Bài NHÀ NGHIÊN CỨU VŨ KIM LỘC
Ảnh TÁC GIẢ CUNG CẤP
Là biểu tượng của sự trường tồn, viên mãn và khát vọng, hoa cúc thường được biết đến với cái tên mỹ miều “Vương giả chi hoa” (loài hoa dành cho bậc vương giả). Không chỉ gắn kết mật thiết trong dòng chảy văn hóa – lịch sử, vẻ đẹp của hoa cúc còn được thể hiện qua trang sức, trang phục của triều đình xưa.
DẤU ẤN TRONG TRANG PHỤC
Trong văn hóa Á Đông, hoa cúc tượng trưng cho sự trường thọ và quyền quý. Cả thế giới thường biết đến Ngai vàng Hoa Cúc nổi tiếng của Nhật Bản. Đối với dân gian Việt Nam, hoa cúc tượng trưng cho sự đoàn viên, hạnh phúc và rất đỗi dung dị trong đời. Song, loài hoa này cũng là biểu tượng điểm tô cho sự cao sang của giới quý tộc Việt Nam thời xưa, từ những đóa hoa phối cùng mặt trời được phát hiện trên trống đồng Đông Sơn với niên đại hơn 2.000 năm, cho đến sự tiếp biến qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn.
Nối dài lịch sử Việt Nam, hình tượng hoa cúc nở tròn đều được khắc họa trên trống đồng qua các triều đại, như một minh chứng cho sự kế thừa, từ Đông Sơn đến triều Nguyễn (1802-1945). Đặc biệt, loài hoa này còn hiện thân trên các món đồ vương giả như ngai vàng, bảo kiếm, mũ miện, bia ký và kiến trúc.
Một trong những bảo vật quốc gia, bộ đĩa vàng hoa cúc của công chúa Thụy Minh thời Lý (1010- 1225) như “chứng nhân lịch sử” đầy lẫm liệt của thời đại phong kiến nước Đại Việt. Kiểu dáng của các đĩa được chế tác mềm mại, phỏng theo loài cúc vạn thọ với cánh to đầu tròn. Bộ đĩa có đề tài trang trí độc đáo với 3 đĩa chạm hoa lá, 2 đĩa khắc chim phượng, hoa lá. Hay bức tượng thời Lê Sơ (thế kỷ 15) thuộc dòng gốm Chu Đậu đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Bằng các chi tiết đặc trưng trên trang phục, các nhà nghiên cứu đánh giá đây là bức tượng nữ quý tộc, đáng quan tâm là có sự hiện diện của trang sức mang kiểu dáng hoa cúc, đại diện cho sự thanh cao và đức hạnh.
Biểu tượng hoa cúc còn được thể hiện qua bức phù điêu công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm (thế kỷ 16) được lưu giữ tại chùa Phổ Minh (Nam Định). Bức phù điêu thu hút bởi sự hiện diện dày đặc những bông cúc to tròn, được trang trí trên chiếc áo khoác của bà, tổng thể có tới 18 bông. Những bông hoa này đều mang đặc điểm của loài cúc vạn thọ, loại cánh to đầu hơi vuông, riêng hoa ở cổ chân lại mang đặc điểm của hoa cúc bất tử. Đặc biệt, tinh thần hoa cúc còn được thể hiện qua nút thắt trước ngực tựa như hai bông cúc vạn thọ cánh nhún.
HOA CÚC TRONG TRANG SỨC
Không chỉ được sử dụng để khẳng định địa vị xã hội hay như một biểu tượng vương quyền, vẻ đẹp của hoa cúc còn được thể hiện qua trang sức và vật dụng cá nhân của phụ nữ quý tộc bấy giờ.
Tiêu biểu phải kể đến chiếc trâm hoa cúc của phi tần chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), với phần cán bằng bạc, đầu trâm rất đỗi tinh tế, cùng hình ảnh chuồn chuồn đậu trên chùm hoa cúc. Hay những mẫu gấm hoa cúc (thế kỷ 17) được phát hiện trên mộ thôn Vân Cát, mộ Đại Tư đồ Nguyễn Bá Khanh, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng tỉnh Hưng Yên.
Hình ảnh hoa cúc còn hiện diện trên mũ miện triều Nguyễn, như đồ án “Lưỡng long chầu hoa cúc” trên mũ quan, “Song phượng chầu hoa cúc” trên mũ của hoàng hậu, mệnh phụ. Tại đó, số lượng hoa khẳng định địa vị của người đội. Vẻ quyền quý của hoa cúc còn thể hiện trên cúc cài áo nhật bình của nữ quý tộc triều Nguyễn. Cúc cài được làm bằng vàng, không chỉ mang tính thẩm mỹ cao, mà còn thể hiện đẳng cấp của người mặc, nhờ viên đá quý màu xanh lục được đính kết thành nhụy hoa.
Tựu chung, đóa hoa cúc nở tròn không chỉ là hình ảnh dung dị, gần gũi với nếp sống hiện đại, mà còn là biểu tượng văn hóa lâu đời trong tâm thức người Việt. Nếu trong dòng chảy lịch sử, vẻ đẹp của hoa cúc hiện diện qua trang sức, trang phục để thể hiện sự uy nghiêm, quyền quý của tầng lớp quý tộc xưa, thì ngày nay, hoa cúc lại được dâng lên bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên với lòng thành kính, quý trọng.