Bài: TÚ ANH
Ảnh: SHUTTERSTOCK

Có doanh nghiệp đầu tư cả chục triệu USD cho một phần mềm hiện đại nhất nhưng lại thất bại khi chuyển đổi số vì nhân sự “chưa sẵn sàng”.

Những năm qua, kinh tế Việt Nam thay đổi nhanh chóng nhờ chuyển đổi số. Các ngành đang dẫn đầu xu hướng số hoá là thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và fintech (công nghệ tài chính). Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019,  kinh tế số Việt Nam năm 2019 đạt 12 tỷ USD, đóng góp 5% GDP của cả nước và cao gấp 4 lần năm 2015. Đến năm 2030, kinh tế số được kỳ vọng sẽ đóng góp tới 30% GDP, trở thành động lực quan trọng giúp Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là thiết bị, phần mềm hay áp dụng công nghệ thông tin mà nó đòi hỏi cả một sự dịch chuyển về mô hình hoạt động, chiến lược và nhân sự. Với vai trò quan trọng của mình, chuyển đổi số cần làm nhanh nhưng lại không thể vội vàng, nhất là khi quá trình này ở Việt Nam còn nhiều thách thức.

Việt Nam đang "khát" lực lượng lao động có kỹ năng về công nghệ số

Thiếu hụt nhân sự số” 

Lê Hùng Cường, Phó tổng giám đốc FPT Digital, trích dẫn một khảo sát cho biết, chỉ 40% doanh nghiệp cho biết có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông để duy trì, khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ. Dự báo năm 2023, toàn ngành sẽ thiếu hụt khoảng một triệu lao động.

Nhiều lao động “ngợp” trước công nghệ mới và khối lượng công việc phát sinh thêm. Nhân viên chỉ nhìn thấy rằng họ có thêm việc phải làm, mà chưa được đào tạo để nhận thức đúng về mức độ quan trọng của việc thu thập dữ liệu sẽ thay đổi và cải thiện công việc cũng như thu nhập họ như thế nào. “Vì thế, đầu tư chục triệu USD cho máy móc nhưng nếu nhân sự chưa sẵn sàng thì đó là một khoản đầu tư vô nghĩa”, Chủ tịch EY Consulting nhận định.

Ông Hoàng Trung Thiên Vương, đồng sáng lập kiêm CMO của nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn, cùng chung đánh giá rằng thách thức lớn nhất của Việt Nam là lực lượng lao động yếu cả về kỹ năng, kiến thức công nghệ kỹ thuật số. Ông cho rằng nhiều doanh nghiệp có lực lượng lao động truyền thống hoặc độ tuổi lao động cao không có thói quen áp dụng công nghệ số nên việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam sẽ tốn thời gian và nguồn lực để định hướng, đào tạo và hỗ trợ trực tiếp.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số, theo ông Vương, đặt ra một nhu cầu mới về thế hệ “citizen developer” – những người lao động không phải là kỹ sư công nghệ nhưng vẫn có thể tạo ra những ứng dụng phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Nhu cầu xây dựng những ứng dụng công nghệ phục vụ riêng cho nhu cầu doanh nghiệp ngày càng lớn trong khi lượng lập trình viên chuyên nghiệp có giới hạn và không thể chạy theo chỉnh sửa ứng dụng theo nhu cầu của người đi làm hằng ngày, hằng tuần. Vì thế, những “citizen developer” sẽ sử dụng sức mạnh công nghệ để tạo ra hàng loạt ứng dụng tự động hay ứng dụng làm việc cần thiết mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào đội ngũ công nghệ thông tin.

Khung pháp lý khó cho chuyển đổi số

Bên cạnh yếu điểm về nhân sự, rào cản lớn tiếp theo đối với chuyển đổi số tại Việt Nam là pháp lý không theo kịp thực tế. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng với những doanh nghiệp hay tổ chức có yếu tố nhà nước.

Vội vàng chuyển đổi số khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro

Bà Thuỳ Dương cho biết, có nhiều đơn vị thực sự muốn làm nhưng lại “không dám làm” vì lý do cơ chế. Doanh nghiệp không thể chuyển đổi số có hiệu quả nếu làm đúng quy trình. Bà lấy ví dụ, quy trình đấu thầu quá phức tạp khiến doanh nghiệp trầy trật khi muốn chuyển đổi số. Để mua sắm thiết bị, việc đấu thầu khiến đơn vị có khi mất tới hàng năm. Tới khi được phê duyệt, thiết bị đó đã trở nên lỗi thời hoặc không còn được nhà cung cấp hỗ trợ. Điều này khiến quy trình mua sắm thiết bị lại quay  về từ đầu. “Cơ chế pháp lý phải thông thoáng hơn để người đứng đầu không còn sợ sai, lúc đó chuyển đổi số tại khối nhà nước mới là thực chất”, bà Dương chia sẻ.

Với khối nhà nước, tư nhân hay doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi nhóm sẽ có những “gót chân Achilles” khác nhau. Chuyển đổi số là xu hướng nhưng theo Chủ tịch EY Consulting, nhìn chung, doanh nghiệp không nhất thiết phải lạm dụng khái niệm này, họ phải biết năng lực mình tới đâu, mục tiêu là gì, từ đó có từng bước đi cụ thể.

Không thể nóng vội

Tuy cần làm nhanh, chuyển đổi số không phải là thứ có thể nóng vội. Bà Dương nói từng gặp cảnh lãnh đạo của doanh nghiệp lớn hô hào nhân viên phải chuyển đổi số bằng được, chỉ sau một cuộc họp với doanh nghiệp bạn và lãnh đạo chính quyền. Chuyển đổi số được làm nóng vội như một thành tích, mà không có sự nhìn nhận, chuẩn bị kỹ lưỡng khiến doanh nghiệp vừa mất tiền vừa thất bại khi triển khai, vì nhiều lý do xuất phát từ hạ tầng và nhân lực doanh nghiệp.

Thay vì chạy theo những thành tích hào nhoáng bên ngoài, Chủ tịch EY Consulting cho rằng doanh nghiệp nên biết “liệu cơm gắp mắm”, tập trung vào nhu cầu cũng như năng lực hiện tại của mình. Hơn nữa, vội vàng chuyển đổi số còn khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro. Theo thống kê của IBM, việc gấp rút chuyển đổi số làm tăng nguy cơ vi phạm dữ liệu thêm 72%, rủi ro tấn công mạng và các mối đe dọa đối với tài sản có giá trị cao tăng 65%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố vào 2022, Việt Nam xếp thứ 63 trên tổng số 113 nền kinh tế toàn cầu có môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ doanh nhân tốt nhất thế giới.

Tại Hội thảo được tổ chức vào 2022, ông Đỗ Việt Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin và Giám sát An ninh mạng – Ban Cơ yếu Chính phủ, nhấn mạnh rằng việc số hoá một cách vội vàng có thể khiến tổ chức bỏ qua các biện pháp kiểm soát bảo mật và những rủi ro tiềm ẩn.

Từng tham gia đánh giá an toàn thông tin cho nhiều dự án chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Thắng kể câu chuyện về một giải pháp họp online được yêu cầu xây dựng gấp để sử dụng trong đợt dịch Covid-19. Hai ngày trước khi buổi họp online đầu tiên, phía ông Thắng đã phát hiện rất nhiều lỗ hổng. Để cuộc họp diễn ra đúng kể hoạch, đơn vị phát triển phải huy động toàn bộ phòng ban trực theo dõi suốt quá trình họp, nhằm phòng tránh và ứng cứu nếu có sự cố.

Khi ngày càng nhiều quy trình kinh doanh, sản xuất và thông tin được số hóa, cơ hội cho tội phạm mạng tấn công các tổ chức sẽ gia tăng. Đồng thời, chuyển đổi số cũng làm tăng lượng lớn các điểm truy cập mạng mới, như điện toán đám mây, mạng xã hội và thiết bị di động. Các yếu tố này sẽ dẫn đến các rủi ro ngày càng đa dạng hơn.