Trúc Lâm
Rải rác giữa núi rừng là các bản người Dao, Nùng, Mông… nằm yên ả với các mảnh ruộng và khu vườn xanh mướt bao bọc
Chắc có ai đó sẽ hỏi rằng, vậy cuối cùng chúng ta lên đây để làm gì? Câu trả lời là để sống thật chậm lại, chỉ vậy thôi.
Cũng thuộc địa phận tỉnh Hà Giang nhưng Hoàng Su Phì lại thật khác những gì người ta thường thấy ở Mèo Vạc, Đồng Văn. Không còn nữa những dải núi đá trùng điệp, khô cằn như cao nguyên đá, địa hình ở đây mềm mại hơn, chủ yếu là núi đất, cộng thêm dòng sông Chảy uốn khúc tưới nước cho những khoảnh ruộng màu mỡ nên Hoàng Su Phì còn được mệnh danh là nơi lý tưởng để ngắm lúa trên cao nguyên. Từ bao lâu nay, miền đất đẹp và tĩnh lặng này có phần thiệt thòi bởi du khách dường như đã có một hành trình quen thuộc khi thăm Hà Giang, đó là thường chỉ chạy từ thủ phủ Hà Giang lên Quản Bạ, qua Yên Minh rồi tới Mèo Vạc, Đồng Văn chứ ít ai chịu rẽ trái ở ngã ba Bắc Quang để tới Hoàng Su Phì. Vậy mà nơi đây có những thửa ruộng bậc thang tuy quy mô không lớn như ở Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng cũng đủ đẹp mê hồn du khách, nhất là vào mùa lúa chín hay mùa đổ nước. Có lẽ chính bởi địa hình khá hiểm trở, đường giao thông kém thuận tiện nên những địa danh Bản Luốc, Hồ Thầu… cho tới nay có phần xa lạ với lữ khách phương xa.
Nhưng đã lên rồi thì không thể không ngỡ ngàng trước cảnh sắc đẹp như tranh vẽ nơi này. Rải rác giữa núi rừng là các bản người Dao, Nùng, Mông… nằm yên ả với các mảnh ruộng và khu vườn xanh mướt bao bọc. Ở đây rất ít gặp dấu tích của đời sống đô thị, bởi vậy hành trình sống chậm của những ai muốn tạm xa phố phường càng thêm phần thi vị. Hình thái du lịch phổ biến nhất ở đây là homestay và đi trekking, đây là sản phẩm được đúc rút sau quá trình hỗ trợ của Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn (Center of Rural Economy Development – CRED) thực hiện tại Hoàng Su Phì. Hiểu rất rõ những gì mà du khách thật sự cần khi tìm lên miền núi, các hộ dân ở đây đã chung tay xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đậm đặc bản sắc văn hóa vùng miền. Đặc biệt mô hình này loại trừ các yếu tố có thể làm hỏng sản phẩm du lịch thuần khiết, mà điều đầu tiên chính là giữ được những nếp nhà sàn và trang phục truyền thống.
Dù vậy, dưới mái nhà sàn là những chiếc giường có chăn đệm thổ cẩm sạch sẽ thơm mùi nắng, có khu vệ sinh đạt tiêu chuẩn nằm tách ra khỏi nhà chính, chỉ vậy thôi, còn mọi thứ được cố gắng giữ nguyên vẹn như thời xưa để lại. Những chiếc bếp củi có dàn ngô vàng rực trên giá, những bậc cầu thang gỗ lên nước nâu bóng bởi đã chào đón hàng nghìn, hàng vạn bàn chân bước lên, rồi các vật dụng đi nương cũ kỹ nhưng mang hồn vía của dân tộc… tất cả đều góp phần tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Không có Internet, điện lúc có lúc không, nhưng những điều đó không làm vị khách nào phiền lòng, bởi họ hiểu rõ ở đâu đó sâu trong núi còn có những nơi khó khăn hơn nhiều. Chủ nhà tuy còn gặp khó khăn trong giao tiếp với khách bằng tiếng Anh nhưng cũng đã trải qua các khóa đào tạo về nấu ăn và quy tắc phục vụ khách du lịch. Bởi vậy rất thú vị với các vị khách đến từ phương xa khi được ngắm nhìn những người phụ nữ trong trang phục truyền thống pha trà, nấu nướng các món ăn bản xứ và khi vui lên, họ sẽ bước ra sân khấu tự tạo ngoài rìa bản để chào đón khách bằng vài bài hát, điệu múa thân tình.
Chắc có ai đó sẽ hỏi rằng, vậy cuối cùng chúng ta lên đây để làm gì? Câu trả lời là để sống thật chậm lại, chỉ vậy thôi. Thong thả ngồi uống trà ở hàng hiên gỗ ngắm nhìn núi rừng xung quanh, thả bộ đi theo người dân ra vườn chè, đi thăm những gốc chè Shan cổ thụ, rồi thả hồn theo đường nét uốn lượn của những khoảnh ruộng bậc thang, chỉ vậy thôi mà cũng đủ cung bậc cảm xúc lắm rồi. Hoàng Su Phì là như vậy đấy, thoạt nhìn bình lặng nhưng càng ở lâu càng thấy ngấm chất men say cuộc sống, cũng như hương lúa thoảng trong không gian rất dễ quyến rũ tâm hồn.