Bài: MINH NHẬT

Bài viết này hy vọng sẽ giúp độc giả giải quyết “câu hỏi sáo rỗng” (theo báo The Guardian): “Liệu thời trang có phải một hình thái nghệ thuật?”

SỰ ĐAU ĐÁU THƯỜNG TRỰC

Thierry Mugler Haute Couture mùa Xuân 1997

Ngày 14/7/2022, kênh YouTube SHOWstudio (Nền tảng giao tiếp trực tuyến về thời trang) giới thiệu tới người xem một cuộc thảo luận, được phát trực tiếp với chủ đề vô cùng thách thức: “Haute Couture (thời trang cao cấp) có phải một môn nghệ thuật chết, trong bàn tay của công nghiệp giải trí?”. Một trong các khách mời, người xướng giá Kerry Taylor đã bày tỏ quan điểm rằng bản thân mình rất cổ hủ: “Điều khiến tôi không thể hiểu chính là hiện tại, Haute Couture không khác gì ready-to-wear (thời trang ứng dụng) với mức giá cắt cổ. Cristóbal Balenciaga chắc hẳn sẽ phát điên nếu biết các Couturier (nghệ nhân may đo) của năm 2022 đang làm quần jeans. Tôi là một người cổ hủ và tôi muốn Haute Couture phải thật sự Haute (cao cấp)”.

Look (bộ đồ trên sàn diễn) số 18 trong bộ sưu tập (BST) Jean Paul Gaultier Haute Couture mùa của Xuân 2022 là một chiếc corset được làm từ hàng trăm dải ruy băng mặc cùng chân váy denim dài chạm gót, tất cả đã được bán với mức giá hơn 22 tỷ đồng cho một vị khách Trung Quốc giấu tên. Điều gì sẽ xảy ra nếu Gaultier quyết định đơn giản hóa chi tiết, và khiến Look 18 trở nên dễ tiếp cận hơn với thị trường? Mặt khác, không cần tới 22 tỷ, khi nhìn vào thiết kế này, số đông đã ít nhiều có cho bản thân một ý tưởng, điều bạn không bao giờ có thể hình dung nếu nhìn vào Haute Couture của những năm 90 và thậm chí đầu những năm 2000.

Helmut Newton chụp hình chiến dịch quảng bá cho Thierry Mugler, 1995

CÂU TRẢ LỜI TỪ QUÁ KHỨ

Không một ai dám tái tạo những gì Thierry Mugler đã làm trong mùa Thu 1995-1996. Nhà mốt này đã hợp tác cùng nghệ sĩ điêu khắc Jean Jacques Urcun để hiện thực hóa catsuit (bộ đồ liền thân một mảnh) đúc bằng thủy tinh và kim loại. Sáng tạo chất liệu lấy cảm hứng từ côn trùng cho tới rạp xiếc, tình dục và cả động cơ đốt trong. Haute Couture của thời kỳ này, bỏ xa ready-to-wear mặc dù cả hai khái niệm đều thuộc về ngành hàng xa xỉ. Có lẽ mối liên kết giữa thời trang và nghệ thuật đã dừng lại khi chúng ta bước vào kỷ nguyên 2010, với gánh nặng doanh thu, ngành công nghiệp giải trí, nhu cầu mặc hiện đại và văn hóa đường phố. Tuy vậy, lật ngược lại vấn đề, thời trang vẫn tồn tại những nhà mốt như Schiaparelli và những giám đốc sáng tạo như Daniel Roseberry.

Về quý bà Elsa Schiaparelli, đây là người tiên phong nhất trong số những thợ may nổi tiếng của thế kỷ 20. Mặc dù không được đào tạo để trở thành một chuyên gia về Couture, Elsa đã tự tạo ra chỗ đứng cho mình như một phần không thể thiếu của lực lượng sáng tạo theo đuổi chủ nghĩa Hiện đại (Modernism) và Siêu thực (Surrealism) ngay tại thủ đô nước Pháp. Vòng tròn bạn bè của Elsa bao gồm danh họa Salvador Dalí, nhà điêu khắc Alberto Giacometti và biên kịch/nhà thơ/tiểu thuyết gia Jean Cocteau. Những cuộc hợp tác giữa nhà thiết kế và nhóm bạn nghệ sĩ này được báo chí thế giới ngợi ca bằng cụm từ “museum-worthy” (chất lượng bảo tàng). Jean Cocteau là cha đẻ của chiếc cầu mắt xanh dương – một trong những mô típ trang sức nổi tiếng nhất đến từ Schiaparelli. Alberto Giacometti để lại trong kho lưu trữ kinh điển nước Pháp hàng ngàn mẫu thử trang sức điêu khắc nguyên khối. Trong khi đó, Salvador Dalí khiến thời trang Schiaparelli thăng hoa cùng họa tiết mặt trời “Le Roy Soleil” (1947) hay chiếc đầm “Skeleton” (1938). Tất cả những sáng tạo thuộc về lịch sử này đều được tái hiện trong Schiaparelli Haute Couture của Daniel Roseberry trong BST Xuân 2020.

Jean Paul Gaultier Couture mùa Xuân 2022 look 18.

Thời trang cũng là một phần thiết yếu xây dựng điểm nhấn cho phim ảnh. Dù bạn có đồng ý hay không, giày cao gót Manolo Blahnik đã tạo nên những thước phim không thể tình tứ hơn. Chắc hẳn ai cũng biết phân cảnh cầu hôn bằng đôi Manolo trong phim truyền hình Mỹ Sex and The City. “Giày gót nhọn dành riêng phụ nữ quyến rũ” cũng không bỏ qua cơ hội tiếp cận điện ảnh châu Á.

Năm 1994, Trùng Khánh sâm lâm được phát hành. Tại đây, Lâm Thanh Hà, trong vai một người phụ nữ buôn lậu, phải bỏ chạy trên đôi cao gót Manolo Blahnik. Phân cảnh Hà Chí Vũ (Kim Thành Vũ thủ vai) thất tình, lặng lẽ lau chùi chính đôi giày vừa trải qua một cuộc tẩu thoát bằng chiếc cà vạt của mình trở thành kinh điển. Lý do cực kì đơn giản: người phụ nữ đẹp nên có giày cao gót thật sạch sẽ. Hiển nhiên, đôi Manolo Blahnik cao chênh vênh ấy đã làm tốt nhiệm vụ thể hiện mong muốn được yêu hơn bất kì kiểu lời thoại nào.

HÃY HỎI KHÁC ĐI!

Tóm lại, rất nhiều nhà mốt có đủ khả năng chứng minh thời trang của họ xứng đáng được gọi bằng danh từ chung “nghệ thuật”. Cùng lúc, điêu khắc, điện ảnh, văn học và nhất là nhiếp ảnh vẫn không ngừng can thiệp vào thời trang. Loewe là một trong những ví dụ điển hình của ứng dụng điêu khắc, chủ nghĩa Siêu thực và những màn kết hợp thời trang với nghệ thuật sắp đặt.

Giày Manolo Blahnik trong bộ phim Marie Antoinette do đạo diễn Sofia Coppola thực hiện.

Mặt khác, xu hướng hiện đại khiến thời gian dành cho một BST bị rút cạn tới mức rất nhiều nhà mốt buộc phải từ bỏ dòng Haute Couture. Đối với ready-to-wear, hầu hết các sáng tạo chỉ xuất hiện một lần duy nhất trên sàn diễn, trở thành bàn đạp để thương hiệu bán được áo phông, quần nỉ, túi xách và son môi. Mặc dù cùng thuộc ngành hàng xa xỉ và vẫn tồn tại những ngoại lệ đầy tính thuyết phục, chắc chắn sẽ không gọi thời trang ready-to-wear là một nhánh của nghệ thuật nói chung. Haute Couture, vẫn được số đông công nhận là nghệ thuật chân chính, tuy nhiên, bắt đầu phải làm quen với sự đơn giản hóa. Và chắc hẳn không một ai muốn thấy hiện tượng thời trang “streetwear” xuất hiện bên cạnh tính từ “Haute”, nhất là Liên đoàn Haute Couture & Fashion (The Fédération de la Haute Couture et de la Mode) những người đã từ chối thêm Balenciaga vào lịch diễn Haute Couture chính thức.