Theo Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam
Tranh minh họa: Họa sĩ Nguyễn Văn Đức
Ngày xửa ngày xưa, có chàng Thạch Sanh sống một mình trong túp lều nhỏ dưới gốc đa, chỉ có chiếc rìu để đốn củi kiếm cơm. Tuy côi cút nhưng chàng mạnh khỏe hơn người, lại thật thà trung hậu. Một ngày nọ, có người bán rượu tên Lý Thông đi ngang qua đó, thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, Lý Thông nghĩ: “Nó khỏe lại khù khờ, mang về nhà giúp việc chắc hẳn đỡ được bao nhiêu”. Hắn ngỏ ý kết nghĩa anh em, Thạch Sanh thấy có người thương mình thì vui vẻ nhận lời.
Bấy giờ, trong vùng có con trăn tinh thường bắt người ăn thịt, nhà vua đã bao lần cho quan quân vây đánh nhưng không ai làm gì được. Vua đành xây miếu thờ và hứa mỗi năm hiến tế cho trăn tinh một người. Năm đó đến lượt Lý Thông đi hiến mạng, hắn bèn âm mưu cho Thạch Sanh đi thế. Chiều đó, Lý Thông gọi Thạch Sanh vào ngon ngọt:
– Hôm nay đến lượt anh đi canh miếu thờ, ngặt vì cất dở mẻ rượu, tối nay em đến miếu canh hộ cho anh.
Thạch Sanh tin ngay:
– Được, anh cứ ở nhà lo việc nhà, em sẽ thay anh ra miếu thờ trông coi.
Đêm đến, Thạch Sanh đang ngồi canh miếu bỗng thấy gió thổi lạnh buốt, trăn tinh to lớn lao tới. Thạch Sanh bình tĩnh vung búa đánh nhau, dùng tài nghệ giết được trăn tinh. Chàng chặt đầu, đốt xác nó thì bỗng hiện ra một bộ cung tên bằng vàng. Thạch Sanh mang cả cung tên, cả đầu trăn đi về. Nghe tiếng gọi cửa, mẹ con Lý Thông sợ hãi khấn vái:
– Em à, em sống khôn chết thiêng, mai anh sẽ mua hương hoa cúng cho em siêu thoát.
Vẫn thấy Thạch Sanh đập cửa:
– Em đây mà, em đã giết được trăn tinh rồi.
Tin lời anh, Thạch Sanh bỏ trốn về rừng, Lý Thông vội vã mang đầu trăn tinh đi báo công. Nhà vua vui mừng, lập tức phong cho Lý Thông chức đô đốc.
Khi đó, vua có công chúa Quỳnh Nga xinh đẹp tuyệt trần. Một hôm công chúa đang dạo chơi vườn đào thì một con chim đại bàng khổng lồ sà xuống cắp đi, bay ngang qua khu rừng.
Ở kinh đô, nhà vua sai Lý Thông đi tìm công chúa, hứa nếu cứu được thì sẽ gả nàng cho hắn. May thay, đúng lúc đó Thạch Sanh đến thăm và kể lại chuyện bắn đại bàng. Lý Thông mừng rỡ nhờ chàng dẫn đường đi tìm công chúa. Tới hang, Lý Thông bảo Thạch Sanh bám dây trèo xuống. Quả nhiên chàng gặp được công chúa, hai người trong hiểm cảnh đã hẹn thề kết duyên. Nhân lúc đại bàng còn đang ngủ say, Thạch Sanh đưa công chúa lên trước. Lý Thông kéo công chúa lên thì sai người đưa nàng đi, còn hắn ở lại rút dây thừng, lấy đá lấp hang rồi về nhận công. Từ ngày được Thạch Sanh cứu, công chúa ôm mộng nhớ nhung. Chờ lâu không gặp, nàng đau buồn mà hóa câm, cũng vì thế việc đám cưới tạm không tính tới.
Về phần Thạch Sanh, không cách nào lên được, lúc này đại bàng tỉnh dậy, lao vào đánh cùng Thạch Sanh, vì vết thương còn nặng nên chỉ một lúc là nó chết. Thạch Sanh tìm đường đi sâu vào trong hang động thì bắt gặp và giải thoát cho Thái Tử con vua Thủy Tề vốn bị đại bàng giam giữ trong cũi sắt trước đó. Để trả ơn cứu mạng, Thái Tử ngỏ ý mời Thạch Sanh xuống Thủy cung chơi.
Vua Thủy Tề thấy con trai về thì mừng lắm, thiết đãi Thạch Sanh rất tử tế. Trước khi chia tay, ông tặng chàng một cây đàn, dặn sẽ có khi dùng tới. Thạch Sanh cảm tạ rồi trở về gốc đa xưa. Cũng lúc này, hồn hai con quái vật bị Thạch Sanh giết gặp nhau tìm cách hãm hại chàng. Chúng vào kho nhà vua lấy cắp vàng giấu ở nơi Thạch Sanh ở. Quân lính tìm thấy châu báu ở gốc đa thì ngay lập tức bắt Thạch Sanh vào ngục. Trong tù, Thạch Sanh buồn rầu, chàng lấy đàn thần ra gảy, tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, khi ai oán. Nghe tiếng đàn, công chúa bừng tỉnh nói cười. Nhà vua nghe công chúa kể lập tức hạ lệnh cho gặp Thạch Sanh hỏi chuyện. Biết rõ ngọn nguồn, Vua định phạt tội chết mẹ con Lý Thông nhưng được Thạch Sanh nể tình xưa xin tha mạng. Người tha nhưng trời không dung, vừa ra khỏi kinh thành thì họ bị sét đánh chết, hóa thành bọ hung.
Thạch Sanh được nhà vua yêu mến gả cho công chúa. Nghe tin, chư hầu 18 nước láng giềng vì không lấy được công chúa tức giận, kéo quân vây kinh thành. Trước đội quân bao vây, Thạch Sanh đem chiếc đàn thần ra gẩy, tự nhiên quân sĩ của mười tám nước không còn ý chí đánh trận nữa, cuối cùng đều nhất tề cuốn giáp. Thạch Sanh sai dọn cơm cho họ ăn. Cả mấy vạn quân sĩ thấy niêu cơm quá nhỏ, ai nấy bĩu môi không buồn cầm đũa. Biết ý, chàng đố họ ăn hết được niêu cơm sẽ trọng thưởng. Chúng ra sức ăn mãi nhưng ăn hết bao nhiêu cơm lại đầy bấy nhiêu. Sau khi ăn no chúng rập đầu lạy tạ và kéo nhau về nước.
Về sau vua không có con trai nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.