Bài: Thắm Đỗ
Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải
Điềm Phùng Thị (tên thật là Phùng Thị Cúc (1920-2002) là một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới, từng được ghi danh trong “Từ điển Larousse: Nghệ thuật thế kỷ 20”. Bà là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu, đã từng sống gần 50 năm tại Pháp.
Điềm Phùng Thị đến với nghệ thuật điêu khắc như một duyên mệnh. Tác phẩm của bà mang hơi thở, tiếng nói riêng cực kỳ đặc biệt và đơn nhất, không thể lẫn lộn với bất cứ nghệ sĩ nào khác trên thế giới. Tượng của Điềm Phùng Thị là sự biến hóa linh hoạt của 7 module hình học. Từ hình người chấp tay, thêm vào mấy module thành một ông quan, xoay qua xoay lại thành người phụ nữ, lật ngược, lật xuôi thành bông hoa… Với 7 mẫu tự độc đáo đó, Điềm Phùng Thị đã lắp ghép, đã biến hóa thành muôn vàn hình tượng. Thế giới nghệ thuật của bà đậm đặc phong vị và triết lý phương Đông. Năm 1994, ở tuổi 81, bà hiến tặng toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho Huế với 175 tác phẩm.
Từ hơn 20 năm qua, các tác phẩm của Điềm Phùng Thị được giới thiệu trong khu trưng bày riêng tại Huế. Hiện nay không gian trưng bày hơn 300 tác phẩm, và gần 500 hiện vật. Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị là một trong ba không gian trưng bày nghệ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, nằm trên trục không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế (17 Lê Lợi), tạo điều kiện cho công chúng tham quan, thưởng lãm.