Kim Yến
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long là khu di tích khảo cổ học độc đáo, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, giúp du khách tìm hiểu truyền thống văn hóa và bề dầy lịch sử hơn 1.000 năm của Thăng Long – Hà Nội. Ngoài những di tích di vật đã phát lộ, trong lòng đất khu di sản còn tiềm ẩn những giá trị khảo cổ học to lớn. Từ năm 2011-2014, với việc nghiên cứu khai quật các khu vực Kính Thiên – Đoan Môn, Vườn Hồng, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện thêm nhiều dấu tích khảo cổ học độc đáo và hàng ngàn hiện vật quý giá.
Trong các tầng văn hóa, bước đầu xác định các di tích kiến trúc của các thời kỳ xuất lộ dày đặc, chồng xếp lên nhau, đan xen lẫn nhau vô cùng phong phú, phức tạp. Ở độ sâu 3 – 4m , chúng ta tìm thấy dấu tích của thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10) và Đại La (thế kỷ 7 – 9), chứa nhiều di vật gạch ngói màu xám, các loại đồ gốm có nguồn gốc từ Đương Xá (Bắc Ninh). Tiếp theo là các dấu tích thời Lý (thế kỷ 11 – 12), gồm các dấu tích kiến trúc có móng trụ, sân gạch và móng tường. Đặc biệt trong quá trình khai quật đã làm xuất lộ một đường nước lớn thời Lý, chạy theo hướng Đông – Tây, Nam – Bắc (rộng 2m, cao 2m), được xây bằng gạch vuông và gạch bìa, có hàng cọc gỗ gia cố hai bên. Có thể nói đây là một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam.
Các di tích kiến trúc thời Trần xuất lộ phong phú về loại hình và có sự đan xen chồng xếp lên nhau. Đặc biệt xuất hiện 3 kiến trúc có móng trụ được gia cố bằng ngói vụn, các dấu tích tường bao, nền gạch, bồn hoa, và một đường thoát nước khá lớn (rộng hơn 1m, sâu khoảng 1m), chạy song song với đường nước thời Lý. Tại đường thoát nước này đã tìm thấy một vài viên gạch in chữ Hán “Vĩnh Ninh Trường”, là loại gạch có niên đại thời Trần (thế kỷ 13 – 14).
Thời Lê sơ đã xác định được dấu tích móng Ngự đạo, sân nền Đại Triều lát gạch vuông, dấu tích kiến trúc hành lang. Thời Lê Trung hưng đã tôn nền xây sửa lớn ở đây với dấu tích móng đường ở phía trên của Ngự đạo, sân Đại Triều lát gạch vồ màu xám, dấu tích hành lang. Sân Đại triều cũng bước đầu xác định có hai cấp độ cao thấp khác nhau.
Thời Nguyễn đã thấy rõ lớp trên của bó nền điện Kính Thiên, sân nền tôn cao hơn và xây gạch Bát Tràng.
Các cuộc khai quật cũng đã dần làm rõ các lớp gạch lát sân Long Trì (Đan Trì) thời Lý, Trần, Lê sơ (gạch màu đỏ, có họa tiết hoa văn trang trí) và Lê Trung hưng (gạch màu đen xám). Điều này giúp các nhà nghiên cứu có nhận diện bước đầu về không gian chính điện Kính Thiên thời Lê với trục Đoan Môn, Đan Trì, Kính Thiên, xác định rõ hơn vị trí của thềm rồng và sân Đan trì thời Lê sơ và Lê Trung Hưng.
Những di vật tìm thấy trong các đợt khai quật này vô cùng phong phú và đa dạng với số lượng lớn là loại hình vật liệu kiến trúc. Đó là các loại gạch vuông, gạch vồ, gạch chữ nhật, gạch chỉ, các loại ngói mũi sen, mũi lá, ngói âm dương, ngói mũi bò, đầu đao, các di vật Rồng, phượng, lá đề và gốm sứ Việt Nam, gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản… Trong đó có nhiều hiện vật đẹp và khá nguyên vẹn như: Đầu phượng được làm liền khối, cao 46cm, cổ hình tròn tạo vảy các họa tiết trang trí đơn giản chủ yếu là được vạch bằng tay; Mảnh mào phượng có kích thước rất lớn cao 35cm, rộng còn lại 26cm, dày 4 – 7cm, các họa tiết trang trí tinh xảo mang phong cánh đặc trưng của thời Lý; Tượng đầu rồng nhỏ, vỡ, chỉ còn hàm răng trên và phần mào, được làm bằng đất nung, là loại tượng tròn, cao còn lại 36cm, có mô típ trang trí mang phong cách thời Lý – Trần.
Ngoài ra, tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tiếp tục tìm thấy tượng đầu rồng đất nung thời Trần. Đây là đầu rồng nguyên vẹn nhất từ trước đến nay được tìm thấy. Hình ảnh đầu rồng vươn cao, hai mắt lồi, to tròn, miệng mở rộng, ngậm ngọc và đuôi vút nhọn hình đao lửa cho thấy sự uy nghi, tinh xảo, biểu tượng quyền lực của các bậc đế vương.
Tại khu vực Vườn Hồng, các nhà khảo cổ cũng phát hiện rất nhiều hiện vật quý giá có niên đại từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Nhiều hiện vật có giá trị tiêu biểu, đặc sắc, có thể nói lần đầu tiên được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long, minh chứng cho biểu trưng quyền lực của hoàng gia nói riêng và của Đại Việt nói chung trong tiến trình lịch sử nước ta. Các di vật: ấn gỗ “Sắc Mệnh Chi Bảo” thời Trần, ván gỗ chạm ba con rồng cuộn thời Trần, lá đề gỗ chạm rồng thời Lý, thành bậc đá chạm Rồng thời Lý mới phát hiện càng chứng minh rõ tính chất trung tâm và tính chất cung đình của khu di sản.
Những kết quả khai quật đó càng khẳng định giá trị khảo cổ học to lớn, độc đáo của khu di sản, chứng minh nhận định của chuyên gia trong nước và quốc tế: “Càng nghiên cứu càng hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long” ( GS Phan Huy Lê – Chủ tịch hội khoa học lịch sử Việt Nam), “ Đây là di sản có dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất khu vực châu Á” (GS Kunikazu UENO – Đại học nữ Nara, Nhật Bản).