Tuấn Hùng

Việt Nam cần thay đổi để du lịch có khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng và thu hút dòng khách chịu chi cũng là điều phải hướng tới.

Trở lại nhưng còn quá “xa bờ”

Du lịch Việt Nam đã đón những tia hi vọng mới, tuy nhiên con đường khôi phục của ngành công nghiệp không khói không trải hoa hồng mà lại lắm gian nan

Mùa du lịch đã trở lại nhưng có thể sẽ là một vụ mùa khó khăn

Du lịch Việt Nam đang một lần nữa hít thở bầu không khí sôi động. Ngay chính các du khách nước ngoài – nguồn thu lớn với du lịch Việt Nam – cũng cảm nhận rõ điều đó. Dữ liệu phân tích từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destinations Insights cho thấy, lượng tìm kiếm của khách quốc tế về du lịch Việt Nam đã bắt đầu tăng từ tháng 12/2021.

Con số này tăng vọt vào cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022; lượt tìm kiếm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ năm 2021. Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm của khách quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao: đầu tháng 2/2022 tăng 425% so cùng kỳ năm 2021. 

Tuy vậy, số du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa cao. Trong tháng 3, mới có khoảng 41.700 lượt khách tới Việt Nam. Dù không thể so với thời điểm trước dịch (năm 2019), con số này cũng đã gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Số khách đến hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai gần khi việc du lịch trên thế giới mở cửa nhiều hơn, trở nên dễ dàng hơn.

Trong khi tín hiệu từ thị trường quốc tế còn chưa quá rõ ràng, du lịch nội địa đã bùng nổ, đặc biệt khi dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 và mùa du lịch hè tới gần. Khách sạn ở những điểm “nóng” du lịch  như Nha Trang, Phú Quốc hay Đà Lạt … đều đã đầy trong dịp này, trong khi hàng không đã lâu mới lại chứng kiến cảnh “cháy” vé. Nhiều chủ đại lý vé máy bay thừa nhận rằng giá vé đi Phú Quốc “đã lên đến đỉnh” (khoảng 7 – 9 triệu đồng/người khứ hồi).

Dù vậy, những con số đầy lạc quan trên đây mới chỉ là “tín hiệu của sự phục hồi”, như thừa nhận của những người trong ngành, bởi quá trình phục hồi của du lịch sau hai năm “đo ván” bởi đại dịch còn rất nhiều khó khăn.

Chông gai ngày trở lại

Vấn đề lớn và dễ thấy nhất trên con đường phục hồi du lịch là nhân lực bởi sau 2 năm khổ sở vì dịch, nhiều người làm du lịch đã bỏ ngành, tìm được công việc mới.

Doanh nghiệp du lịch đã chịu thiệt hại nặng nề vì dịch nên lương thưởng cho nhân sự khó được như trước. Đại diện một số doanh nghiệp lớn cho biết, những người sẵn sàng quay về với du lịch cần xác định san sẻ khó khăn với doanh nghiệp; họ có thể phải bắt đầu với mức lương tối thiểu, thậm chí là con số 0.  Với tình hình đó, không nhiều người sẵn sàng trở lại, đặc biệt là những nhân sự có kinh nghiệm. Ngay tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2022 (VITM Hà Nội 2022) hồi đầu tháng 4, công ty du lịch Best Price cũng đã giăng banner tuyển dụng để củng cố lại “đội hình”.

Số lượng du khách trong tháng 3/2022 đã gấp 2,2 lần cùng kỳ 2021

Tuy nhiên, đại diện công ty thừa nhận họ “thực sự đau đầu với vấn đề nhân sự”. Đa số ứng viên đều hỏi một câu: “Ngành du lịch có thể đem lại tương lai tốt không?”. Trong khi đó, các nhân sự cũ lại từ chối trở lại lúc này do du lịch Việt Nam chưa thể quay về guồng quay của năm 2019.  “Trung bình, một nhân sự mới sẽ mất 3-6 tháng để đào tạo. Người có kinh nghiệm lại càng khó thu hút hơn. Họ cần sự đảm bảo và công việc ổn định”, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, nói.

GS.TS Nguyễn Văn Đính thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam cung cấp thống kê cho thấy, nhân lực sẽ là vấn đề lớn với ngành du lịch sau đại dịch. Dù đây chỉ là cuộc điều tra chọn mẫu tại TP.HCM, ông Đính vẫn lo lắng về tình trạng thiếu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong ngành khi Việt Nam mở cửa, phục hồi du lịch.

Chuỗi cung dịch vụ du lịch cho khách quốc tế đang đứt gãy do nhiều hàng quán đóng cửa

Trong số lao động du lịch mất việc, 43,66% chuyển nghề là người có thâm niên 5 – 10 năm trong ngành. Con số này với lao động có thâm niên trên 10 năm là 23,56%. Số hướng dẫn viên chuyển nghề lên đến hơn 70%. Đáng nói, trong số này có rất nhiều người sử dụng được 2-3 ngoại ngữ. Bên cạnh vấn đề nhân sự, nhiều doanh nghiệp còn đối mặt tình trạng “trả nợ” những gói du lịch đã bán với giá khuyến mãi “dưới sàn” trong các đợt trước đây nhưng chưa thực hiện được do đại dịch. Điều này dẫn tình trạng “có khách để phục vụ nhưng không thực sự có doanh thu, lợi nhuận”. Việc “trả nợ” lại càng khó khăn hơn khi vật giá, chi phí nhân sự tăng cao.

Một khó khăn lớn khác là chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách quốc tế đang đứt gãy. Nhiều công ty chuyên mảng khách quốc tế (inbound) đang đau đầu tìm kiếm đối tác khi rất nhiều nhà hàng chuyên phục vụ khách quốc tế đã đóng cửa và chưa có dấu hiệu trở lại. Nhà hàng chuyên phục vụ khách quốc tế Yin & Yang (Ba Đình, Hà Nội) đã đóng cửa được hai và năm ông chủ Lê Trường Lâm vẫn chưa có ý định mở lại, dù khách quốc tế đã có thể đến Việt Nam. Ông cho rằng lượng khách quốc tế vẫn chưa ổn định, thậm chí khá thấp, trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng quá cao.  “Một bình ga 45 kg xưa có 800.000 đồng giờ tăng gấp đôi. Giá cả thực phẩm cũng tăng 20-30%. Lượng khách ít ỏi nên chắc chắn mở ra sẽ tồn hàng rất nhiều. Những nhà hàng chuyên khách inbound không có đủ lượng khách quen để sớm trở lại như các nhà hàng chuyên khách nội địa. Trong giới nhà hàng chuyên khách quốc tế tôi quen, gần như 100% sẽ không mở lại cho tới khi thị trường ổn định”, ông Lâm cho biết.

Khó tuyển dụng nhân sự sau đại dịch là vấn đề đau đầu nhất của các doanh nghiệp du lịch

Thực tế, cả nhà hàng, khách sạn hay công ty lữ hành đều đang “ôm” những khó khăn riêng. Trong cái bức tranh đầy phấn khởi của ngày du lịch Việt Nam trở lại, vẫn còn đó những chông gai chỉ người trong cuộc mới thấy.

Trở về đỉnh cao

Bài toán khó của ngành du lịch cần lời giải và cần những người làm du lịch giải quyết trong tương lai. Tuy nhiên, nỗ lực của riêng ngành du lịch là không đủ để phục hồi lại một ngành từng đóng góp trên 9,2% GDP cả nước.  Với 20 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, CEO Phạm Hà của Lux Group vẫn luôn tự hỏi liệu Việt Nam đã thực sự xem du lịch như một ngành kinh tế. Sự phiền hà trong chính sách visa khiến du khách quốc tế chưa thực sự mặn mà với việc trở lại Việt Nam.

Ngay đợt đón khách đầu tiên sau 15/3, khách quốc tế chỉ được miễn visa 15 ngày vào ra một lần. Sau khi kết hợp tham quan Campuchia và quay lại Việt tiếp tục du lịch Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), họ vẫn phải xin visa lần nữa vì họ chỉ được lưu trú 15 ngày tại Việt Nam và vào ra một lần cho diện miễn visa đơn phương. “Chính sách visa cho khách du lịch thể hiện sự coi trọng kinh tế du lịch và du khách. Chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón và muốn đến quốc gia đó. Chính sách visa chúng ta chậm một nhịp so với mở cửa du lịch ngày 15/3. Sau ngày đó, do cần hướng dẫn nên du khách không thuộc các 13 quốc gia miễn visa rất khó khăn lấy visa tại đại sứ quán. E-visa thì mẫu và giao diện không thân thiện mobile, chỉ mỗi tiếng Anh và Tiếng Việt, giao diện website không chuyên nghiệp, cũng khó lấy visa và trả tiền như Thái lan”, ông Phạm Hà nói.

Trong lần mở cửa lần này, Việt Nam có nhiều đối thủ khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia hay xa hơn là Hàn Quốc, Nhật Bản. Lượng khách du lịch chưa trở lại nhiều khiến “cuộc chiến” càng thêm khốc liệt.  Đón khách nước ngoài là đem tiền về cho kinh tế quốc gia. Việt Nam có lẽ chưa làm tốt điều này bởi khách đến tiêu tiền đôi khi còn “thừa mang về”. Dù thực tế, Việt Nam đang sở hữu rất nhiều tiềm năng để thu hút khách như thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và cả con người.

Trước năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng đều nhưng thiếu cân đối khi thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm tới gần 70%. Các thị trường lớn, sức chi cao như châu Âu, châu Mỹ hay châu Đại Dương còn khiêm tốn. So với Thái Lan, sức chi của khách khi đến Việt Nam cũng thua kém nhiều. Một khách quốc tế trung bình dành tới 9 ngày ở xứ Chùa Vàng và chi tiêu khoảng 1.600 USD. Trong năm đỉnh cao 2019, con số này ở Việt Nam là 8,1 ngày và 1.074 USD.

Việt Nam cần thay đổi để du lịch có khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng và thu hút dòng khách chịu chi cũng là điều phải hướng tới. “Du lịch Việt Nam đến năm 2025 mới quay trở lại nhịp phát triển như năm 2019. Tôi tin nếu chúng ta tháo các nút thắt, chính sách coi trọng du lịch, kinh tế thế giới khởi sắc, tình hình chính trị thế giới ổn định thì sự phục hồi có thể nhanh hơn”, ông Phạm Hà nhận xét.