tìm cách chuyển đổi phương thức sản xuất, tinh gọn bộ máy, áp dụng nhiều công nghệ, thiết bị kỹ thuật hơn để gia tăng công suất và giảm bớt nhu cầu nhân sự. Một lãnh đạo nhà máy sản xuất gỗ tại Tam Phước, Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) cho biết đã chủ động giảm nhân công thời gian qua. “Chắc chắn ngành này sẽ thiếu lao động. Cần nhìn thẳng vào vấn đề hiện nay là lực lượng nhân công đã không còn như trước đây. Doanh nghiệp cần tái cơ cấu nếu muốn tồn tại”, lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định.