Bài LINH BÙI
Qua nhiều thế hệ nối tiếp, người con gái Việt vẫn biết cách khiến mình xinh đẹp và tự tin, bằng chính những bí quyết dân gian thiết thực được truyền miệng từ các bà, các mẹ.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, có nhiều phương thức làm đẹp được sáng tạo, áp dụng và lưu truyền cho đến tận ngày nay, qua lối truyền miệng từ nhiều thế hệ phụ nữ. Đó là cách ghi lại lịch sử rất riêng của người Việt, không đặt nặng lý thuyết như y học Tây phương, không thâm cung bí sử như Trung Quốc hay Hàn Quốc, và lại càng không khắt khe lề thói như Nhật Bản. Phương cách làm đẹp của người Việt xưa nhìn chung khá cởi mở, dễ tiếp cận và chú trọng tính thực tiễn. Đa phần bí quyết làm đẹp của người Việt xuất phát từ các mẹo vặt dân gian, được các bà, các mẹ đúc kết và dạy lại cho con cháu của mình.
THÀNH PHẦN THIÊN NHIÊN TRONG CĂN BẾP
Bạn sẽ thấy rất hiếm khi những thảo dược quý giá đắt đỏ như linh chi, hồng sâm hay đông trùng hạ thảo xuất hiện trong công thức làm đẹp của phụ nữ Việt xưa. Ngược lại, bí đao, rau má, gừng, sả, nghệ, nha đam hay thậm chí là nước vo gạo, lại chính là nguyên liệu quan trọng tạo nên các bài thuốc làm đẹp hiệu quả. Người Việt không làm đẹp theo sách vở, mà làn da, mái tóc mềm mại đều “đi ra” từ những căn bếp nhỏ, mảnh vườn xinh của gia đình. Không đợi tới khi y học phương Tây chứng minh tính hiệu quả, người phụ nữ Việt bao đời nay vẫn luôn biết cách dùng bồ kết nấu nước để gội đầu, dùng tinh dầu bưởi để dưỡng tóc, dùng trà xanh làm giảm sưng viêm, hay rau má làm mát cơ thể. Bằng việc chú trọng vào những bữa cơm gia đình, người Việt kết hợp giữa dưỡng sinh và dưỡng nhan, tìm ra bí quyết để nuôi dưỡng vẻ đẹp từ chính những gì có sẵn trong ngôi nhà của mình.
Cũng vì đã thân quen từ lâu, nên những nguyên liệu tự nhiên, lành tính ấy vẫn được yêu thích cho đến tận ngày nay. Và chính thế hệ trẻ là những người đang tìm về cách thức làm đẹp dân gian. Điều này là minh chứng rõ rệt rằng từ quá khứ đến hiện đại, phụ nữ Việt luôn tin tưởng, và dành một tình yêu đặc biệt cho những nguyên liệu làm đẹp từ những gì gần gũi nhất trong cuộc sống.
NỐI DÀI QUÁ KHỨ
Văn hóa Việt không có một bộ quy chuẩn cụ thể dành cho vẻ đẹp của người phụ nữ. Chữ “Dung” trong Tứ Đức (Công – Dung – Ngôn Hạnh) luôn thay đổi theo thẩm mỹ của từng thời kỳ. Khi xưa, một người phụ nữ đẹp phải như cụ Nguyễn Du tả Thúy Vân: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Ngày nay, bằng việc hội nhập thế giới và đề cao tính nhân bản, khuôn mẫu của hình dáng không còn theo quy chuẩn cứng nhắc, sự đa dạng xứng đáng được tôn vinh.
Tuy nhiên, quy chuẩn có thể thay đổi nhưng cốt cách thì bất biến. Sâu trong tiềm thức, ta vẫn có những quan niệm về cái đẹp chuẩn mực. Dù ở giai đoạn nào, người Việt vẫn nói “nhất dáng, nhì da” hay “cái răng, cái tóc là góc con người”. Dường như những câu nói này không chỉ tồn tại như một xu hướng thoáng qua hay có thời hạn, mà len lỏi và đi sâu vào quan niệm về cái đẹp của người Việt. Không thể phủ nhận rằng, chuẩn mực làm sự tự tin “héo mòn”, nhưng đồng thời cũng được “sinh ra” để bác bỏ nó. Câu tục ngữ cốt chỉ vẻ đẹp của răng, tóc và đề cao tính tươm tất, gọn gàng chứ không áp đặt quy chuẩn về nhân dạng hoàn hảo lên người phụ nữ. Hẳn thế, nên tiêu chuẩn này được lưu truyền mãi đến các thế hệ sau. Cùng với đó, những “bí quyết làm đẹp gia truyền” cũng được gìn giữ, để điểm tô thêm vẻ đẹp vốn có của người con gái Việt Nam, nét duyên dáng, đằm thắm cùng sự nhẹ nhàng, mộc mạc.