PGS.TS Trịnh Sinh

Gà là động vật gần gũi với người Việt thời cổ đại. Trong nền văn hóa Hòa Bình cách đây khoảng một vạn năm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy xương gà ở dưới nền một cái hang sâu có tên là hang Con Moong (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Trong tầng văn hóa dày hàng mét, giữa các loại vỏ ốc, có phát hiện thấy xương gà mà có lẽ là gà rừng.

“Kê Cúc” - Tranh dân gian Đông Hồ

Cho đến thời kỳ con người đã biết làm ruộng, cấy lúa, khoảng cách đây gần 4.000 năm, gà đã trở thành “người bạn” của nhà nông, được người Việt cổ thuần dưỡng thuộc loại sớm nhất trong số các con vật nuôi. Gà đã được nặn tượng bằng đất nung ở làng cổ Xóm Rền (Phù Ninh, Phú Thọ). Muộn hơn một chút vào thời văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 năm, gà còn được đúc tượng đồng trong làng cổ Vinh Quang (Hoài Đức, Hà Tây). Không những gà là động vật dễ nuôi, hiền lành và quanh quẩn sân vườn, gà còn là một “chiếc đồng hồ”, đánh thức ngày làm việc của người làm ruộng.

“Gà Thư Hùng” - Tranh dân gian Đông Hồ

Sách Tây Kinh Tập Ký có nói đến “Người Lạc Việt nuôi 5 giống vật nuôi là trâu, dê, lợn, gà, chó” quả là có lý, khi chúng đều là những con vật thân thiết của nhà nông ở xứ nhiệt đới nóng ẩm. Người xưa cũng khéo khắc họa chúng trong các tác phẩm nghệ thuật bình dân của họ. Phải kể đến tượng đầu trâu bằng đá, tượng bò bằng đất nung, tượng lợn bằng đồng… bên cạnh tượng gà. Cả những bức tranh cuộc sống của đồng bằng Bắc Bộ cũng xuất hiện đàn gà cục ta, cục tác.

Gà trong tranh Hàng Trống

Đến một thời điểm cách đây vài trăm năm, gà đã là biểu tượng của sự vinh hoa, no ấm. Dường như các dòng tranh dân gian chủ yếu đều có tranh gà: tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, Làng Sình… Có lẽ đẹp nhất là bức tranh chú bé đang cưỡi con gà trống được đề hai chữ Hán “Vinh Hoa”. Tác giả vô danh của dòng tranh Đông Hồ đã khéo tạo ra một hình tượng thanh bình, no đủ mà người dân quê nào cũng mong muốn: “con cái mạnh khỏe, gà qué đầy vườn”. Cái đẹp của bức tranh Đông Hồ này ở chỗ đề tài dân dã, cách sử dụng các mầu “gốc” đôi chút sặc sỡ và thủ pháp vẽ đường viền màu đen rõ rệt kết hợp với các cặp màu đối lập, đúng như họa sĩ người Pháp, ông Henri Oger cách đây hơn một thế kỷ đã nhận xét về tranh Đông Hồ: “Tranh dân gian An Nam được trình bày dưới dạng tập hợp các màu mạnh, tương phản. Qua những bức tranh này, người ta nhận ra sự ưa chuộng các màu sặc sỡ” (Sách Kỹ thuật của người An Nam xuất bản năm 1909). Cũng không kém nổi tiếng như bức tranh “Vinh Hoa”, bức tranh gà có đề hai chữ “Đại Cát” miêu tả một con gà trống đang ngậm mồi, trên lưng và xung quanh là đàn gà gồm 10 con gợi đến sự xum vầy, đầm ấm.

“Đại Cát” - Tranh dân gian Đông Hồ

Một số dòng tranh dân gian khác cũng tôn vinh hình tượng gà. Đó là tranh gà trống của dòng tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) cũng sử dụng các màu sặc sỡ nhưng tả thực hơn và không dùng thủ pháp đường viền làm điểm nhấn. Gà được mô tả sinh động, hùng dũng. Dòng tranh làng Sình (Huế) lại có những nét đẹp riêng, khi mô tả hình tượng gà chỉ bằng hai màu đen, trắng. Các nét của tranh gà cứng cáp hơn. Đôi khi người làng Sình dùng thủ pháp cách điệu hóa, mô tả con gà trống ở góc độ nhìn ngang phần thân, nhưng phần đầu lại nhìn từ trên xuống, rõ cả hai mắt.

Gà còn được vẽ trên đồ gốm men nâu thời Lý Trần. Các nghệ nhân vô danh đã tạo ra các nét khắc chìm trên thân chiếc thạp gốm, còn đọng các ngấn men mầu nâu tạo cho cảm giác hình nổi khối, khá đẹp, cũng lại là một con gà trống đang ngậm mồi; hay khắc họa một băng hoa văn hình gà gần phần đáy thạp. Dường như hình tượng gà đã được miêu tả đều là gà trống, có lẽ bởi vẻ đẹp và nét hùng dũng của con trống.

Khi khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), các nhà khoa học đã tìm thấy khoảng 240.000 đồ gốm là hàng hóa thương mại được chở đi giao thương với vùng Cận Đông và Trung Đông, chủ yếu là gốm của các lò Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long được định niên đại vào thời Lê. Trong số đồ gốm này có một số được khắc hình con gà. Trên một cái đĩa gốm Chu Đậu, có cảnh đôi gà trống đang chọi nhau khá sinh động. Một số hộp gốm, đĩa gốm có men nhiều màu cũng có hình gà trống được vẽ trên nắp hộp.

Gà còn là biểu tượng quan trọng trong thập nhị chi (12 con giáp). Gà được đại diện cho một năm là năm Dậu. Vì thế mà gà có mặt trên tranh vẽ 12 con giáp trong tranh dân gian làng Sình. Trong bộ tượng làm bằng ngọc của triều đình Nguyễn đặc tả các con giáp, cũng có tượng gà được nhân cách hóa: đầu gà có mắt tròn, mỏ nhọn nhưng thân là thân người đang ngồi, mặc áo thụng, tay thò ra ngoài áo. [