Nhật Anh

Ngày 12/3/2018 tại thủ đô Vienna, nhà đấu giá nhiếp ảnh danh tiếng WestLicht đã công bố chiếc máy ảnh đắt nhất thế giới “Leica 0-series No.122” được bán với giá 2.97 triệu USD.

Có những đơn hàng đặt riêng thậm chí chỉ được truyền tai nhau, số người được “mắt thấy tai nghe” chắc chỉ vỏn vẹn tính trong nhóm bạn thân thiết của chủ nhân.

Hồi sinh của huyền thoại “Made in Germany”

 Khi tiếng gõ búa cuối cùng trong phiên đấu giá nhiếp ảnh danh tiếng vang lên, cũng là lúc cách đó hơn 9.000 km, nhóm nhân viên đặc biệt thuộc phòng “Sưu tầm Leica” của một tỷ phú giấu tên người châu Á đứng dậy vỗ tay chúc mừng ông chủ của mình đã thành công và thêm vào bộ sưu tập Leica đồ sộ của mình một “kiệt tác” mới. Đó là một trong những minh chứng cho làn sóng sưu tầm máy ảnh cổ và máy ảnh Leica đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau sự hồi sinh mạnh mẽ của hãng máy ảnh huyền thoại “Made in Germany” trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Trước đó, năm 2004, tiến sỹ Andreas Kaufmann, nhà tư bản người Áo đã mua lại hãng máy ảnh Leica vốn chỉ còn danh tiếng sau gần một thế kỷ thống trị thị trường máy ảnh phim thế giới. Chỉ sau 5 năm, Leica Camera đã công bố chiếc máy ảnh full-frame kỹ thuật số nhỏ nhất thế giới Leica M9, kết hợp hoàn hảo với hệ thống ống kính Leica M danh tiếng. Đó thực sự là một cú “hit” lớn trong ngành công nghiệp máy ảnh. Lượng đơn đặt hàng Leica M9 đã tăng vọt, và nhiều khách hàng đã phải trả trước giá cao để được nhận máy sau 8-12 tháng chờ đợi.

Hẳn phải cần cả một cuốn sách dầy để liệt kê hết danh sách những phiên bản Leica đặc biệt, vốn là mơ ước và một khoản đầu tư giá trị, sinh lời cao cho các nhà sưu tầm máy ảnh. Có những đơn hàng đặt riêng thậm chí chỉ được truyền tai nhau, số người được “mắt thấy tai nghe” chắc chỉ vỏn vẹn tính trong nhóm bạn thân thiết của chủ nhân.

Khi vẻ đẹp công nghệ và thiết kế hòa trộn

 M6 là chiếc máy ảnh chuẩn phim 35mm được ưa thích nhất của Leica trên toàn thế giới, và đây cũng chính là chiếc máy được làm nhiều phiên bản đặc biệt nhất. Nổi tiếng có thể kể đến phiên bản Leica M6 Gold Thai King được ra mắt năm 1996 kỷ niệm 50 trị vì của vị Vua Rama IX của đất nước Thái Lan. Thân máy và ống kính Summicron-M 50mm f/2 được mạ vàng 24 carat cùng lớp da thằn lằn màu đỏ đun sản xuất với số lượng có hạn.

Dù gần như giữ nguyên phần lớn thiết kế bề ngoài, những phiên bản đặc biệt mang giá trị sưu tầm cao của Leica không khỏi khiến người ta trầm trồ vì vẻ đẹp độc đáo của chúng. Huyền thoại Steve Jobs từng ví von trong buổi ra mắt mẫu điện thoại Apple iPhone 4 rằng: “Chiếc máy này đẹp như một chiếc máy ảnh Leica cổ điển!”. Phiên bản Leica M (RED) với duy nhất một chiếc được sản xuất là thành quả của sự kết hợp đỉnh cao giữa Jonathan Ive – nhà thiết kế lừng danh đứng sau sự thành công của Apple, và Marc Newson – nhà thiết kế máy bay hàng đầu. Trải qua hơn 1.000 giờ làm việc với gần 600 nguyên mẫu, phiên bản Leica M (RED) kết hợp với ống kính APO-Summicron-M 50mm f/2 duy nhất được đấu giá tới 1.8 triệu USD.

Ở Việt Nam, trước những năm 2000, không thể kể hết có bao nhiêu chiếc máy ảnh Leica cổ đã “chảy máu” và bị thu mua bởi những nhà buôn Hong Kong. Nhưng sau 2009, những phiên bản Leica đặc biệt và hiếm cũng âm thầm trở lại Hà Nội và TP.HCM. Sự xuất hiện chính thức của cửa hàng Leica tại Hà Nội (năm 2017) và TP.HCM (năm 2018) dù chưa lâu những cũng đủ để mang về những phiên bản đặc biệt mà các nhà sưu tầm thèm muốn. Ông Nguyễn Gia Phong, Giám đốc điều hành Leica Vietnam chia sẻ những chiếc máy Leica còn hơn cả một tác phẩm nghệ thuật, đó còn là một phần của lịch sử, của những giá trị nhân văn, niềm đam mê và khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ.