Bài: Tuấn Hùng
Ảnh: Nick M, Shutterstock

Quá nhiều yếu tố khách quan bất ổn khiến cho những dự báo về thị trường du lịch Việt Nam năm 2023 khó rõ ràng. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đang tìm các giải pháp thích ứng tình hình.

Khách quốc tế vẫn là trọng điểm của ngành du lịch trong năm 2023

Năm 2022 đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của du lịch Việt Nam. Từ ngành chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất đại dịch Covid-19, du lịch trở thành ngành phục hồi nhanh nhất. Thống kê cho thấy, lượng du khách nội địa thậm chí còn cao hơn năm 2019 – thời kỳ đỉnh cao của du lịch Việt Nam. Mùa du lịch đã bắt đầu từ ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần và kéo dài tới tận tháng 7, mang lại một mùa bội thu cho các doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, du lịch Việt Nam chỉ thu hút được 2,35 triệu lượt khách quốc tế, đạt chưa tới một nửa mục tiêu 5 triệu khách trong năm qua. Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch cũng chứng kiến doanh thu giảm 40 – 50% từ thời điểm tháng 10 năm nay – khi mùa du lịch nội địa kết thúc. Những yếu tố khách quan như các nước mở cửa chậm hơn Việt Nam, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, chiến sự Nga – Ukraine hay lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế được cho là những yếu tố cơ bản tạo ra tình trạng đói khách cho các công ty lữ hành và lưu trú khi mùa du lịch nội địa kết thúc. Những yếu tố đó càng làm cho việc dự báo về ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023 mông lung và khó khăn hơn.

Du lịch Việt Nam cần xác định đúng thị trường tiềm năng để xúc tiến thương mại

TRỌNG ĐIỂM VẪN LÀ KHÁCH QUỐC TẾ

Ông Phùng Quang Thắng, chủ tịch hội Lữ hành Hà Nội, cho biết khi Việt Nam mở cửa trở lại, nhiều thị trường trọng điểm như Trung Quốc hay Nga vẫn chưa phục hồi. Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng mới rục rịch mở lại từ cuối năm. “Các nước xung quanh mình cũng chịu cảnh vậy thôi. Hiện nay có khá nhiều vấn đề đang ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế như xung đột chính trị, lạm phát khiến giá dịch vụ tăng cao, ảnh hưởng khả năng chi trả của khách. Nhóm khách từ châu Âu hay Mỹ càng khó thu hút hơn vì đường bay dài, chi phí cao”, ông Thắng nói.

Du lịch Việt Nam cần xác định đúng thị trường tiềm năng để xúc tiến thương mại

Chủ tịch hội Lữ hành Hà Nội nói rất khó để dự đoán về lượng khách quốc tế trong năm 2023. Các yếu tố khách quan nói trên hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuy nhiên, có thể kỳ vọng “các nước sẽ mở cửa nhiều hơn khi thế giới đã bước qua năm Covid-19 thứ tư”. Theo ông Thắng, nhiệm vụ quan trọng của du lịch Việt Nam trong năm 2023 là xác định thị trường khách tiềm năng để xúc tiến thương mại. Đây là điều đặc biệt cần thiết trong bối cảnh khách Trung Quốc – nhóm đứng đầu danh sách khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 – chưa hẹn ngày trở lại. Nhóm khách Nga cũng trong tình trạng tương tự.

“Để đạt lại con số khoảng 18 triệu khách quốc tế như năm 2019 không phải chuyện đơn giản. Đó là cột mốc đỉnh cao rồi. Tuy nhiên, nếu chọn đúng thị trường để xúc tiến, lượng khách sẽ tăng,” ông Thắng khẳng định.

Khách nội địa sẽ chọn những điểm đến gần, đi du lịch trải dài trong nhiều tháng

Nói về thị trường khách quốc tế, Tổng giám đốc Adavigo Vũ Tiến Văn cho biết Ấn Độ chắc chắn là thị trường hàng đầu Việt Nam cần thu hút trong năm 2023. Ông cho biết các hãng hàng không cũng đang tích cực khai thác thị trường này. Bản thân khách Ấn Độ cũng là nhóm chịu chi, thích đi du lịch. Ngoài ra, đại diện Adavigo cũng gợi ý nên tập trung xúc tiến du lịch ở một số nước Đông Nam Á để tận dụng lợi thế vị trí địa lý gần, bớt thủ tục visa. Nhóm khách từ Uzbekistan, Kazakhstan, Ba Lan cũng có thể thay thế dần khách Nga.

“Dĩ nhiên, các quốc gia này không thể so sánh với tiềm năng thị trường Trung Quốc mang lại được. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần tìm cách bù đắp khoảng trống”, ông Văn chia sẻ.

Phú Quốc đã đầu tư làm mới để trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách

THỊ TRƯỜNG KHÁCH NỘI ĐỊA SẼ BIẾN ĐỔI?

Bên cạnh khách quốc tế, bức tranh du lịch nội địa năm 2023 cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp lữ hành quan tâm. Với những gì đã diễn ra trong năm 2022, hiện có hai luồng ý kiến về xu hướng du lịch của khách hàng nội địa trong năm tới. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng du lịch nội địa sẽ trở về guồng quay bình thường như trước dịch Covid-19. Số còn lại cho rằng khách du lịch nội địa sẽ bớt “đi theo quy luật”, tức là hoạt động du lịch có thể trải dài nhiều tháng như năm 2022 chứ không chỉ tập trung vào mùa hè. Ngoài ra, các dịp cuối tuần cũng được nhiều du khách quan tâm và lựa chọn những điểm đến gần. Tuy nhiên, đa số đều nhận xét rằng bài toán khó của du lịch nội địa trong năm 2023 là dù nhu cầu du lịch tăng cao, du khách sẽ dè dặt hơn trong chi tiêu. Do đó, doanh nghiệp phải đưa ra các sản phẩm mới, đảm bảo tính hấp dẫn nhưng cũng cần quan tâm tới “túi tiền” của du khách. Đa số doanh nghiệp nhận định các gói tour khó có thể giảm giá sâu hơn nữa. Trong hai năm qua, các đơn vị trong ngành du lịch đã đưa ra những mức giá hợp lý để kích cầu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, rất khó để có những chương trình giá “sốc” như trước. Thay vào đó, các doanh nghiệp du lịch sẽ phải tìm những phương thức hỗ trợ khác.

Đại diện công ty du lịch Best Price cho biết, họ đã kết hợp với một số công ty tài chính để hỗ trợ du khách một cách tốt nhất trong chi tiêu. Ví dụ, một tour Thái Lan 5 ngày 4 đêm có giá khoảng 6,9 triệu VNĐ, du khách chỉ cần trả trước cỡ 1,75 triệu VNĐ và trả góp linh hoạt phần còn lại trong 3, 6 hay 12 tháng với lãi suất 0%.

Phú Quốc đã đầu tư làm mới để trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách

LÀM MỚI CHÍNH MÌNH

Bên cạnh việc xác định thị trường tiềm năng, bản thân doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ phải thay đổi để thu hút khách mới như tăng cường tần suất chuyến bay, đơn giản hóa vấn đề đi lại, đưa ra sản phẩm mới lạ, phù hợp thị trường mục tiêu. Theo các chuyên gia du lịch, năm 2022 có thể coi là “bước đệm” cho đà trở lại của khách quốc tế. Năm 2023, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam có thể “ấm lại”. Tới năm 2024 hoặc 2025, khả năng cao thị trường này sẽ trở về như thời năm 2019, nếu không bị các yếu tố khách quan xấu tác động. Hơn nữa, không chỉ các doanh nghiệp phải “đau đầu” tư duy sản phẩm mới, chính các địa phương cũng cần làm mới mình. Theo chủ tịch hội Lữ hành Hà Nội, các điểm đến cần tạo ra những sản phẩm đặc thù để thu hút nhiều khách hơn. Phú Quốc năm 2022 chính là ví dụ tiêu biểu cho việc đầu tư để làm mới mình. Thay vì một điểm đến biển thông thường, nhắc tới Phú Quốc lúc này, du khách sẽ nghĩ về một thiên đường nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi, giải trí, mua sắm đa dạng. Con đường thu hút du khách, dù nội địa hay quốc tế, không phải là đường một làn, mà nó đòi hỏi sự kết hợp giữa cả doanh nghiệp và địa phương.