Trần Hậu Yên Thế
Trong nghệ thuật của người Việt, hình ảnh rồng vuốt râu xuất hiện nhiều vào thế kỷ 16, 18 và 19. Rồng trên long sàng đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư cũng có những cánh tay rất lạ. Có thể nói rằng trong lịch sử tạo hình rồng từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim chưa từng thấy một con rồng nào có những cánh tay lạ như thế. Xin được kể đôi lời về chuyện lạ của những cánh tay rồng ở đền vua Đinh ở Hoa Lư.
Đền thờ vua Đinh và đền thờ vua Lê ở Hoa Lư, Ninh Bình là hai ngôi đền thờ tiên đế thuộc hàng lớn nhất ở miền Bắc được xây dựng vào thế kỷ 17. Thật là may mắn, trải qua bao thăng trầm lịch sử, hai ngôi đền này vẫn còn gần như nguyên vẹn cho đến hôm nay. Cả hai ngôi đền này đều rất nổi tiếng với những chiếc sập thờ bằng đá bày ngoài trời. Những chiếc sập đá ở đây đều là kiệt tác nghệ thuật của người Việt và là một trong các hiện vật quan trọng nhất của hai ngôi đền này. Ở đền vua Đinh, những chiếc sập đá này còn được gọi là long sàng vì trên mặt sập có chạm khắc hình rồng. Đặc biệt nhất là trên hai chiếc long sàng này có những cánh tay lạ mọc ra từ thân rồng.
Rồng theo quan niệm phong kiến ở phương Đông liên quan mật thiết đến vương triều, đến thiên tử và rồng năm móng là rồng của hoàng đế (móng ở đây là móng chim ưng). Tuy nhiên phần móng ở hai long sàng đền vua Đinh không phải là móng chim ưng. Như ở long sàng trước Nghi môn đền vua Đinh là những móng tay của những bàn tay mềm mại, thon tròn. Do bị phong hóa nhiều, chỉ khi nước ngập hết mặt long sàng thì những cánh tay rồng mới hiện ra rõ một cách đầy ma thuật. Những cánh tay này lúc thì nắm sừng lúc thì túm râu. Trong nghệ thuật của người Việt, có giai đoạn do ảnh hưởng từ văn hóa Chăm Pa nên có hiện tượng chi trước các linh thú biến thành tay. Cho nên đã có những hình tượng rồng vuốt râu, cầm ngọc, cầm bút, cầm kèn tựa như tay người, nhưng phần lớn là những bàn tay mập mạp, thô ráp chứ không phải là những bàn tay tròn trịa, mịn màng đầy nữ tính như trên chiếc long sàng trên. Với những động tác túm sừng, túm râu như thế, không thể gắn kết đồ án này với tích Long nữ hiến ngọc trong kinh Pháp hoa. Vì trên long sàng này còn xuất hiện một con sư tử tuy nhỏ bé nhưng đầy khí thế, bộ dạng như đang khiêu chiến. Cái lạ đời ở trên chiếc long sàng này, thoạt nhìn ta không thấy tay rồng, nhìn lâu ta thấy được tay rồng đang tự túm lấy sừng, râu tóc của mình. Nhìn kỹ hơn chút nữa, ta lại thấy con rồng này đang giãy giụa một cách tuyệt vọng – ngửa mình phơi bụng. Rõ ràng là tay rồng mọc ra từ thân rồng mà lại như không phải, cho ta một cảm giác phân vân, hồ nghi rất kỳ lạ.
Đi qua Nghi môn ngoại, theo đường thần đạo vào phía trong, trên chiếc long sàng thứ hai, phía trước bái đường cũng xuất hiện những bàn tay rất lạ. Chiếc long sàng này cũng có những bàn tay đang nắm râu, túm tóc, lôi sừng như ở phía bên ngoài. Nhưng khác với chiếc long sàng ngoài kia, những bàn tay này không còn là những bàn tay thiếu nữ mềm mại, thon thả mà là những bàn tay cứng cỏi nam tính. Xét về tỷ lệ, những bàn tay rồng này nhỏ một cách bất thường. Trong những bàn tay rất người này lại có bàn tay sáu ngón rất kỳ dị. Vẻ như, đó không phải tứ chi của rồng mà là tay của tiểu nhân, của ma quỷ.
Chuyện những cánh tay trên long sàng ở đền vua Đinh là những cánh tay bí ẩn bậc nhất trong nghệ thuật Đại Việt. Nó là ngoại lệ, vô tiền khoáng hậu, tay rồng mà không hẳn là tay rồng. Nó mọc ra từ thân rồng nhưng lại túm sừng, lôi tóc rồng. Long sàng đền vua Đinh không chỉ lạ vì có chạm hình rồng trên đó, mà trên hết, nó đã khắc những bàn tay hết sức lạ kỳ. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên đến thăm đền vua Đinh sau một trận mưa giông, mặt long sàng loang loáng nước, tôi giật mình trước những cánh tay lạ như đang dìm con rồng chìm sâu xuống. Có lẽ cổ nhân muốn gửi cho hậu thế những thông điệp lịch sử về Đinh Tiên Hoàng đế và vương triều nhà Đinh. Có thể mai sau, khi đầy đủ cứ liệu chúng ta sẽ giải mã được bí ẩn trên những chiếc long sàng. Nhưng ngay cả khi bí ẩn được hé lộ thì vẻ đẹp đầy ma lực của những chiếc long sàng này vẫn quyến rũ và hàm chứa tư duy nghệ thuật độc đáo.