Tuấn Mania
LACOSTE
René Lacoste là một tay vợt nổi tiếng trong các thập niên 1920 và 1930, từng 7 lần chiến thắng các giải Grand Slam và biệt danh “the Crocodile” (cá sấu) được đặt theo cách đánh của ông. Trang phục của các vận động viên tennis thời bấy giờ là sơ mi dài tay cùng quần dài, và rõ ràng bộ trang phục này là trở ngại cho các tay vợt khi thi đấu. Năm 1933, René cùng với André Gillier, Chủ tịch một công ty sản xuất hàng dệt kim lớn tại Pháp, thành lập công ty La Chemise Lacoste – ngày nay là Lacoste SA (Sociéte Anonyme).
Sản phẩm nổi trội của hãng thời trang thể thao này là chiếc áo polo với logo cá sấu. Bắt đầu từ chiếc áo thun từng được René Lacoste mặc khi thi đấu, áo polo của Lacoste có độ co dãn tốt, nhẹ và thoáng mát, được làm từ một loại vải hoàn toàn mới được gọi là “petit piqué”. Kỹ thuật dệt và xe sợi tạo nên vải áo là một bí quyết mang tính cách mạng của hãng. Nhưng qua năm tháng, áo polo Lacoste đã trở thành một biểu tượng thời trang thực thụ. Sự linh hoạt và dễ chịu của chất liệu “petit piqué” đã giúp cho chiếc áo polo này vượt qua giới hạn trang phục thi đấu, chinh phục mọi khách hàng. Tính phổ biến của chiếc áo đã lan rộng khắp thế giới, không chỉ bởi sự thoải mái mà còn bởi phong thái đơn giản nhưng không kém phần lịch lãm.
Cho tới ngày nay, mặc dù đã mở rộng số lượng sản phẩm trong các cửa hàng của mình, nhưng áo thun polo vẫn luôn là sản phẩm chủ lực của thương hiệu. Bước chân vào mỗi cửa hàng Lacoste ở bất kỳ nơi đâu trên toàn cầu, khách hàng cũng sẽ bị choáng ngợp bởi khu trưng bày những chiếc áo thun polo với đủ sắc màu bắt mắt. Và một khi đã phải lòng thương hiệu thời trang mang logo cá sấu trứ danh này, số áo polo bạn sở hữu chắc chắn sẽ tăng đều mỗi năm.
NIKE
Nike là một trong những “ông lớn” trong lĩnh vực đồ thể thao ở Mỹ. Nếu không phải là tín đồ của Nike, chắc ít ai biết rằng tên khai sinh của hãng lại là Blue Ribbon Sports khi được thành lập vào năm 1964 bởi Phil Knight và Bill Bowerman, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phân phối giày. Đến năm 1971, cái tên Nike cùng logo “Swoosh” được ra đời và sử dụng cho tới ngày nay. Các sản phẩm của Nike rất đa dạng, phục vụ cho nhiều bộ môn thể thao như điền kinh, bóng đá… và đặc biệt là bóng rổ – một trong bốn bộ môn thể thao vua ở Hoa Kỳ. Và cú bắt tay giữa Nike cùng huyền thoại bóng rổ Michael Jordan năm 1984 đã thực sự đánh dấu sự ra đời của một trong những biểu tượng lừng lẫy – Air Jordan 1, mở màn cho sự ra đời của dòng sản phẩm Air Jordan của Nike. Cho tới ngày nay, có khoảng hơn 30 mẫu giày Air Jordan được ra mắt với vô vàn cách phối màu, liên tục đổi mới qua các năm, cùng với các phiên bản hợp tác đặc sắc khiến cho giới “sneakerhead” (giới đam mê giày thể thao) không ngừng sôi sục. Những mẫu giày Air Jordan luôn có một sức hút đặc biệt, thường xuyên trong tình trạng hết hàng rất nhanh bởi chúng được sản xuất với số lượng giới hạn và có khả năng sinh lời khi được “mua đi bán lại” giữa các nhà sưu tầm giày thể thao. Thiết kế giày có bộ đệm “Air” của Nike ở gót và bộ đệm cổ chân nhằm giúp hạn chế chấn thương cho các vận động viên bóng rổ khi thi đấu. Sự phổ biến của Air Jordan 1 đã lan rộng nhanh chóng, từ giấc mơ của những cậu trai mới lớn cho đến những bộ sưu tập đồ sộ của cộng đồng mê giày ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Một trong những màn hợp tác gây tiếng vang lớn gần đây nhất của Air Jordan là với NTK Kim Jones – Giám đốc Nghệ thuật của Dior Men trong BST Thu 2020 được ra mắt ở Miami, Mỹ hồi cuối năm 2019. Các người mẫu lần lượt xuất hiện trong những bộ trang phục muôn màu muôn vẻ của NTK Kim Jones thực hiện cho Dior Men, và mang những đôi giày “lai” giữa Air Jordan 1 cùng họa tiết “Oblique” trứ danh của Dior. Không chỉ vậy, một bộ sưu tập “Capsule” mang tên Air Dior đã được hình thành từ cuộc bắt tay lịch sử này. Tinh thần trẻ trung, khỏe khoắn và năng động của những thiết kế giày đã ngay lập tức đánh trúng “tim đen” của các tín đồ thời trang mộ điệu. Những đôi giày Air Dior đã hết hàng chỉ trong chớp mắt và chỉ dành cho những khách hàng “top-tier” của Dior tại các thị trường trên thế giới. Nếu chẳng may không có tên trong danh sách được mua hàng, nhiều “sneakerhead” vẫn sẵn sàng chi tiền gấp nhiều lần để sở hữu đôi giày đặc biệt này. Điều này chắc cũng phần nào minh chứng cho sức hút không hề suy chuyển của dòng sản phẩm Air Jordan có trị giá “tỷ đô” của Nike.
GUCCI
Năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Gucci, kỷ niệm 100 năm ra đời của thương hiệu thời trang đến từ Ý. Giống như nhiều thương hiệu xa xỉ khác, Gucci khởi nguồn là một nhãn hàng chuyên sản xuất đồ da, hành lý cao cấp dành cho giới thượng lưu ở Ý, và đặc biệt là những sản phẩm gắn liền với bộ môn thể thao cưỡi ngựa. Ban đầu, hoạt động kinh doanh chính của Gucci là sản xuất yên ngựa và các phụ kiện dành cho người cưỡi ngựa, được làm thủ công từ những tấm da thượng hạng bậc nhất. Những thiết kế của Gucci liên tục được đón nhận nồng nhiệt, vượt qua khỏi biên giới nước Ý, được giới quý tộc Anh rất ưa chuộng. Cho đến ngày nay, những dấu ấn mang tính di sản của Gucci liên quan đến bộ môn thể thao cưỡi ngựa thượng lưu vẫn luôn hiện hữu trong các sáng tạo của hãng, điển hình là biểu tượng hàm thiếc ngựa (horsebit) hay sọc “Web” màu đỏ-xanh lá – được lấy cảm hứng từ những chiếc yên ngựa.
Trải qua các đời Giám đốc Sáng tạo khác nhau như Tom Ford, Frida Giannini và hiện tại là Alessandro Michele, các BST của Gucci cho dù liên tục thay đổi từ mùa này qua mùa khác, nhưng những biểu tượng mang tính di sản vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bền vững. Với BST Aria vừa ra mắt, NTK Alessandro Michele không chỉ tạo ra một cú sốc với sự kết hợp cùng NTK Demna Gvasalia của Balenciaga, mà anh còn khéo léo kể lại những câu chuyện về cuộc hành trình 100 năm hình thành và phát triển của Gucci qua các sáng tạo của mình. Và dĩ nhiên, câu chuyện về mối liên hệ giữa Gucci và bộ môn thể thao cưỡi ngựa quý tộc vẫn xuyên suốt các thiết kế lần này, được thể hiện qua những món phụ kiện như mũ, boots da, roi da phá cách hay những chiếc túi xách, thắt lưng, giày mang biểu tượng horsebit quen thuộc của hãng.