Sâu trong ký ức của nhiều người Việt, những món quà bánh mộc mạc, dân dã đã gắn bó cùng những năm tháng tuổi thơ của họ, khi mà những loại bánh kẹo hiện đại, đầy màu sắc và hương vị thời nay chưa xuất hiện. Đến nay, những hàng bán quà vặt này vẫn len lỏi trong những góc phố, khi thì theo chiếc xe đạp của những người bán hàng rong ruổi trên phố xá. Nào là các những miếng chuối sấy giòn rụm vàng óng, những chiếc ốc quế thơm lựng mùi quế, hay đơn giản chỉ là những que bỏng gậy, bỏng mật cũng có thể làm vui lòng những đứa trẻ con chờ mẹ mang về sau một buổi đi chợ.
Để làm ra những chiếc bỏng gậy, phải dùng một chiếc máy chuyên dụng để “nổ” bỏng, với nguyên liệu đơn giản chỉ có gạo và đường trộn đều rồi cho vào máy. Công đoạn thú vị nhất chính là khi những ống bỏng bắt đầu chạy ra thẳng tắp, nóng hổi, chỉ việc dùng kéo cắt thành những đoạn dài, vậy là đã có những “cây gậy” bỏng vừa thơm mùi gạo mới vừa giòn tan ngay khi đưa vào miệng.
Cũng làm từ gạo, nhưng bỏng mật lại có cách làm hoàn toàn khác. Bỏng làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng, hạt gạo đều thì sản phẩm làm ra mới đẹp. Hạt thóc nếp được cho vào máy nổ bỏng hoặc rang trên chảo nóng để làm gạo chín và nở phồng gấp đôi hạt gạo ban đầu. Rây gạo để vỏ thóc rơi ra chỉ còn lại hạt gạo mới nổ trắng tinh tươm. Đường mía đun lửa nhỏ đến khi ngả màu vàng nâu cánh gián để làm thành mật đường. Nhanh tay đổ gạo vào hỗn hợp mật đường đang nóng và đảo đều để gạo kết dính với nhau, sau đó đổ vào khuôn chữ nhật, nén chặt rồi cắt miếng nhỏ vừa ăn hoặc nặn hình tròn. Vị ngọt của mật đường kết hợp với độ giòn thơm của hạt gạo nếp khiến những ai đã thưởng thức khó có thể quên được.