Vân Anh
Hiếm có món uống nào khiến người ta luận bàn nhiều như rượu vang. Không chỉ là một loại đồ uống có cồn tiến hoá cùng lịch sử văn minh nhân loại, rượu vang còn là nàng thơ chung của phim ảnh và văn chương.
Chai vang hoàn hảo của Hitchcock
Hitchcock là một trong những ông hoàng của điện ảnh thế giới. Ông chẳng ngại phô bày nỗi ám ảnh của mình với rượu vang. Những người yêu mến ông có lẽ sẽ chẳng quên được khung cảnh chỉ dài 26 giây trong cuốn phim hài câm Champagne (1928): một chai champagne bật mở, thứ chất lỏng trong suốt đổ ào như dòng thác nhỏ xuống ly thuỷ tinh cho đến khi lớp bọt tan biến dần, để lộ khung cảnh dạ vũ tưng bừng đang diễn ra. Không một lời thoại, không một thanh âm, tất cả chìm dưới bản nhạc piano kịch tính, thúc giục và ước lượng. Khởi đầu sự nghiệp, Hitchcock tìm thấy nàng thơ của mình trong những ly champagne và cả những xung đột xoay quanh một thập kỷ buồn bã với những người mê đắm thứ đồ uống này.
Sau Thế chiến thứ I, người ta còn bận rộn xây dựng lại những gì chiến tranh đã cướp mất, rượu vang cũng không ngoại lệ trong danh sách dài những xa hoa dần biến mất ấy. Chất lượng rượu và nho sụt giảm, đồng nghĩa với việc để có một chai vang ngon lành đúng nghĩa, ai nấy cũng phải bỏ ra món tiền kha khá. Hitchcock mượn rượu để kể về một giai đoạn thống khổ của nhân loại. Nhưng Hitchcock cũng chỉ đang kể về niềm say mê của mình với món uống ông mê đắm thông qua điện ảnh mà thôi. Với ông, không gì có thể sánh ngang một chai rượu vang hoàn hảo, và không có chai rượu vang nào hoàn hảo bằng Pinot Noir Vintage từ vùng Burgundy.
Pinot Noir là một loại nho rất khó trồng, bởi thế chúng chẳng khác nào phép ẩn dụ về một cuộc hành trình đi tìm kiếm sự hoàn hảo của vị đạo diễn. Giống nho “nhạy cảm” nhất thế giới này tiếp nhận mọi nhân tố xung quanh chúng, từ khí hậu, thổ nhưỡng. Ngay cả khi ra trái ở cùng một vùng đất Burgundy, cũng chẳng ai có thể tìm thấy hai loại rượu vang Pinot Noir mang cùng một hương vị. Hitchcock hiểu rõ điều này, vì thế ông chẳng vội. Ông làm phim. Ông tìm kiếm một chai rượu ngon và tiếp tục làm phim.
Cách thưởng thức vang hoàn hảo của Hemingway
Không có chai vang hoàn hảo nào với nhà văn Hemingway. Chỉ có cách thưởng thức hoàn hảo mà thôi. Hemingway tôn vinh những ly rượu vang như cách những nhà văn khác miêu tả một cô người tình vừa thất thường vừa diễm lệ. Cũng vào thập kỷ gào thét, khi Hitchcock làm bộ phim Champagne, Hemingway chọn Paris như nơi trú ngụ cho giấc mộng văn chương của mình. Ông đi lang thang từ quán Café des Amateurs trên phố Mouffetard, qua đại lộ St. Germain, đến một quán cafe ở Place St. Michel để viết lách hàng giờ cùng một ly rum St. James.
Nếu thành quả của ngày hôm ấy là một truyện ngắn đủ làm vừa lòng cái đầu khó tính của Hemingway, ông sẽ tự thưởng cho mình một ly vang trắng, món uống mang đến cảm giác “trống rỗng, đâu đó giữa buồn và vui”. Cảm giác đó có phải chỉ đơn thuần nằm ở thứ chất lỏng ấy không? Hay từ trạng thái kết thúc của một tác phẩm văn chương? Chẳng ai biết được. Và Hemingway cũng chẳng cần giải nghĩa.
Hậu vị của một ly vang có thể là hạnh phúc với Hemingway, và có khi, với tất cả những nhà văn, nhà thơ, triết gia, hoạ sĩ cùng thời với ông. Họ gặp nhau đàm đạo về nghệ thuật giữa lòng Paris. Họ xuất hiện ở những bữa tiệc, những quán café, những vỉa hè ven sông Seine. Họ có thể trái tính trái nết, có thể phê bình nhau, có thể bất đồng với nhau nhưng điểm chung của tất cả nằm ở những ly vang trên tay họ, chúng như một quy ước không văn bản về cảm xúc và mưu cầu thăng hoa trong đời sống tinh thần của người nghệ sĩ.
Chất lỏng của Chúa trời
Người nghệ sĩ có lý do để tìm đến ly vang của mình. Chẳng phải ngẫu nhiên người Hy Lạp cổ đại gọi rượu vang là “chất lỏng của Chúa trời”. Không có một kết luận chính xác về khởi nguồn của rượu vang. Đó có thể là từ những năm 5400 – 5000 TCN khi những nhà khảo cổ học tìm thấy dấu vết lâu đời nhất của rượu vang ở vùng núi phía bắc Iran. Đó có thể còn bắt nguồn xa xưa hơn từ câu chuyện thánh kinh, khi nàng công chúa vương quốc Iran cổ đại tình cờ ăn những trái nho hỏng và cảm thấy lâng lâng đến mức những nỗi buồn trong đời cũng tan biến. Đó cũng có thể là khi loài người bắt đầu ồn định cuộc sống ở một vùng địa hình ở những vùng đất văn minh cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp hay La Mã…
Như cách Hemingway thốt lên bằng ngôn từ văn chương của mình “rượu vang là thứ văn minh nhất và một trong những điều tự nhiên nhất của thế giới”, mỗi vùng đất nơi rượu vang hiện diện dường như kể một câu chuyện rất riêng về chai rượu của mình. Từ vùng Bordeaux nước Pháp cho đến vườn nho ở Chile, Argentina, Nam Phi, từ lục địa Úc xa xôi cho đến cao nguyên Lang Biang (Đà Lạt), mỗi chai rượu mang trong nó một lịch sử, một giống nho, những nét văn hoá thưởng thức rượu, những quy chuẩn nông nghiệp đặc biệt và cả tinh hoa của người làm rượu cũng như thưởng rượu.
Bỏ qua mọi công thức để thưởng thức nó như một người sành sỏi, rượu vang mang đến cho những người trót say mê món đồ uống này sự sáng tạo trong cách họ muốn coi rượu vang là gì: Một món đồ trang sức hay một thứ đồ uống cần có trong nhà? Một nghi thức xã giao không bao giờ lỗi mốt? Hay một lối đi đưa họ đến thế giới của nghệ thuật, văn chương, thi ca, nhạc hoạ…