Bài: AN NHIÊN – Ảnh: MINH QUÂN, SHUTTERSTOCK

Chuyến tàu kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2022 đã qua. Trái với kỳ vọng của nhiều chuyên gia về sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều tác động lớn đến từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, chiến lược Zero Covid của Trung Quốc. Vậy đâu là những kỳ vọng cho bức tranh kinh tế nửa cuối năm nay? Tác động của diễn biến kinh tế thế giới đến Việt Nam thế nào? Heritage trò chuyện với GS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo – Đại học Kinh tế Quốc dân về các vấn đề nêu trên.

GS. Trần Thọ Đạt

Ông có thể tóm tắt những điểm nổi bật của tình hình kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022?

Nửa chặng đường năm 2022, trái với kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ, các tổ chức quốc tế gần đây đã liên tục đưa ra dự báo điều chỉnh giảm tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế. Nguyên nhân của việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng xuất phát từ cuộc xung đột Nga – Ukraine dẫn đến giá năng lượng liên tục phá những kỷ lục mới, lạm phát đang lan rộng buộc Ngân hàng Trung ương các nước phải tăng mạnh lãi suất để đối phó. Việc Trung Quốc theo đuổi chiến lược “Zero Covid” cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá cả hàng hóa tăng cao và nhiều nước đang bị đe dọa bởi tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của nhiều nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, là đang phải chịu áp lực lạm phát vì nguyên liệu và lương thực, tỷ giá, sức ép nâng lãi suất trong khi tăng trưởng mới bắt đầu đà hồi phục.

Kinh tế Việt Nam được coi là điểm sáng trước những biến động của kinh tế toàn cầu

Những kết quả cụ thể của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, thưa ông?

Trong bối cảnh khá u ám về đà hồi phục của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam đang được coi là một điểm sáng, một sự phục hồi khá kiên cường trước các tác động của “cơn gió ngược” khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý II/2022, GDP tăng trưởng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Trong thời gian qua, hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều thách thức lớn do vẫn còn tập trung tại một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU…, nơi đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh, chính sách thắt chặt tiền tệ làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu “tăng tốc” 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%, kết quả là cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Mặc dù chịu rất nhiều áp lực từ giá hàng hóa thế giới tăng cao, CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021, bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ tự chủ được nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước nên giá các mặt hàng này chưa biến động nhiều, góp phần kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu từ bên ngoài với giá cả tăng cao, các nền kinh tế lớn và các nước trong khu vực đối mặt với lạm phát phi mã, việc kiểm soát lạm phát cho đến hiện nay có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Kiểm soát lạm phát có ý nghĩa lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô

Kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái nếu lạm phát tiếp tục tăng cao và chính sách tiền tệ bị thắt chặt, điều này sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

Việt Nam có nền kinh tế với mức hội nhập rất cao, tổng kim ngạch thương mại hơn 200% GDP, FDI vẫn đang là động lực quan trọng của tăng trưởng, nên những biến động của kinh tế thế giới chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế trong nước ở nhiều góc độ.

Thứ nhất, tuy nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường đầu tàu thế giới bị suy giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tác động đến xuất khẩu của nước ta sẽ có nhưng không lớn, vì hàng xuất khẩu của Việt Nam thuộc nhóm hàng thiết yếu, độ co dãn cả về giá lẫn thu nhập không cao.

Thứ hai, mặc dù đồng USD mạnh lên sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, tuy nhiên VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực. Các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư thương mại được cải thiện và dự trữ ngoại hối cao có quy mô đủ lớn hiện ở mức kỷ lục 110 tỷ USD.

Thứ ba, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn, nhưng tác động đến nợ nước ngoài của Việt Nam không lớn, đặc biệt nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp là không đáng kể.

Thứ tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù có giảm sút theo đà giảm chung toàn cầu, tuy nhiên dòng vốn này đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng trở lại khi Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực Đông Nam Á. Với chiến lược Trung Quốc + 1, các doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động ở các nước đang phát triển khác, nếu tận dụng cơ hội, Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng trở thành một cứ điểm sản xuất quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, áp lực lớn nhất về kinh tế vĩ mô của nước ta trong thời gian tới là lạm phát. CPI tháng 6 năm 2022 so với tháng 6 năm 2021 đã tăng 3,37% nên dư địa kiểm soát 6 tháng cuối năm theo mục tiêu 4% không còn nhiều. Các yếu tố nhập khẩu lạm phát sẽ lan tỏa mạnh hơn vào giá hàng hóa, các gói hỗ trợ tài khóa – tiền tệ bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế. Và đây đang là một thách thức rất lớn.

Kiểm soát lạm phát có ý nghĩa lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô

Ông có gợi ý gì với doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay?

Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh nhiều yếu tố bất ổn xảy ra cùng một lúc như hiện nay, xác suất xảy ra suy thoái của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang khá cao, kỹ năng quản trị và phòng ngừa rủi ro cần được đặt lên hàng đầu.

Trong bối cảnh phục hồi đang gặp nhiều khó khăn lại gặp phải “bão giá”, những doanh nghiệp nào có tầm nhìn chiến lược dài hạn, kiểm soát được chi phí, duy trì được biên lợi nhuận tối thiểu, sẽ vượt qua được “sóng gió” và nhiều tiềm năng phục hồi phát triển nhanh. Để kiểm soát chi phí đầu vào, doanh nghiệp cần linh hoạt sử dụng các loại nguyên vật liệu đầu vào khác có chi phí thấp để thay thế. Về đầu ra, một số giải pháp ứng phó bao gồm các chính sách tập trung vào những sản phẩm có biên lợi nhuận cao trong thời kỳ lạm phát, điều chỉnh giá bán linh hoạt ở từng phân khúc thị trường phù hợp với tình hình lạm phát và sức mua của người dân.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, trong giai đoạn lạm phát cao và nguy cơ suy thoái, cần đa dạng danh mục ở nhiều loại tài sản khác nhau. Đặc biệt, cần ưu tiên chất lượng của tài sản, điều chỉnh danh mục theo hướng phòng vệ là một chiến lược hợp lý. Khi mà kênh sinh lời như giữ tiền mặt có khả năng bị mất giá, gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất thấp, đầu tư bất động sản có thể đang ở vùng giá đỉnh, tín dụng vào bất động sản đang bị siết khiến thanh khoản giảm sút, thì việc dành một tỷ lệ nhất định cho các tài sản trú ẩn an toàn hơn như các loại trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao, các cổ phiếu có vốn hóa lớn và có tỷ lệ cổ tức tiền mặt ổn định là một ưu tiên.

Cảm ơn ông!.