Cao Trung Vinh

Trò Lục Hồn Nhung

Làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) còn lưu giữ trò diễn dân gian được coi là bí ẩn, kì lạ bậc nhất Việt Nam: trò Xuân Phả. “Trò” là cách gọi trong dân gian, thực tế, đó là các điệu múa hát độc đáo, không giống các điệu múa hát thông thường.

Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Truyền thuyết được lưu truyền ở làng Xuân Phả kể lại rằng: Vào thế kỷ 9, khi đất nước có giặc ngoại xâm, vua Đinh Tiên Hoàng sai sứ giả đi tìm người tài giúp vua dẹp giặc. Sứ giả đi dọc theo dòng sông Lường (sông Chu), gặp giông tố, ông phải trú lại trong Nghè Xuân Phả. Khi trời tối, ông đã khẩn cầu Thần hoàng làng Xuân Phả là Đại Long vương. Đêm ấy, vua được Thần hoàng làng báo mộng cách đánh giặc. Vua theo kế ấy, quả nhiên chiến thắng. Để báo đáp công ơn, nhà vua tổ chức lễ hội ăn mừng tại miếu thờ và phong cho Thần hoàng làng Xuân Phả là Thượng thượng đẳng phúc thần tối linh đại vương, còn gọi là Đại Hải Long Vương hay Hoàng lang tướng quân.

Trò Chiêm Thành

Trong ngày hội mừng chiến thắng, các nước lân bang đem lễ vật và điệu múa đặc sắc của nước họ đến để chúc mừng nhà vua đất Việt: Ai Lao (nước Lào), Ngô Quốc (bộ tộc của đảo Hải Nam Trung Quốc), Hòa Lan (một bộ tộc Cao Ly ở Triều Tiên), Chiêm Thành (Chămpa ở phía Nam), Lục Hồn Nhung (bộ tộc Lục Hồn ở phía Bắc). Từ đó, vua ban cho nhân dân làng Xuân Phả 5 điệu múa của năm nước trên, gọi là Ngũ Quốc Lân Bang đồ tiến cống.

Từ xưa, trò Xuân Phả không chỉ nổi tiếng xứ Thanh mà còn lan tận ra nước ngoài. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, trò Xuân Phả đã được mời đi trình diễn ở nhiều nơi, kể cả biểu diễn ở kinh thành Huế. Các trò diễn được nhân dân làng Xuân Phả lưu giữ và truyền đến ngày nay, trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo.

Vào dịp lễ hội làng Xuân Phả hàng năm (ngày mùng 9 và 10 tháng Hai âm lịch), ngoài việc tế Thành hoàng làng thì trình diễn hệ thống trò Xuân Phả như một nghi lễ không thể thiếu. Trò Xuân Phả được trình diễn theo một hệ thống và những quy định chặt chẽ:

Trò Hoa Lang

Trò Hòa Lan (còn gọi trò Hoa Lang) mô phỏng việc nước Hòa Lan đến tiến cống vua Đại Việt. Đi đầu là con kỳ lân, thực ra là giống con thủy quái ở biển, múa sát đất như bơi lội. Có cảnh cô gái Việt ra đón tiếp đoàn Hoa Lang đầu đội mũ kê-pi cao, ngậm mặt nạ mũi thẳng. Kết thúc trò là điệu bơi chèo.

Nhân vật Ông Cố trong trò Lục Hồn Nhung

Trò Lục Hồn Nhung (còn gọi là điệu Tú Huần) lại mô phỏng tộc người Tú Huần đến tiến cống vua Đại Việt. Điệu múa bắt đầu từ ông cố già nua và một bà mẹ già sống sót sau cuộc diệt chủng nào đó. Nghe tiếng hú của mẹ, đàn con bên trong nhảy ra mỗi bên 5 người. Tất cả đều đội mũ tre, đeo mặt nạ có chấm như bị bệnh đậu mùa, có số răng từ một chiếc đến năm chiếc. Mười con xếp hai hàng, tiến lùi theo mẹ, mỗi lần nhảy lại hú lên, khi hát thì xoạc chân chèo, và gõ phách theo nhịp múa.

Trò Lục Hồn Nhung

Trò Chiêm Thành mô phỏng việc nước Chiêm Thành đến tiến cống vua Đại Việt. Đoàn quân đeo mặt nạ gỗ kỳ dị đi theo ông Chúa, bà Nàng nhảy múa những điệu kì lạ. Điệu nhảy khi đứng, khi quỳ, các tư thế chuyển nhanh và mạnh như các thế võ; các thế tay vặn ngược không khác gì các tư thế trong các tượng Chàm cổ xưa.

Trò Ai Lao mô phỏng việc nước Ai Lao sang tiến cống vua Đại Việt. Đi đầu là voi và hổ múa cùng những người thợ săn. Vua Ai Lao già yếu, chân tay run lẩy bẩy, đầu lắc lư, bước đi khó nhọc nên có người theo sau đấm lưng. Mười quân múa thành hai hàng với những điệu mô phỏng việc săn bắn hái lượm rất uyển chuyển.

Trò Hoa Lang
Trò Hoa Lang

trò Ngô Quốc, đoàn người biểu diễn mang sắc phục và hình tượng người Tàu sang dự lễ hội tại kinh đô Đại Việt. Đoàn gồm ông Chúa Tàu, hai nàng tiên, bà Nàng, thầy địa lý, thầy lang, người bán kẹo và 10 quân. Khi trống nổi lên, đoàn người tiến vào trình diễn mô phỏng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra còn có màn biểu diễn thể hiện uy danh bằng đao, mã la của chúa Tàu.

Trò Xuân Phả quy tụ nhiều loại hình nghệ thuật như múa hát âm nhạc, trang phục nghệ thuật biểu diễn, truyền tải tích trò. Điểm nổi bật là các điệu múa đều có quy định chặt chẽ, sử dụng nhiều động tác như múa tay, múa chân, múa có đạo cụ, các động tác giật vai, lắc đầu, múa toàn thân… rất uyển chuyển.

Trong năm trò diễn, mỗi trò có một đặc trưng riêng. Không chỉ khác nhau về điệu múa mà các nghệ nhân còn sử dụng màu sắc trang phục, mặt nạ, mũ, râu tóc để thể hiện nét đặc trưng chủng tộc. Riêng ba trò Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần có mặt nạ. Đặc biệt, trong trò Chiêm Thành và Hoa Lang người múa không đeo mà ngậm mặt nạ nửa mặt. Phía sau mặt nạ có một chốt gỗ để ngậm vào miệng, giữ cho mặt nạ không rơi. Các trò Tú Huần, Hoa Lang và Ngô Quốc lại có bài hát. Còn hai trò Hoa Lang và Ngô Quốc có cảnh cô gái Việt ra tiếp đón đoàn nước lân bang đến chúc mừng.

Trò Xuân Phả là một di sản văn hóa đặc biệt có giá trị, đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân làng Xuân Phả nói riêng và cộng đồng cư dân vùng đất Thanh Hóa nói chung. Mỗi dịp lễ hội, có tới hàng nghìn người đến tham dự, xem trò. Sức sống của di sản này được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện được bản sắc văn hóa, tinh thần của người dân làng Xuân Phả trong suốt tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển của mình.