Năm 2023, Vietnam Airlines kỷ niệm 30 năm thành lập Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Nhưng lịch sử của Vietnam Airlines gắn liền với ngành Hàng không dân dụng Việt Nam từ rất lâu trước đó (1956) cũng như sự chuyển đổi từ quân sự sang dân sự, từ công nghệ Liên Xô (cũ) sang công nghệ phương Tây để rồi phát triển hội nhập quốc tế như ngày hôm nay. Cùng Heritage trò chuyện với Phó Tổng giám đốc, cơ trưởng, giáo viên bay Nguyễn Hồng Lĩnh, người có 40 năm gắn bó và đồng hành cùng sự phát triển của Vietnam Airlines.
Tiếp nhận công nghệ, hội nhập quốc tế
Là người “trẻ nhất” trong nhóm nhỏ phi công của đoàn bay 919 được cử đi học chuyển giao tiếp cận công nghệ phương Tây, ông Lĩnh được chứng kiến, trực tiếp tham gia thời kỳ chuyển đổi từ máy bay Liên Xô cũ sang các dòng máy bay công nghệ mới của phương Tây. Sự chuyển đổi này là bước ngoặt làm thay đổi toàn diện Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines, từ yêu cầu đổi mới về quản trị doanh nghiệp đến quy trình vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn bay… chuẩn hoá theo thông lệ hàng không quốc tế. Với “kho” kiến thức lĩnh hội được trong thời gian đào tạo ở nước ngoài về kỹ thuật, kinh tế hàng không cùng với kinh nghiệm 2 năm làm việc cho hãng hàng không danh tiếng Air France, Nguyễn Hồng Lĩnh đã được tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng các quy chế khai thác, quy chế đào tạo cũng như Bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Hãng và sau này phát triển thành quy chế chung của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, đội bay của Vietnam Airlines đã phát triển vượt bậc về quy mô, đặt ra yêu cầu phải có năng lực làm chủ công nghệ tàu bay mới. Dấu mốc quan trọng là năm 2015, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương; là hãng thứ hai trên thế giới đồng thời tiếp nhận, đưa vào khai thác an toàn hai dòng máy bay thế hệ mới Airbus A350 và Boeing 787; góp phần quan trọng đưa Hãng vươn lên trở thành hãng hàng không quốc tế 4 sao đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Từ chỗ phụ thuộc vào phi công nước ngoài, đến nay, tỷ lệ phi công người Việt của Đoàn bay 919 đã đạt gần 80% với 100% phi công hoàn toàn có khả năng làm chủ các loại tàu bay mới, hiện đại, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Thành tích đó có dấu ấn không nhỏ của cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh trong vai trò Đoàn trưởng, giáo viên bay Đoàn bay 919 và sau này được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực Khai thác của Vietnam Airlines.
Những chuyến bay đi vào lịch sử
Bề dày 40 năm gắn bó với những cánh bay, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh có vô vàn kỷ niệm, đặc biệt hàng trăm chuyến chuyên cơ phục vụ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước mà ông được tín nhiệm giao lái chính để đại diện cho hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ đối tác với bạn bè 5 châu.
Có những chuyến bay đầy cam go, đòi hỏi người chỉ huy phải mưu trí, quả cảm như chuyến bay sơ tán lao động Việt Nam khỏi vùng chiến sự Lybia, sơ tán người Việt Nam sau thảm hoạ sóng thần, động đất tại Nhật Bản năm 2011 và nhiều chuyến bay phục vụ thực hiện nhiệm vụ dự bị an ninh quốc phòng. “Đó là những chuyến bay mang sứ mệnh phụng sự của hành trình tự hào, góp phần làm dày thêm truyền thống vẻ vang của Vietnam Airlines” – Ông Lĩnh xúc động kể lại.
Ông bồi hồi nhắc lại một thời kỳ cam go của Vietnam Airlines khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Với vai trò là Phó Tổng giám đốc phụ trách khai thác, ông Lĩnh đã trực tiếp tham gia điều hành ổn định hoạt động khai thác bay, đảm bảo nguồn lực cũng như an toàn cho đội ngũ phi công, tiếp viên và các đơn vị tuyến đầu. Các chuyến bay cất cánh, hạ cánh bình an trong thời gian xáo động đó, mang lại ý nghĩa của sự kết nối dù vô cùng khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử.
Tre già, măng mọc
40 năm trước, từ một phi công trẻ tuổi vừa tốt nghiệp khoá học kỹ thuật, kinh tế hàng không ở Liên Xô về nước được xếp vào danh sách gồm 5 học viên sang phục vụ ngành hàng không dân dụng, Nguyễn Hồng Lĩnh được đích thân chỉ huy gọi lên gặp và nhắn nhủ: “Các đồng chí là lứa cán bộ nguồn đầu tiên được Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam xin về để xây dựng ngành, phải có ý thức rèn luyện, cống hiến cho xứng đáng với niềm tin được trao gửi”. Hành trình 40 năm vinh dự và tự hào của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Lĩnh – người lãnh đạo đầy bản lĩnh, có tâm, có tầm, quyết đoán, sáng tạo bắt nguồn từ ngày đó.
Tháng 6 này, “sư trưởng” Nguyễn Hồng Lĩnh (biệt danh thân mật mà anh em phi công dành cho người giáo viên của hầu hết các giáo viên bay hiện nay) sẽ ngừng đảm nhiệm chức vụ quản lý ở Vietnam Airlines theo qui định, nhưng niềm đam mê gắn bó với bầu trời của ông vẫn còn tiếp tục cho đến khi chính thức hết tuổi bay. Với cương vị là người thầy, cấp trên và đồng nghiệp của các phi công, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh muốn lan toả đến thế hệ phi công trẻ Vietnam Airlines tính kỷ luật, tinh thần học tập và trách nhiệm xây dựng giá trị cốt lõi của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam để luôn duy trì tiêu chuẩn an toàn bay cao nhất với chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao.