Long Tuyền
Vùng rừng núi Lương Sơn – Hòa Bình là cửa ngõ lên vùng tây Bắc nếu xuất phát từ Hà Nội. Ít người để tâm khảo sát kỹ Lương Sơn, do đó cũng không mấy ai biết về nền văn hóa bản địa khá đậm đặc của xứ mường. Ở đó, hiện hữu một ngôi nhà cộng đồng thuộc địa phận Suối Ré, Lương Sơn, tuy dáng vẻ bề ngoài không có gì đặc biệt nhưng chỉ khi tiếp cận kỹ chúng ta mới nhận ra những nét độc đáo của kiến trúc. Đây là tác phẩm của kiến trúc sư hoàng Thúc hào và bằng hữu gom sức xây nên dành tặng người địa phương, công trình chứa đựng nhiều ý nghĩa cũng như câu chuyện về nghề.
Cách đây 4 năm, đứng trước thực trạng người miền núi vì mưu sinh mà dần lãng quên đời sống tinh thần, Hoàng Thúc Hào đã kêu gọi sự trợ giúp từ bè bạn để dựng cho bà con ngôi nhà cộng đồng đầy tính cách. Xuất phát từ đặc thù của vùng là nơi sinh sống của người Kinh và mường, anh đã vẽ nên một ngôi nhà mang âm hưởng của nhà sàn mường kết hợp nhà 5 gian đồng bằng Bắc Bộ. Sử dụng vật liệu địa phương như tre, lá cọ, đất, đá cuội…, ngôi nhà là một tác phẩm độc đáo mang tính xanh, tức thân thiện với môi trường và tối giản năng lượng tiêu hao. Đường hầm đối lưu gió, khoảng elip thông tầng, những bậc cỏ, triền vát, mái lấy sáng… Tất cả cùng kết nối không gian trước – sau, trong – ngoài, trên – dưới thành chuỗi không gian mở liên hoàn. hàng hiên rộng gắn liền vạt cỏ xanh giữ vai lớp đệm, tầm nhìn tít tắp. tầng trệt ăn vào khoảng lõm triền dốc, tận dụng địa nhiệt, tránh gió đông bắc, hút gió địa hình đông nam nên nhà ấm về đông, mát về hè. Không gian mở ra lớp sau, hướng lên núi và rừng tre. tại đây, các lớp mẫu giáo được mở, thư viện được lập, những buổi hội họp của cư dân được tổ chức… Công trình sau khi đi vào hoạt động đã mang tới cho địa phương một sự gắn kết văn hóa đầy nhân văn và đã nhận được khá nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đó là giải Thiết kế xanh (Green Good Design) của The Chicago Athenaeum năm 2012; giải thưởng kiến trúc xanh châu Á (green Leadership Award 2011) của (Singapore); Giải thưởng “Kiến trúc Xanh” – hội Kiến trúc sư Việt Nam năm 2012…
Thi công ngôi nhà cộng đồng ở Lương Sơn
Trong chuỗi hoạt động của mình, kiến trúc sư hoàng Thúc hào đã cùng cô Viviana (Bồ đào Nha) và nhà thiết kế nội thất Phạm Kiều Phúc xây dựng một công trình cộng đồng khác tại Tả Phìn, cách Sa Pa 15km. tại đây, khách du lịch có thể tới để cảm nhận một sắc thái mới mẻ của đời sống, ở đó những người dân tụ họp, phụ nữ thêu thổ cẩm, vài họa sĩ ở thành phố lên vẽ tranh… tác phẩm kiến trúc này đang được sử dụng như một không gian sinh hoạt cộng đồng với hình thái hoàn toàn mới lạ.
Lấy cảm hứng từ chiếc khăn của phụ nữ Dao đỏ, ngôi nhà được thiết kế theo xu hướng tiết kiệm năng lượng, thích hợp với điều kiện tự nhiên. Đây là một chuỗi các giải pháp kiến trúc xanh: dùng gạch không nung, gỗ tái chế, móng xây bằng đá, tận dụng lại nguồn nhiệt lò sưởi và lắp pin mặt trời, từ đó hình thành nên công trình vừa đẹp mắt, vừa ít tiêu hao năng lượng trong quá trình hoạt động. Tới Tả Phìn, du khách ngoài việc thăm nhà dân, tắm thuốc đều hào hứng ghé vào nhà cộng đồng, tại đây ta bắt gặp đám trẻ vào chơi đùa, phụ nữ thêu thùa… Không gian của nhà cộng đồng còn dành cho các sự kiện của dân bản và giới họa sĩ, đồng thời còn có vườn ươm bảo tồn và trưng bày cây thuốc quý.
Dựng được nhà đã gian truân, nhưng để ngôi nhà sống theo đúng nghĩa cũng là bài toán khó. từ trước tới nay, khái niệm nhà cộng đồng là một thứ khá xa lạ đối với cư dân miền núi. Nếu như người đồng bằng có chùa hay nhà thờ, có đình để thờ Thành hoàng, người tây Nguyên có nhà rông để tới nghe sử thi thì đồng bào tây Bắc nói chung không có những không gian tương tự như vậy. Do đó, hiện nay nhà cộng đồng tả Phìn đang được giao phó cho bà Lý mẩy Chạn, một phụ nữ địa phương quản lý chung với nguyên tắc chăm lo vệ sinh, mở cửa rộng rãi cho tất cả mọi người. từ khi khánh thành vào tháng 5.2012 cho tới nay, người dân địa phương đã sử dụng ngôi nhà thường xuyên, tại đây đã diễn ra các buổi hội họp, trình diễn và giao lưu giữa đồng bào với các nhóm du khách, nghệ sĩ từ nơi khác tới. Công năng được thiết lập một cách tự nhiên với mô hình không gian mở, ở đó mỗi người đều tìm thấy sự gắn kết chung với cộng đồng.
Những ngôi nhà tuy nhỏ, song chứa đựng ý nghĩa lớn lao. Các công trình kiến trúc này đã nói lên tấm lòng của những người hà Nội dành tặng đồng bào ở các vùng xa. qua đó, mối liên kết của tình người được thiết lập và nền tảng văn hóa bản địa được truyền lưu tới nhiều thế hệ sau này.