Phan Cẩm Thượng – Hoàng Anh
Những nhà sưu tập nghệ thuật Việt Nam đã thành công và tạo vị thế nhất định cho mỹ thuật nước nhà
Tranh đẹp, tranh hiếm đã khó mua và khó kiếm, thì việc sở hữu càng trở nên khó khăn nhưng cũng nhiều thú vị
Nhà sưu tập Việt không nhiều nhưng cũng không hiếm. Một số người đã có những thành công và tạo vị thế nhất định cho mỹ thuật Việt Nam. Có người mất đã lâu như ông Đức Minh (1920-1983) nhưng danh tiếng vẫn còn lừng lẫy tới hôm nay. Hoặc như ông Lâm Café (1930 – 2000) tuy mất đã gần 20 năm, nhưng cái tên nhà sưu tập gắn liền với quán Café 60 Nguyễn Hữu Huân vẫn còn hiện diện… Họ đều có một điểm chung là tình yêu say mê, mãnh liệt với hội họa. Điều ấy thật trân trọng và đáng quý…
Thuộc thế hệ sau ông Đức Minh và ông Lâm có ông Trần Hậu Tuấn, sinh năm 1955. Xuất thân từ gia đình trí thức trong quân đội, có sở thích với thể thao, võ thuật và hội họa, ông bươn chải trong cuộc sống, mua bán đổi chác trong giai đoạn thị trường nghệ thuật nảy nở nên có những kinh nghiệm thật khôn khéo, và không ít cay đắng trong chốn éo le thật giả. Bộ sưu tập tranh đình đám của Trần Hậu Tuấn có thể kể đến các tác phẩm Thiếu nữ hoa sen (bột màu trên giấy điệp-1978); Mèo đôi (sơn dầu trên vải-1971) của danh họa Nguyễn Sáng.
Cùng lứa với Trần Hậu Tuấn có ông Nguyễn Minh, sinh 1954, biệt danh là Minh Hàng Chỉ. Ông Minh mạnh dạn sang các thị trường nước ngoài thông qua các cuộc đấu giá của Sotheby’s và Christie’s và đưa các họa phẩm Việt Nam về nước. Mua giá đắt, chịu thuế đắt, trong đó thuế nhập khẩu là bắt buộc và công khai lên tới hàng trăm triệu đồng, tùy theo giá mua tác phẩm, tất cả được niêm yết trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Ông cũng học hỏi nhà sưu tập nghệ thuật Thái Lan, ông Tira Vanichtheeranont làm sách cẩn thận, chấp nhận rủi ro, và lại bán ngay các bức họa mình sở hữu trong hoàn cảnh các đại gia trong nước sẵn sàng mở hầu bao. Các tác phẩm trứ danh của hội họa Việt Nam chủ yếu là của các họa sỹ thời Đông Dương cũ bay vèo vèo từ hai nhà sưu tập này, chứng tỏ có một thị trường sôi động trong nước. Hai nhà sưu tập này có khả năng kết nối thị trường trong nước và nước ngoài.
Cũng sưu tập, nhưng ở một cách khác có ông Nguyễn Mạnh Phúc (sinh 1935). Ông là một trí thức cũ trân trọng các nghệ sỹ, sưu tập không nhiều, nhưng có bộ ký họa và minh họa báo của Bùi Xuân Phái rất đặc biệt. Ông cũng từng làm sách về các minh họa báo Văn nghệ của Phái từ 1970 – 1980.
Giới chơi tranh hiện tại nổi lên có ông N.Đ.L là một người sinh ra trong những năm tháng cuối cùng của chiến tranh, là một tài phiệt trong giới ngân hàng, có lẽ là một trong những người trẻ tuổi nhất trong giới sưu tập khủng, và cũng là người rất kín tiếng. Xuất thân danh giá, có niềm đam mê, yêu thích và am hiểu hội họa. Ông N.Đ.L. đang sở hữu một số lượng những tác phẩm đỉnh của hội họa Việt Nam thời Mỹ thuật Đông Dương, như bức Hoài cố hương (lụa-1938) của Lê Phổ, Thác Bờ (sơn mài-1934) của Nguyễn Văn Tỵ. Hiện ông vẫn trên con đường kiếm tìm những tác phẩm tốt từ nước ngoài đem về Việt Nam. Bên cạnh đó, ông L.Q.Kh., một doanh nhân mới nổi về sưu tập, hiện cũng đang sở hữu những gì còn lại của họa sỹ Trần Văn Cẩn. Đó là vài chục bức tranh sơn dầu và khoảng vài ngàn hình vẽ phác thảo, ký họa, thật đồ sộ và đáng nể. Ông nói rằng không thể hiểu được việc làm sao người ta bán tất tần tật kể cả tủ sách, nhật ký, album ảnh, giá vẽ của họa sỹ… chỉ còn lại cái nhà không, đó là một chuyện rất buồn! Mục đích sưu tập của ông Kh. rất rõ ràng là sẽ xây dựng một bảo tàng mỹ thuật trong tương lai với xương sống là bộ tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Ở thành phố Hồ Chí Minh có bộ sưu tập Quang San đình đám, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiều Quang và bà Phùng Minh Nguyệt. Vợ chồng ông bà Quang – Nguyệt có chung sở thích sưu tầm tranh, và hiện có trong tay hàng ngàn bức tranh được các thế hệ họa sĩ Việt Nam sáng tác xuyên suốt từ 1925 đến nay. Trong đó có nhiều bức thuộc hàng kinh điển như Mẫu tử (lụa -1940) của Lê Phổ, Hai Thiếu nữ xinh đẹp của Mai Trung Thứ (lụa-1942). Trong tương lai ông bà cũng chuẩn bị xây dựng một bảo tàng mỹ thuật. Cũng chưa biết những đứa con của mình có xu hướng đam mê nghệ thuật như bố mẹ không, nhưng ông bà rất muốn bộ sưu tập mà họ đã mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để sưu tầm sẽ có một nơi xứng đáng để trưng bày, chứ không muốn bị thất tán đáng tiếc như một số bộ sưu tập khác đã từng xảy ra. Ông bà cũng muốn chia sẻ tâm huyết cả một đời sưu tập của của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật.
Cũng còn một số nhà sưu tập rất nổi tiếng hiện nay trong giới với bộ sưu tập đồ sộ bao gồm nhiều họa sĩ tên tuổi…, nhưng thông tin về họ hiếm, chỉ một số ít người biết và họ cũng rất kín tiếng. Còn một số nhân vật khác cũng mới sưu tập muộn hơn, chỉ hai, ba năm trở lại đây. Con đường sưu tập của họ cần có thêm nhiều thời gian để có thể kiếm tìm được những tác phẩm đẹp. Bởi tranh đẹp, tranh hiếm đã khó mua và khó kiếm thì việc sở hữu càng trở nên khó khăn nhưng cũng nhiều thú vị.