Lan Vy

Cách đây hơn 3 năm, trên chuyến bay đón Trung Thu của Vietnam Airlines, hành khách khá bất ngờ khi được nhận quà tặng là những món đồ thủ công xinh xắn như cuốn sổ tay, tấm thiệp, hay những con thú nhồi bông, túi vải độc đáo.

Hành khách nhận quà tặng trên chuyến bay đón Trung thu của Vietnam Airlines

Xúc động và đáng trân trọng hơn khi được biết đó là những sản phẩm được chế tác bởi những người khuyết tật, với rất nhiều nghị lực đã vượt qua khiếm khuyết của bản thân để đóng góp cho xã hội những sản phẩm tinh tế và đầy sáng tạo. Kymviet Space và Vụn Art là hai trong số nhiều doanh nghiệp xã hội làm cầu nối cho những sản phẩm của người khuyết tật đến với cộng đồng. Hai tên tuổi này đã gặt hái những thành công nhất định và được giới thiệu trên mạng lưới NICE (Network of Initiatives for Community Empowerment) – mạng lưới hỗ trợ các dự án vì cộng đồng phát triển một cách bài bản, xuyên suốt với hi vọng sẽ đem lại tương lai tốt đẹp hơn cho những người kém may mắn trong xã hội.

Tranh Đông Hồ ghép từ vải vụn

Kymviet Space – địa chỉ xanh nhiều hứa hẹn!

Với kim chỉ nam “mỗi chúng ta là một mảnh ghép số phận mang cá tính, sứ mệnh, sự khiếm khuyết khác nhau cùng góp mặt trong bức tranh xã hội lớn lao”, Kymviet Space là một trong những không gian hội tụ và kết nối những mảnh ghép cá nhân khác nhau để cùng tạo giá trị, cùng lan tỏa.

Bản thân là một người khuyết tật, ông Việt Hoài – chủ tịch Kym Việt từng tự vượt qua các định kiến xã hội để lập nghiệp nên ông luôn cảm thông và muốn chia sẻ với những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Ông nói: “Trong các hoạt động của Kym Việt, bên cạnh nỗ lực kinh doanh, tạo thu nhập cho người lao động, chúng tôi còn muốn chứng minh rằng, người khuyết tật cũng có khả năng lao động và khát vọng lao động, khát vọng cống hiến cho xã hội bằng những sản phẩm, dịch vụ được xã hội chấp nhận. Việt Nam có hàng triệu người khuyết tật, nếu cộng đồng này cùng có tâm thái tự tin, được tạo điều kiện để vươn lên, sống và làm việc có ích thì đóng góp được rất nhiều cho cộng đồng”.

Túi tote Vụn Art

Từ năm 2017, Kym Việt mở ra một không gian giáo dục trải nghiệm, bên cạnh việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm decor, quà tặng lưu niệm, sản phẩm ứng dụng. Các học sinh, sinh viên, các khách du lịch… cùng làm sản phẩm lưu niệm, giao lưu để hiểu hơn về cuộc sống của những người khuyết tật đang làm việc tại đây. Mô hình giáo dục trải nghiệm này được kỳ vọng sẽ lan tỏa những câu chuyện hay về người khuyết tật, thúc đẩy các nỗ lực giúp đỡ người khuyết tật vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Vụn Art, thổi hồn văn hoá vào tác phẩm thủ công.

Là một người khuyết tật và đã có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng người khuyết tật, anh Lê Việt Cường luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng mô hình đào tạo nghề, tạo việc làm trực tiếp cho người khuyết tật để giúp họ tự chủ trong cuộc sống. Từ trăn trở đó, anh đã sáng lập ra Vụn Art. Tại đây, người khuyết tật sẽ được đào tạo nghề và nhận vào làm việc sau khi hoàn thành khóa học.

Sản phẩm của Kym Việt trên chuyến bay của Vietnam Airlines

Với sản phẩm chính là tranh ghép từ vải vụn, Vụn Art giới thiệu các dòng tranh dân gian Việt Nam như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng (Vân Canh- Hà Nội), Làng Sinh (Thừa Thiên Huế) trên chất liệu mới là lụa Vạn Phúc. Bên cạnh đó, Vụn Art cũng tạo một không gian cho khách du lịch có thể tự tay làm ra các món quà lưu niệm khi đến thăm quan làng Lụa Vạn Phúc. Để đa dạng hóa sản phẩm, năm 2019, Vụn Art phát triển thêm các sản phẩm như: Túi tote, ví vải, áo phông, áo dài ghép lụa Vạn Phúc.

Ngoài tạo ra việc làm cho người khuyết tật, Vụn Art còn góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống cũng như bảo vệ môi trường từ việc tái sử dụng các nguyên vật liệu thừa. Vụn Art đã được UNESCO Việt Nam và UBND TP. Hà Nội đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững vào năm 2019.