Bài: Tuyết Vân
Ảnh: Trần Minh Tuấn, Tuyết Vân, Hòa Carol
Chúng tôi đến Pleiku khi hoa dã quỳ nở vàng núi lửa Chư Đang Ya, khi Tây Nguyên đang rộn ràng tiếng cồng chiêng mùa lễ hội. Trong ánh nắng chiều hanh hao vàng ruộm màu đất đỏ bazan, nghệ nhân ưu tú Ro Cham Tih cùng các học trò của mình hòa tấu lên những giai điệu âm vang giữa đại ngàn – không gì có thể hơn thế…
Ro Cham Tih cũng dành tình yêu thiên nhiên của mình vào các hình trang trí trên nhạc cụ: này là cánh hoa Pơ lang (hoa gạo), hình hoa Pit ping (hoa mua)
Ở làng Jút 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có một ngôi nhà nhỏ được nhiều người biết đến. Đó là xưởng đàn của nghệ nhân Ro Cham Tih (Rơ Chăm Tí). Anh được biết đến là một trong số các nghệ nhân dân gian hiếm hoi vừa chơi đàn vừa chế tạo các loại nhạc cụ dân gian của Tây Nguyên. Ro Cham Tih được coi là “viên ngọc” của người Jrai bởi năm 12 tuổi, anh đã tự chế tác đàn và chơi được một số nhạc cụ đơn giản. Năm 43 tuổi (2015), anh là nghệ nhân trẻ nhất của tỉnh Gia Lai vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Thường ngày, nghệ nhân Ro Cham Tih ít nói, hiền lành, chăm chú làm bạn với cây dao, mải miết đẽo gọt lồ ô (một loại tre) chế tác các nhạc cụ. Nhưng khi nói về những nhạc cụ dân tộc, về văn hóa truyền thống Jrai, là đôi mắt anh lấp lánh, đôi tay gảy gót như múa trên các sợi dây đàn, làm vang lên những thanh âm huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên.
Chứng kiến anh cùng các học trò biểu diễn trong một chiều rực nắng giữa đại ngàn, chúng tôi không ai có thể cưỡng nổi sức lôi cuốn của khoảnh khắc đó. Âm nhạc Tây Nguyên khi rộn rã, lúc trầm hùng, khi lại réo rắt. Âm thanh vang lên từ những thân lồ ô mộc mạc, mà diễn tả được hết cái réo rắt của suối chảy, cái da diết như thú hoang gọi bầy, cái khắc khoải của cánh chim Ch’rao,… Chạm vào đàn, nghệ nhân Ro Cham Tih như biến thành một con người hoàn toàn khác. Say đàn, mắt anh nhắm nghiền, môi mím chặt, chân nhảy múa, thân lắc lư, bắp tay cuồn cuộn vung vẩy theo từng nhịp gõ. Tih bảo, có những khi anh chơi đàn K’ni (Kơní) trong đêm thanh vắng, nhiều người đã khóc khi đồng cảm được với những câu chuyện mà âm thanh của cây đàn mang lại.
Để làm được một nhạc cụ, rất khó và rất lâu. Mê đàn, từ nhỏ Ro Cham Tih đã vào rừng tìm cây lồ ô. Phải lên tận rừng Yaly cách làng hơn 50 cây số, ở đó cả tuần để tìm. Lồ ô làm được đàn phải là cây 3 năm tuổi, đã có 2 em (tức 2 cây măng bên cạnh). Lồ ô già quá sẽ bị nứt, non quá sẽ bị héo. Chọn được lồ ô phải mang về ngâm bùn 3 tháng. Khi chế xong nhạc cụ phải hun trên gác bếp, hoặc luộc để chống mối mọt. Đàn hay phải biết chỉnh qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Tih cũng dành hết tình yêu thiên nhiên của mình vào các hình trang trí trên nhạc cụ: này là cánh hoa Pơ lang (hoa gạo), hình hoa Pit ping (hoa mua), là dòng suối thân thương uốn khúc quanh làng. Bởi vậy, các nhạc cụ mà anh chế tác mang đủ cả trong nó thông điệp về tâm tư, nếp sống của người dân địa phương.
Do có thể tự chế tác, chỉnh sửa được nhạc cụ, nên Ro Cham Tih có thế mạnh hơn hẳn các nghệ nhân chỉ biết chơi nhạc cụ. Khi được mời đi trình diễn, một mình anh có thể chơi vài nhạc cụ liên tục. Các bản dân ca Jrai theo tiếng đàn của Ro Cham Tih đã vang lên trên nhiều sân khấu các nước như Úc, Phần Lan, Thụy Điển, Lào, Campuchia…
Hơn 30 năm gắn bó với âm nhạc Tây Nguyên, Ro Cham Tih được trao tặng nhiều huy chương, bằng khen và công nhận là nghệ nhân ưu tú. Điều mà anh trăn trở nhất là làm sao khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình cho các lớp thế hệ sau này. Ro Cham Tih đã mở nhiều lớp dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Anh cũng thường đến các trường Dân tộc nội trú trong tỉnh để dạy cho các em học sinh. Truyền được lửa nghề của mình cho lớp thanh niên Jrai, đó là niềm vui lớn nhất đối với Ro Cham Tih.