Bài: Nam Thi
Một thế hệ nghệ sĩ mới tại Việt Nam xuất hiện, đem những quan điểm nghệ thuật, thực hành chuyên môn và cả cá tính đặc trưng, làm thay đổi tư duy thẩm mỹ của công chúng đương đại. Trong số tạp chí Heritage Fashion này, chúng tôi mời quý độc giả cùng trò chuyện với 4 gương mặt nghệ sĩ nổi bật thế hệ Z và lắng nghe những chia sẻ của họ để thấy sự hấp dẫn của dòng chảy mới.
CA SĨ MỸ ANH
Mở đầu cho cuộc trò chuyện mang tên Đối thoại Z này, Heritage Fashion gặp gỡ ca sĩ Mỹ Anh. Thời gian gần đây, Mỹ Anh là cái tên được công chúng và truyền thông nước nhà nhắc tới nhiều nhất, khi trở thành nghệ sĩ đại diện thế hệ sinh sau năm 2000 biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội trong Hòa nhạc Quốc gia “Điều Còn Mãi 2022” ngày 2/9 vừa qua. Thành tích này không nằm ở may mắn, mà đó là nỗ lực đã được công nhận của nghệ sĩ trẻ.
Mỹ Anh có bao giờ tự lý giải về thành tích nổi bật trong âm nhạc không?
“Sau nhiều hồi suy nghĩ, Mỹ Anh cho rằng có thể do mình quyết tâm giữ bản chất của mình nên có lẽ mọi người cảm nhận được sự độc đáo và riêng biệt”. Cô ca sĩ Gen Z chia sẻ thêm rằng từ lúc bước chân vào thế giới nghệ thuật, cô nhận được rất nhiều lời khuyên về việc nên làm nhạc ra sao, ăn mặc thế nào, nhưng rồi vẫn quyết định làm những gì thật nhất với bản thân bởi khả năng “đọc” nghệ sĩ của khán giả rất tinh. Thế nhưng, Mỹ Anh vẫn chưa thật tự tin để nhận lấy sự khen ngợi đặc biệt của công chúng.
Độc giả đọc đến đây hẳn sẽ thấy lạ. Bởi Mỹ Anh vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc và được đào tạo bài bản, vậy mà chưa tự tin?
“Những điều đó là may mắn của Mỹ Anh, nhưng đôi khi cũng là một áp lực. Vì với một xuất phát điểm đáng mơ ước như thế, mình càng phải nỗ lực hết sức để xứng đáng”
Dù lớn lên trong bầu không khí âm nhạc và yêu âm nhạc một cách tự nhiên, nhưng với bản tính hướng nội, Mỹ Anh từng nghĩ mình nên là một người làm nhạc đằng sau ánh đèn sân khấu như bố Anh Quân. Nhưng đến khi, Mỹ Anh biểu diễn ca khúc do chính mình sáng tác, rồi ra mắt video đầu tiên do cô tự thực hiện, chính tại dấu mốc này Mỹ Anh mới cảm nhận chắc chắn con đường mình đi.
Vậy quan điểm trong sáng tác âm nhạc của Mỹ Anh là gì?
“Âm nhạc phải đến từ một nơi nào đấy bên trong mình và nó phải chân thật. Khán giả sẽ cảm nhận được khi bài hát được làm trọn vẹn, không chỉ trong kỹ thuật âm nhạc, ca từ mà còn là hoàn thiện về mặt tâm hồn”.
Quy trình làm nhạc của Mỹ Anh thường bắt đầu từ giai điệu. Khi một giai điệu nảy sinh trong đầu, cô sẽ có một bố cục rõ ràng hơn. Về phần lời, Mỹ Anh thường làm một sơ đồ tư duy, “vì mình thường nghĩ rất nhiều, mình sẽ viết tên bài hát ở giữa, rồi bóc tách dần cảm xúc, chọn từ khoá, viết lời. Nhìn những quy trình đấy rất logic, vì bay quá nên phải logic lại, không thì đầu mình “nổ” mất”.
Nguồn cảm hứng sáng tác đôi khi đến từ những cảm xúc nội tâm, nhưng đôi khi là trải nghiệm của người khác mà Mỹ Anh quan sát rồi đặt mình sống trong thế giới đó. Việc thực hành nghệ thuật ở thời điểm hiện tại thật “bùng nổ”, thế hệ nghệ sĩ trẻ có nhiều cơ hội mà cũng dễ lạc lối. Mỹ Anh tin rằng phải là chính mình, luôn cần nhìn thẳng và tập trung về phía trước. Cần thực tế hiểu là thế giới luôn thay đổi, nếu mình cứ chỉ theo xu hướng và cuốn theo vòng xoáy thay đổi đó, thì con đường này sẽ không vững. Và điều quan trọng nhất là mình cần có một cốt lõi, ấy chính là chuyên môn và không bao giờ ngừng trau dồi thêm mỗi ngày.
Box thông tin:
Mỹ Anh tên đầy đủ là Trương Mỹ Anh
Sinh năm: 2001
Xuất thân trong một gia đình truyền thông âm nhạc, bố là nhạc sĩ Anh Quân, mẹ là diva Mỹ Linh.
Thành tích nổi bật: Chiến thắng hạng mục Gương mặt mới xuất sắc của giải thưởng Làn Sóng Xanh 2021, đại diện thế hệ mới biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 2/9/2022…
NGHỆ SĨ SAXOPHONE AN TRẦN
Xin chào An Trần! Khi mà các bạn nghệ sĩ trẻ khác đều chọn loại hình âm nhạc khá gần gũi với đại chúng thì An Trần lại chọn saxophone. Liệu ngoài việc tiếp nhận sự ảnh hưởng từ bố Trần Mạnh Tuấn, An Trần có lý do nào khác để gắn bó với chiếc kèn này không?
Một trong những lý do mà An thích kèn saxophone vì đây là một loại nhạc cụ rất phóng khoáng, tự do và có âm vang đẹp đẽ. An thấy dường như chưa có người con gái nào ở Việt Nam chơi kèn cả, sau này lớn lên muốn thay đổi tư duy và suy nghĩ của mọi người về loại nhạc cụ này. Có nhiều người nói rằng đây là một nhạc cụ nam tính, An không đồng ý với điều đấy. Bởi vì đã là nhạc cụ thì bất kì ai cũng có thể chơi được, không nhất thiết phải dành cho một giới tính nào.
Đâu là nguồn cảm hứng lớn nhất của An trong hoạt động âm nhạc? Và An đã đưa nó vào trong thực hành nghệ thuật của mình thế nào?
Ngoài bố Tuấn ra thì có lẽ Jacob Collier (nhà sản xuất, ca sĩ, nghệ sĩ), Erykah Badu (ca sĩ RnB), và Roy Hargrove (nghệ sĩ trumpet nhạc Jazz và Funk) là ba nhân vật có sự ảnh hưởng lớn nhất đến âm nhạc của An và cách An chơi nhạc. Khi thấy họ mang đến niềm vui và cảm hứng cho mình, mình cũng muốn làm vậy với khán giả.
Được biết An Trần đã có chuyến lưu diễn với nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng thế giới Delfeayo Marsalis. Đây có lẽ là cơ hội biết bao người mơ ước. An có thể chia sẻ thêm về chuyến lưu diễn này không?
Chuyến lưu diễn 4 ngày cùng ông Delfeayo Marsalis có lẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất đời của An, và đó cũng là lần đầu An biểu diễn ở nước Mỹ. An đã học được rất nhiều thứ từ ông trong vỏn vẹn chỉ 4 ngày. Ông đã đưa bản nhạc và bản thu 7 ngày trước đêm diễn và An phải tập tổng cộng là 20 bài. Ông đã không nói là sẽ giao bè nào cho ai trước mà ông muốn An học cả 2 bè trong một tuần. An đã phải “trốn học” để đi tập kèn suốt một tuần liền. Khi gặp ông thì An đã phải lập tức tập dượt cho đêm diễn. Cứ như vậy 3 ngày liên tục, đêm nào cũng tập, trước giờ diễn cũng tập. Ông rất nghiêm khắc và luôn dặn dò An kĩ càng.
Ngoài giờ diễn và giờ tập ra thì ông chia sẻ riêng với An, ông dặn phải có một nền tảng thật tốt, học sõi những căn bản trước khi học những thứ khó hơn. Ông nói nhạc Jazz như một ngôn ngữ vậy, nếu như chúng ta không học bảng chữ cái, không nghe người khác nói thì làm sao biết nói được.
Bản thân An cảm nhận người nghệ sĩ saxophone ở thế hệ mình khác so với thế hệ trước ra sao? Và dòng chảy của môn nghệ thuật này tại Việt Nam thế nào?
An và các bạn trẻ chơi saxophone (và nhạc cụ nói chung) ở thế hệ mình có một lối đi và tư duy khác thế hệ trước. Mọi người có xu hướng làm âm nhạc độc lập, từ sản xuất, viết lời, rồi chơi luôn nhạc cụ. Và hầu như nghệ sĩ ở thế hệ An ai cũng biết và ít nhất là phải biết sản xuất âm nhạc, đó là điều tối thiểu. Các bạn trẻ ở Việt Nam đang làm rất tốt điều này, và An rất vui khi thấy mọi người khám phá nhiều thể loại âm nhạc hơn, như hơi hướng Jazz, Bossa nova, Samba và kể cả Funky. Từ đó giúp âm nhạc Việt Nam hòa nhịp cùng dòng chảy thế giới.
Box thông tin:
An Trần tên thật là Trần Đàm An Phúc
Sinh năm: 2004
Xuất thân trong gia đình truyền thống nghệ thuật, có bố là nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn.
Thành tích nổi bật: Là nữ nghệ sĩ trẻ nhất thế giới được hang kèn saxophone danh tiến P. Mauriat chọn làm đại sứ, biểu diễn cùng huyền thoại Delfeayo Marsalis tại Mỹ…