TỬ YẾNG LƯƠNG HOÀI TRỌNG TÍNH

Váy đụp và quần lụa bạch không chỉ là trang phục, chúng đã trở thành những biểu tượng cho sự đổi mới trong tư duy và thẩm mỹ của người phụ nữ Việt Nam.

Một người phụ nữ ở miền quê Bắc bộ

“Tháng Tám có chiếu vua ra Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải lột quần chồng sao đang!

Có quần ra quán bán hàng

Không quần ra đứng đầu làng trông quan”

Đó là câu truyền miệng dân gian vào thời Nguyễn (1802 – 1945), giai đoạn chiếc váy đụp gắn liền với đời sống của người phụ nữ Việt Nam bị triều đình cấm đoán bởi vua cho rằng đây là kiểu y phục không phù hợp với thuần phong mỹ tục lúc bấy giờ. Trải qua nhiều giai đoạn cải cách và biến đổi của lịch sử, áo tứ thân và váy đụp trở thành biểu tượng đặc trưng của phụ nữ làng quê Bắc bộ ở thế kỷ 19-20.

Bộ 4 giai nhân Hà Thành trong những bộ áo dài, với phần quần lụa trắng tân thời

Do nhiều nét cắt lịch sử trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, nên phong cách ăn mặc của phụ nữ miền Bắc chủ yếu là váy đụp kiểu truyền thống, còn miền Trung và Nam lại là quần hai ống. Đến khi đất nước về chung một cõi, những phép tắc ăn mặc cũng được triều đình thống nhất. Sau nhiều quyết định cải cách y phục, việc bắt buộc phụ nữ phải mặc quần của triều Nguyễn cũng chỉ ảnh hưởng phần nào đến giới quyền quý và gia đình quan lại, hoặc những người theo lối nhà quan, còn đa phần phụ nữ vẫn giữ lối vận váy, áo tứ thân.

So với màu đen trên y phục, hay chiếc quần đen của phụ nữ gia đình quan lại, váy đụp đen lại thông dụng với nhiều tầng lớp phụ nữ Bắc Kỳ hơn. Nét ăn mặc riêng được xem như đặc tính của vùng miền và địa phương, vì thế việc thay đổi của triều đình vẫn chưa tác động lên được ý thức cố cựu.

Song, phong trào hiện đại và phát triển vào đầu thế kỷ thứ 20 đã phá vỡ những quan niệm in sâu vào nếp sống của người dân, cũng như phong tục tập quán lâu đời. Váy đụp đen, một biểu tượng của phụ nữ miền Bắc, đã mạnh dạn thay đổi, để tạo nên sức sống mới, việc này được khẳng định trên Hà Thành ngọ báo (1933): “Hồi trước đàn bà xứ Bắc tuyệt nhiên không một người nào mặc quần trắng. Khoảng từ năm 1930 trở đi chỉ có những “me tây” bạo dạn bắt đầu mặc quần trắng. Những con nhà tử tế có gia giáo không bao giờ lấy Tây dù là Tây giàu có, Tây tri thức sang trọng, vì thế mặc quần trắng hồi ấy là tự tố cáo “làm nghề” lấy Tây, phần nhiều là Tây lính, dân chúng quen gọi là lính tẩy, danh từ Tây là nói những người châu Âu, nhưng kỳ thực chỉ là người Pháp”. Như vậy đủ thấy, vào giai đoạn đầu, việc phụ nữ miền Bắc diện quần trắng được xem là một việc bạo dạn chưa từng có, vì vốn dĩ, váy của người phụ nữ hoặc quần hai ống cũng lấy các tông màu đen, chàm hay nâu làm chủ đạo. Trong thời kỳ cách tân này, không tránh khỏi những nghị luận của xã hội về váy đụp và quần trắng, hai phạm trù tưởng chừng tương đương, nhưng lại là sự đối đầu giữa ý thức cũ và mới.

Một người phụ nữ thuộc tầng lớp cao trong xã hội cổ truyền

“Nghề lấy tây” hay “me Tây” là những danh từ nặng nề cho những người phụ nữ dám mặc quần trắng lúc bấy giờ. Trên tờ Nông Công thương nhật báo (1931) đăng bài viết “Có choảng cũng hơn”, đại ý nói về việc các cô gái miền Bắc ăn vận quần trắng như một mốt thời trang không hợp lệ, nhận nhiều gạch đá của dư luận và tác giả:

“Ừ mà! Có choảng cũng có hơn chứ.

Đả đảo quần trắng áo lam chi mốt!”

Kể từ giai đoạn hậu thế chiến thứ nhất, phong trào cách tân trong sinh hoạt có nhiều ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là chốn thị thành, đỉnh điểm cao trào là thập niên 1930, khi nữ giới miền Bắc từ bỏ váy đụp đen, chuyển dần sang quần trắng để thanh lịch hơn.

Khái niệm quần lụa bạch cũng dần xuất hiện tại miền Bắc, những cô gái con nhà trâm anh là những tầng lớp sớm chịu ảnh hưởng của lối ăn vận tân thời hơn ai hết, việc phục sức được coi trọng hơn để thể hiện tính cách và sự danh giá của một cô “tiểu thư”. Mặc dù dư luận thủ cựu có phần phản ảnh và đối kháng, nhưng phong trào “đổi váy đụp sang quần trắng” vẫn tiếp diễn đến những năm 1935-1946, khi chiếc áo dài cách tân của họa sĩ Cát Tường ra đời, chiếc áo Lemur đã ảnh hưởng đến tư duy của bao nhiêu thiếu nữ thị thành và đánh hồi chuông vang vọng cho phong trào cách tân y phục nói chung và từ bỏ váy đụp nói riêng.

Dù chuyển sang mặc quần, trang phục của phụ nữ Việt Nam thường tối màu để giữ vẻ kín đáo

Cuộc thi quần áo phụ nữ ở hội chợ tơ lụa Hà Đông vào năm 1935 với giải nhất “Đẹp nhất (theo điểm của hội đồng chấm thi) là áo cô Lý: áo đen quần trắng” (Hà Thành ngọ báo) đủ thấy ảnh hưởng của chiếc quần trắng, bên cạnh ngòi viết phản đối, thì giới chuyên môn, những người có tư tưởng tân tiến bấy giờ xem việc thay đổi là sự hiển nhiên để tôn lên nét đẹp người phụ nữ. Từ đây, ta có thể thấy, quần lụa bạch đã được sử dụng, thời kỳ này được xem là minh chứng cho sự chuyển tiếp từ váy đụp đen sang quần trắng tại miền Bắc. Hầu như trong nửa đầu thế kỷ 20 là sự chuyển giao giữa các phong cách cũ và mới, quần lụa bạch xuất hiện và dần có chỗ đứng trong tủ đồ của các cô thiếu nữ tân thời, còn váy đụp thì vẫn được gìn giữ tại nông thôn, nơi mà phong trào cải cách chưa “đuổi” tới và đời sống kinh tế vẫn còn ì ạch. Đến nửa sau thế kỷ 20, phong trào cách tân áo dài càng mạnh dạn hơn, những kiểu thức quần áo mới dần thay đổi, chiếc váy đụp dần mất đi và quần trắng càng lúc được chấp nhận rộng rãi.

Từ váy đụp đến quần lụa bạch, một dòng lịch sử khắc họa quá trình thay đổi cả về ăn mặc lẫn quan điểm sống, từ đó, mang đến một góc nhìn khác về thẩm mỹ, lối cách tân, sự hòa nhập và phát triển của trang phục truyền thống Việt Nam.