Minh Trần

Tay Trái là cuộc chơi bên lề của các họa sĩ ở nhiều chuyên ngành khác nhau trong lĩnh vực nhiếp ảnh

Triển lãm đầu tiên của nhóm Tay Trái được tổ chức vào năm 2014

“Chúng tôi vẽ bằng tay phải, tay trái đôi khi thấy chả biết làm gì, cầm cái máy ảnh thấy hay hay, thế là tay trái có việc” (họa sĩ Dzungart Nguyen)

Họa sĩ Thành Chương - Tô Chiêm

Nghệ thuật luôn là sự tình cờ và trong một trạng thái tự nhiên nào đó nó chạm vào tâm thức của mỗi cá nhân như một sự thức tỉnh và đồng hành vào một hành trình mà đôi khi đi không nhất thiết phải cần đích đến.

Trong nghệ thuật hôm nay thì phương tiện biểu đạt luôn phong phú và đa dạng, nó luôn tạo cho người nghệ sĩ đạt đến cảm xúc trọn vẹn trong sáo tạo. Vì vậy, khoảng cách giữa các môn nghệ thuật ngày càng được xóa bằng, hay kết hợp đan xen như một sự đương nhiên.

Tự kỉ - Nguyễn Anh Tuấn

Tay Trái là cuộc chơi bên lề của cái sự đương nhiên đó. Mười ba họa sĩ ở nhiều chuyên ngành khác nhau từ hội họa, điêu khắc, thiết kế đồ họa, kiến trúc… đã cùng hội ngộ với nhau trong một bản hòa tấu về thị giác. Họ là những người đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực của mình, nhưng cùng có một niềm đam mê chung: nhiếp ảnh.

Cánh đồng vắng - Nguyễn Tú

Chiếc máy ảnh với khởi đầu là công cụ ghi chép tài liệu phục vụ cho những tác phẩm hội họa qua những hành trình đi thực tế, hay những khuôn hình cần tìm cho thiết kế… nhưng tình yêu đối với nhiếp ảnh đã chuyển hóa những khoảnh khắc ghi chép ấy dần thành những tác phẩm mang tính độc lập. Góc nhìn hội họa qua nét cọ “ống kính” đã định hình cá tính và cách nhìn của người họa sĩ một cách rất riêng. Với họ, ảnh phong cảnh, ảnh đời thường, ảnh ý niệm hay ảnh báo chí… chỉ là những góc nhìn khác nhau trong một tinh thần chung nhất hướng về mỹ học hình ảnh. Một Nguyễn Quốc Dũng đắm mình trong tà áo dài trắng và nghệ thuật khỏa thân lại tung ra những khoảnh khắc đời thường dung dị và đầy màu sắc. Một chút biểu hiện duyên dáng của Nguyễn Anh Tuấn, một chút đời sống của Nguyễn Quốc Hùng, Hoàng Phương Liên trong góc nhìn đời sống góc cạnh mà dung dị. Cùng nhịp là Bùi Việt Dũng, trung thành với ghi nhận những sắc thái đời thường qua tương phản đen trắng, cuộc sống được anh diễn giải nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ lại đắm mình trong những miền đất vùng cao, với những khoảng khắc của phong cảnh và con người mà anh chót lỡ yêu. Ngô Xuân Phú, Phạm Hoài Thanh là những ghi chép có chút thiên về phóng sự báo chí, nhưng tính mỹ học trong tâm thức người họa sĩ vẫn đậm đặc ở những khoảng khắc mà họ đã ghi lại. Họa sĩ Tô chiêm khẽ khàng giới thiệu về những người bạn thân thiết của mình qua mảng chân dung. Anh ghi lại họ trong tâm thế trực họa hồn nhiên, không màu mè, không xếp đặt. Ngược lại với họa sĩ Tô Chiêm, ảnh của họa sĩ Minh Trần kết hợp xếp đặt khá cầu kỳ cho những ý tưởng với những biểu cảm về số phận con người trong chiều sâu của tâm linh. Đồng với thông điệp mang tính ý niệm này, Trịnh Vũ Hiếu đặt người mẫu vào những tác phẩm hội họa của mình thành một tổng thể thông điệp thị giác hoàn chỉnh. Độc lập trong những khuôn hình phong cảnh tối giản, họa sĩ Nguyễn Tú với hình thức thủy mặc hóa phong cảnh đã tạo nên những khoảng chiều sâu đa sắc. Cùng với nghệ thuật phong cảnh, họa sĩ Bùi Thắng đã cụ thể hóa cảm xúc của anh bằng những khuôn hình toàn cảnh, với kỹ thuật chụp chi tiết và tinh vi những điểm kỳ quan thiên nhiên rất cụ thể mà anh đã từng đi qua, từng khám phá.

Ngày mai bão về - Nguyễn Quốc Dũng

Mười ba họa sĩ, mười ba sắc thái hình ảnh là sản phẩm “tay trái” của đời, là thực tiễn trải nghiệm đời sống và tinh thần mà họ đã đi qua. Không định hình, không đóng khuôn, nghệ thuật đôi khi là mũi tên đang bay chứ không hẳn là đích đến. Và họ, những họa sĩ gặp nhau, cùng chơi chung một cuộc chơi, không vụ lợi, cùng một mục đích chia sẻ những khoảnh khắc đẹp của cuộc đời, giản dị vậy thôi! Nhưng đôi khi những điều lớn lao lại luôn nằm trong cái sự giản dị ấy!.