Hải BT
Mô hình bảo tàng thiên nhiên – văn hóa mở tại khu dự trữ sinh quyển là một hướng đi mới cho bảo tàng tại việt nam bởi nó không chỉ kéo người dân lại gần hơn với văn hóa, lịch sử của dân tộc mà còn giúp bảo tồn tài nguyên cũng như thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là khu DTSQ thứ 6 của Việt Nam được UNESCO công nhận. Bảo tàng thiên nhiên – Văn hóa mở ra đời góp phần phổ biến rộng rãi sự đa dạng sinh học cũng như đặc trưng văn hóa của 6 tộc người sinh sống tại khu DTSQ, góp phần tạo ra tiềm năng phát triển du lịch bền vững.
Sinh ra ở miền núi phía Tây Bắc, tôi sớm quen với những cảnh núi rừng trùng điệp, những nét văn hóa đặc trưng của người Thái, người H’Mông. Về sau, công việc nghiên cứu đòi hỏi tôi phải liên tục khám phá và dành nhiều thời gian ở những vùng đất mới, còn hoang sơ. Nhờ vậy, tôi biết đến Bảo tàng thiên nhiên – Văn hóa mở tại khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.
Đến đây nhân một ngày cuối năm, tôi có chút bất ngờ bởi diện mạo mới của tòa nhà Bảo tàng cũng như phòng trưng bày chỉ rộng vỏn vẹn vài trăm mét vuông. Cách trưng bày hiện đại, kết hợp sử dụng những vật liệu truyền thống khô cứng và ứng dụng đa phương tiện (multimedia) đã giúp lột tả mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời của con người với đất, nước, rừng. Sự lồng ghép giữa thiên nhiên và văn hóa như kể một câu chuyện từ ngàn đời xưa bỗng chốc khiến tôi có cảm giác như lạc vào giữa mênh mang xanh ngắt của núi rừng cùng trăm nghìn loài cỏ, cây, chim, thú. Rồi thấp thoáng đâu đó là những bộ váy áo sặc sỡ như những bông hoa e ấp của những thiếu nữ Thái, H’Mông và văng vẳng bên tai tiếng sáo du dương của chàng trai Ơ Đu. Khi đã đủ kích thích trí tưởng tượng và sự tò mò của khách, các thông tin tại bảo tàng sẽ tiếp tục hướng dẫn họ tìm đến đúng những không gian văn hóa mở bên ngoài.
Theo chỉ dẫn từ phòng trưng bày, tôi đến đập Phà Lài và thử thách bản thân mình bằng chiếc thuyền Kayak ngược dòng sông Giăng nằm uốn mình theo biên giới Việt Lào, chảy qua ba huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và được xem là mạch nguồn chính của Vườn quốc gia Pù Mát. Khởi hành từ đập Phà Lài, cùng sự hỗ trợ của những chàng trai dân tộc Thái chèo thuyền độc mộc, chúng tôi đi xuyên qua một vùng phong cảnh núi non hùng vĩ, với nhiều thác ghềnh, tạo cho tôi những cảm giác thử thách thót tim và đầy thích thú. Gần 6 tiếng vượt qua bao thác ghềnh lớn nhỏ, chúng tôi đã đến bản Cò Phạt (xã Môn Sơn), là một trong ba bản người Đan Lai ở sâu trong vùng lõi của vườn quốc gia Pù Mát. Người Đan Lai khá rụt rè, ngôn ngữ và tập tục của họ là sự pha trộn, vay mượn giữa tiếng Thái và tiếng Kinh. Trời cũng đã về chiều muộn, bên cạnh dòng sông trong vắt đang êm đềm chảy và tiếng ca của muôn loài chim đang gọi nhau về tổ, chúng tôi nhâm nhi ly rượu nồng và món cá sông nướng bên bếp lửa ở nhà trưởng bản. Tôi mê mẩn những câu chuyện về lịch sử của tộc người Đan Lai (vốn là gốc người Kinh) và đặc biệt là tư thế ngủ ngồi. Người Đan Lai trong quá khứ sống cuộc sống du cư, họ không biết xây nhà sàn nên thường chỉ là những túp lều nhỏ ẩn sâu trong rừng. Chính vì vậy, họ thường ngủ ngồi quanh bếp lửa, với một chiếc gậy chống vào cằm để không ngã vào ngọn lửa hồng cũng như dễ dàng đứng lên chạy thoát thân khi thú dữ đến “viếng thăm”.
Rời Cò Phạt, tôi lại xuôi dòng Giăng đến thăm Bản Nưa. Sau khi thầy mo làm lễ buộc chỉ cổ tay cầu sức khỏe, tôi đắm mình vào điệu xòe và những món ăn đậm phong vị người Thái Nghệ An. Nó khác xa với những gì tôi biết về văn hóa của người Thái ở Tây Bắc và khiến tôi cứ say sưa mãi khúc hát trữ tình cùng cảnh sắc nơi đây.